Hòa Bình, có nhiều cánh cửa thiên nhiên tuyệt đẹp mở ra phía vùng trời tây bắc, nơi mắt ta phải đắm đuối bởi Thung Khe, Thung Nai…
Thung Nai chốn xưa, rừng thẳm, có nhiều bầy nai tơ vẫn còn trong huyền thoại đến giờ. Thung lũng nai ở Cao Phong, cách thanh phố Hòa Bình 25km, có bến nước Bình Thanh, có thác Bờ và đền thờ bà chúa Thác; có hang bờ, và bản Mường nguyên sơ, nơi lưu dấu trong tim ta một bảo tàng văn hóa Mường Thàng thuần khiết, nơi còn âm vang ngàn đời trong bộ tứ văn hóa Mường cổ nước Việt: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động.
Thung Nai ngày lui tháng tới
Câu nói còn lưu truyền của nhân dân ngàn đời, thời gian như ngừng lại chốn mơ mộng này. Về Hòa Bình ăn cơm đồ ở nhà gác, uống nước vác, ăn lợn thui, ngày lui tháng tới. Về đây để còn ăn cỗ bày lá chuối. Thời gian như ngừng trôi trên bậc cửa nhà sàn. Khi lữ khách bước chậm ở Thung Nai, thanh thản như ta đi bè chậm ở lòng hồ sông Đà, bình yên để lên đỉnh Thác Bờ, lòng ta vẫn còn lưu luyến cái bè nứa lao vun vút hay bè trôi chậm, cái bè nứa đẹp nhất và độc nhất chỉ có ở bến nước Bình Thanh. Một cái bè nứa đơn sơ với những cái nơm tre, thong dong trên dòng sông Đà lại bám riết vào hồn ta.
Thung Nai đẹp hoang vu, rất khó về, rồi bạn ghé qua bản Sông, bản Ngòi Hoa. Những bản Mường hoang sơ nhất Hòa Bình
Sáng ra nghe chim rừng đánh thức, và thấy tiếng thác đổ ào ào xuống núi. Bản giao hưởng nước chan vào tiếng chim đang í ới gọi nhau, thật hiếm khi gặp bản giao hưởng này, thật hiếm khi nghe thấy ở ca nhạc thính phòng Hà Nội. Đến đây nghe thác và gió, nghe chim ngũ sắc gọi nhau. Bạn sẽ đi rừng cùng người dân Mường hái lá chau khao về nấu với cá đồng, hay ăn canh dấm nấu bằng vị măng chua với cá lăng sông Đà. Ăn, rồi nấn ná không sao xách ba lô lên vai để đi. Cái vị chua của măng, và vị thuốc của rau đốm vừa ăn vừa biết để chữa khi đau bụng.
Người Mường Thàng ấm áp, họ dành cho bạn những món ăn ngon nhất của Thung Nai, món rau dền lá chua, món rau không thể nhớ hết tên rau,vừa trộn vừng chấm với nước măng chua và ớt. Trời ạ,vị rau mà về xuôi còn nắc nỏm như ta nhớ mẹ ta xưa. Mẹ ta không chỉ quyến rũ ta bằng thương yêu mà còn quyến rũ ta vì hương vị của Thung Nai. Khi ra đi, bà mẹ Mường Thàng còn gói cho ta gói cơm nếp nương, đồ với đỗ nương, trong tàu lá chuối xanh. Nhớ là lần sau, áp tết về ăn cỗ Mường.
Vâng. Dạ. Mà cúi mặt về xuôi. Mế ơi, dễ gì con trở lại ngay được.
Một ngày ở chân núi Võ
Xe máy sẽ dừng ở km 12 cách thành phố Hòa Bình, bạn sẽ thăm thú bản Giang Mỗ, nơi đây còn lưu giữ 100 ngôi nhà sàn cổ, nơi người Mường có phong cách lạ, họ đánh dấu chăn gối rất bí hiểm, kín nhẽ, với một không gian sống sạch sẽ ở vùng sơn cước.
Nơi ta thăm thú đời sống ngày thường với cối giã gạo, cung, nỏ săn bắt chim, bắt hoẵng và cách nấu rượu hoẵng dụng công khi ủ men 4 ngày để mời khách của đồng bào Mường.
Uống rượu hoẵng trong vắt, hay vàng óng, hay ăn gà ri hầm rượu hoẵng có chút gừng đỏ. Đưa miếng thịt gà có màu gừng đỏ lạ mắt, lại có vị của rượu hoẵng, ta chạm môi, ngửi hương rồi chưa chạm môi đã thích hít hà, thơm quá. Ăn cỗ nhà sàn cổ sạch sẽ của nếp nhà Mường với cái cửa sổ cũng khác nhà bê tông, ánh sáng vừa hắt lên mâm cỗ, mâm làm bằng lá chuối có bầy xôi đồ, và canh thịt trâu nấu với lá lồm, ngon thanh vị nước, hoặc nhai chậm món cua núi nấu với bỗng rượu. Vừa ăn vừa nghe hợp tấu đàn sáo của đồng bào Thái, hát đúm của người Mường, hát gọi bạn tình của người Mông đỏ, Mông Xanh, múa chiềng của người Dao…
Đi du lịch Hòa Bình bạn còn học được vị thuốc mới lạ, cách chữa bệnh sỏi thận, sỏi mật, hỏi cách dùng rượu hoẵng hầm với dây già của lá lồm, để đẩy ra sỏi mật sỏi thận và sỏi đường tiết niệu ra khỏi cơ thể. Hoặc đi kiếm dạ dày con Don để chữa bệnh dạ dày cho người, nhiều vị thuốc được lưu truyền khi leo núi khi đi rừng khi xuống bản.
Ngay cả bát nước chấm giản đơn bằng tiết bò dầm muối, trộn với hạt tiêu tươi và ớt, khi vắt chanh có nước tạo nên bát nước chấm phong thủy gồm kim mộc thủy hỏa thổ. Người miền xuôi tinh tế mấy cũng phải ngỡ ngàng. Còn món rau đốm, lá kia nấu lên ăn, chữa đau bụng lạnh. Dường như hết thảy các món ăn dân tộc đều có một giá trị riêng, một vị thuốc đem lại sự khỏe mạnh an nhiên cho đồng bào miền sơn cùng động thẳm.
Từ bản Mường Hoa đi bản Lác
Muốn khám phá sự khác biệt của văn hóa Mường bạn phải đến bản Lác xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Đây là bản làm du lịch khá chuyên nghiệp, món ăn người dân tộcThái cũng du lịch hóa. Nhưng ngủ nhà sàn và ăn cơm trải trên lá chuối thì ở Mai Châu hay đến bản Mường đều rất dễ gặp. Dọc lối đi bản Lác có những ngôi nhà dân hay bày bản thổ cẩm bán tại gia. Đàn bà ngồi bên khung cửi dệt vải, họ bán túi, quần áo, chăn ga gối đệm đến độ tinh xảo.
Khách du lịch Pháp, Hà Lan, Nga, Hàn Quốc thích đi chợ bản Lác mua sắm, chợ bản Lác khác với chợ nổi Thác Bờ, mọi sản phẩm du lịch như măng nứa, mộc nhĩ, nấm hương có thể bày bán cả ngày. Chợ nổi chỉ bán buổi sớm, nhiều hàng hóa mang hương sắc núi rừng còn tươi xanh trên gùi hàng. Bạn chọn cơm màu tím, hay xôi vàng pha nghệ, ăn với cá kho nước măng chua, hay chọn đặc sản món cá Lăng hấp lá nghệ, thơm khắp nhà.
Nếu thích đi bản Pom Coọng với 64 nhà sàn xinh xắn thăm không gian sống của người Thái, thì bạn sẽ ngạc nhiên này đi đến ngạc nhiên khác. Điều duy nhất mà người Thái và người Mường chú trọng trong ngôi nhà lại là cái bếp gia đình.
Lòng hồ Hòa Bình rất đẹp với hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông và được ví như một Hạ Long ở trên núi
Cái bếp cuối chái nhà hay đầu chái nhà đều được sắp đặt rất nghiêm ngắn, sạch sẽ. Là nơi vợ chồng, bà cháu yêu thương vỗ về, là nơi chồng bàn việc cày cấy, vợ bàn việc dệt cửi bên bếp; là nơi treo ngô vàng và hong thịt trâu mồ hóng, thịt mán nướng, cá nướng tẩm nghệ vàng hay gừng đỏ.
Cách giao tiếp của người Thái và người Mường Hòa Bình mến khách theo cách của họ. Họ không xởi lởi, vồ vập, mà chỉ bình thản chào, bình thản vào bếp, nấu thứ nước lá ngon nhất, món ngon nhất trong nhà lặng lẽ bê ra trên tàu chuối. Cơm khách sắp mâm là tàu chuối, với đầu ngọn chuối quay vào nhà đuôi lá chuối quay ra phía cửa, mời khách.Với người đã khuất thì tàu chuối quay ngược lại, là cỗ đám.
Sự phát hiện này chỉ dừng chân ở bảo tàng người Mường của họa sỹ Vũ Đức Hiếu. Bảo tàng có hẳn một thư viện quý, có những sách, những mo mường cổ, có cồng chiêng, và vườn cây thuốc quý. Nơi tái hiện có hệ thống cuộc sống của người Muờng cổ nhất nước Việt.
Nếu bạn ngủ nhà sàn, người Mường dành chăn gối đẹp nhất dành cho khách chỗ nằm tốt nhất. Sự ân cần mến khách không thể hiện trên nét mặt, mà ở cử chỉ tiếp đãi độc đáo của văn hóa Mường. Sống lâu nửa thế kỷ ở Hòa Bình, chủ tịch hội văn nghệ Hòa Bình Lê Va cho hay, anh không thể trở về xuôi, vì nền văn hóa Mường cổ níu chân anh. Vì các món ăn mang vị núi, và mang vị sông , rất khó rũ bỏ trong người.
Đi Hòa Bình, có thung lũng, có núi rừng và bản làng Muờng cổ, bản Thái và bản người Dao, nếu khỏe chân bạn đi thăm người Mông đỏ trên đỉnh núi.
Nếu chọn cách đi bè thăm đảo quạ, hay ghé Thác Bờ hát đúm, để ngày lui tháng tới quên về thì Hòa Bình là điểm hẹn của bạn.
2013-11-20 23:40:05
Nguồn: http://www.24h.com.vn/du-lich/be-nua-luot-cham-o-song-da-c76a589579.html