Nội dung nổi bật:
- ‘Người đẹp không tuổi’ Thanh Hằng từng bỏ công việc nhà nước ổn định để đi buôn mỹ phẩm ở chợ, rồi đột nhiên chuyển sang kinh doanh ảnh viện, áo cưới và giờ đây là chủ của một trung tâm thẩm mĩ nổi tiếng tại Hà Nội.
- Đầu những năm 90, khi mỹ phẩm nhập ngoại còn xa lạ thì chị Hằng đã ‘đánh liều’ nhập hàng ngoại về bán. Năm 1996, khi áo cưới ở thủ đô còn rườm rà xanh đỏ thì chị nhập về hàng trăm chiếc váy cưới từ Mỹ và Hongkong.
- Bí quyết thành công: Dám làm và quyết tâm làm điều mình thích. Làm theo cách khác biệt, đón đầu những xu hướng mới trên thị trường.
Phần 1: Thành công từ những quyết định từng bị coi là ‘viển vông’
Giới nghệ sĩ vẫn được xem là những người trọng cái đẹp, ưa hình thức, bởi đặc thù nghề nghiệp của họ. Có lẽ vì vậy, sẽ không quá bất ngờ nếu mọi người vẫn thường nhận xét ‘nữ nghệ sĩ này chục năm nay không thay đổi gì’, hay nghe tin cô người mẫu kia vừa nâng mũi, độn cằm, sửa mắt…
Rất nhiều trung tâm thẩm mĩ đã ra đời nhằm phục nhu cầu làm đẹp giới nghệ sĩ nói riêng và đông đảo chị em nói chung. Cũng xuất phát từ chính nhu cầu làm đẹp cho bản thân mình, một cựu sinh viên Đại học Giao thông vận tải đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ trong lĩnh vực này.
Khởi đầu là buôn mỹ phẩm ở chợ rồi nhảy sang kinh doanh áo cưới và hiện tại bà bà chủ của một trung tâm thẩm mĩ quen thuộc của giới nghĩ sĩ – đó chính là chị Đặng Thanh Hằng, bà chủ của Thanh Hằng Beauty Medi.
Chị Đặng Thanh Hằng chụp ảnh lưu niệm cùng khách hàng là những người nổi tiếng.
Từ trái sang: Hoa hậu Bùi Bích Phương, ca sĩ Thanh Lam, hoa hậu Diệu Hoa và doanh nhân Đặng Thanh Hằng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Những ngày ăn mì gói, kéo 3 tạ hàng
Câu chuyện về cô sinh viên Đặng Thanh Hằng tốt nghiệp trường ĐH Giao thông Vận tải quyết định rời công việc nhà nước ổn định, tự tay khởi nghiệp với quầy hàng mỹ phẩm nhỏ ở chợ Hôm không còn xa lạ đối với nhiều người.
Đến tận bây giờ, chị vẫn thú nhận, đó là một quyết định để đời, đầy khó khăn nhưng đúng đắn. Kể cả những năm sau này, khi thực hiện những dự án lớn hơn, vốn nhiều hơn và mạo hiểm hơn, thì quyết định khởi đầu đầy gian nan năm 1990 vẫn khiến chị cảm thấy… áp lực nhất.
“Mọi người ngăn cản lắm. Mình cũng đấu tranh tư tưởng dữ lắm nhưng vẫn quyết làm bằng được điều mình thích”, chị kể lại.
Để ý thấy nhu cầu lớn từ nhóm khách hàng nữ nhân viên văn phòng, cũng từng làm việc trong môi trường công sở nên chị Hằng hiểu rõ tâm lý và nhu cầu của chị em. Chị quyết định nhập hàng chất lượng từ nước ngoài về. “Bản thân mình ăn mì gói nhưng vẫn cố gắng phải nhập hàng xịn về để giữ uy tín với khách hàng”, chị kể lại.
Ngày ấy bụng bầu vượt mặt nhưng vẫn kéo theo 3 xe đẩy nặng đến 3 tạ hàng,“15 ngày tôi đi lấy hàng một lần. Mỗi lần nhập hàng tôi chỉ đi 3-4 ngày và đi một mình thôi để tiết kiệm chi phí. Cứ thế lấy ngắn nuôi dài, vốn ít nên chỉ có cách phải quay vòng càng nhanh càng tốt”.
Bài học thứ nhất: Vốn ngắn, hãy quay vòng vốn càng nhanh càng tốt
Những quyết định bị cho là… viển vông
Đằng sau nhan sắc và sự trẻ trung (trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi 46 của chị), có lẽ ấn tượng nhất khi tiếp xúc với doanh nhân Thanh Hằng, là những suy nghĩ khác biệt, dám làm điều khác biệt, theo cách khác biệt.
Trở lại thời những năm 90, khi phụ nữ ở các thành phố lớn cũng chỉ mới dùng cây chì đen, thỏi son gió hay phấn trang điểm Con Én, chị Hằng đã ‘đánh liều’ nhập mỹ phẩm Lancome về bán.
“Bấy giờ, bỏ tiền ngang với 2 tạ thóc chỉ để mua cây son là điều ‘không tưởng’. Nhưng qua thời đói ăn thiếu mặc, khi có điều kiện kinh tế hơn thì ai cũng có nhu cầu làm đẹp, muốn được sử dụng các sản phẩm tốt”, chị nói.
Năm 1996, thời điểm khái niệm ‘thời trang’ trong nước còn tương đối hạn hẹp, cũng là lúc chị Hằng chuyển sang lĩnh vực mới – kinh doanh áo cưới. Trong khi áo cưới ở hầu khắp các ảnh viện thủ đô lúc đó là áo rườm rà xanh đỏ, bà chủ này đã nhập về cơ sở của mình cả trăm chiếc váy cưới trắng ‘made in Hong Kong, US’.
Rồi đến năm 2010, Áo cưới Thanh Hằng và Ảnh viện Hong Kong lúc này đã trở thành địa chỉ gạo cội ngót 2 thập kỷ về dịch vụ ảnh viện cưới cao cấp ở thị trường Hà Nội. Bạn bè một lần nữa lại phải… can ngăn khi chị Hằng muốn “lấn sân” sang lĩnh vực làm đẹp.
Quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực làm đẹp còn non trẻ ở Việt Nam của chị Hằng được khuyên can bởi tiềm ẩn đủ thứ rủi ro: từ máy móc thiết bị, bác sĩ, kỹ thuật viên, khách hàng và trên hết là ẩn số về khả năng sinh lời khi vốn đầu tư lên đến 2 triệu USD. Với số tiền này, người ta có thể đầu tư nhiều dự án khác sinh lãi hơn, nhàn hơn và an toàn hơn.
“Tôi chỉ làm những gì mình thích. Tôi kinh doanh trên chính nhu cầu và tâm lý của bản thân. Khi mình có nhu cầu thực, mình sẽ thấu hiểu khách hàng cần gì và nhờ vậy có thể phục vụ khách hàng tốt nhất”, chị Hằng lý giải.
Làm điều mình thích và khi đã bắt tay làm thì phải làm khác biệt. “Tôi không muốn kinh doanh những gì lặp lại người khác và sẽ chỉ làm những gì chưa ai làm. Tất nhiên mọi điều mình làm phải dựa trên quá trình tìm hiểu kỹ thị trường, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài và đầu tư kỹ lưỡng tất cả mọi thứ. Ngay trung tâm Thanh Hằng Beauty Medi, tôi cũng phải ‘thai nghén’ ý tưởng và chuẩn bị suốt 5 năm trời trước khi khai trương vào năm 2010”.
Bài học thứ hai: Chỉ làm những điều khác biệt
Phần 2: Vài tháng lãi được một căn hộ, ‘sống khỏe’ nhờ không ham bất động sản
Theo Trí Thức Trẻ