Nhà có bài thuốc bí truyền trị sỏi mật, sỏi thận từ đời cha ông để lại nhưng thời trai trẻ, chính lương y Lê Văn Phượng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nối nghiệp gia đình.
|
Ông lang Phơ vẫn hàng ngày nghiên cứu cải tiến bài thuốc bí truyền của mình. |
“Bỗng dưng” thành “thần y” ở trời Tây
Là truyền nhân đời thứ ba của gia đình theo nghề làm thuốc cứu người, tính đến nay, ông Phượng cũng đã có hơn 20 năm chuyên trong nghề. Hỏi ra mới biết, tuy có nghề gia truyền nhưng khi còn trẻ, bản thân ông cũng chưa từng nghĩ tới việc nối nghiệp nhà. Ngày ấy, việc bốc thuốc với các cụ cũng chỉ là làm phúc, khi có người bệnh đến thì kê đơn, thiếu thì ra vườn tìm những cây thuốc cần thiết, cân đo lại rồi cho người bệnh mang về sắc uống, cũng chẳng lấy tiền công bao giờ. Khỏi bệnh, người nhớ thì đến cảm ơn bơ gạo, củ khoai, củ sắn, người quên thì thôi, chẳng ai coi việc bốc thuốc là kế sinh nhai cả. Bao nhiêu kinh nghiệm từ đời ông sang đến đời cha, mỗi năm qua đi lại tích thêm được một chút, được ghi chép lại, về sau vô tình trở thành thứ tài liệu quý giá cho ông Phượng học tập.
Bởi suy nghĩ không theo nghề thuốc, nên đi bộ đội về, ông Phượng lại rẽ hướng sang học Đại học Bách Khoa rồi về làm ở Công ty Hoá chất sơn Hà Nội. Được một thời gian thì được cử đi thực tập sinh tại Nhà máy lọc dầu ở một tỉnh phía nam Tiệp Khắc. Không ngờ, một sự kiện trong thời gian ở đây đã đưa ông quyết tâm gắn bó với bài thuốc gia truyền. Có lần, một đồng nghiệp trong đoàn bị phù chân, to tới mức mặc quần không được trong khi điều kiện thuốc men không đảm bảo nên mọi người đều lo lắng. Lúc ấy, ông Phượng nhớ lại bài thuốc gia truyền nên âm thầm đi ra ngoài bãi trống thử tìm dược liệu. Thấy ven đường mọc rất nhiều cây sa tiền tử, ông liền nhổ về, nấu thành nước cho đồng nghiệp uống. Uống được đôi hôm thấy đỡ, kiên trì cho uống tiếp một thời gian nữa thì bệnh của người ấy khỏi, lại đi làm bình thường.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ anh em trong đoàn mà chính người dân Tiệp Khắc sống quanh vùng cũng tìm đến nhờ ông Phượng chữa. Nhiều người dân bản địa yêu mến thậm chí còn gọi ông là “thần y” vì nể phục trước y học đến từ Phương Đông. Trong đoàn bấy giờ có nhiều anh em do không hợp thổ nhưỡng, hay ốm đau, có người bệnh tới mức có quyết định về nước rồi nhưng nhờ có “lang Phơ” (tên mà mọi người thân mật gọi ông Phượng) mà khỏi bệnh. Do là miền ôn đới, thảm thực vật khác nhiều so với Việt Nam là xứ nhiệt đới, phải quan sát tỉ mẩn lắm, ông Phượng mới phát hiện ra những loại dược liệu.
Muốn hoàn thiện rồi để lại cho đời
Ngồi kể chuyện với tôi, ông Phương nhắc tới một người anh em kết nghĩa trước đây vốn là bệnh nhân của mình. Người này bị sỏi mật nặng, sau khi đi khám ở bệnh viện các bác sĩ đã chỉ định mổ. Tuy nhiên, trong những ngày chờ mổ, tình cờ được một người bạn chỉ đến ông Phượng. Lúc đầu người này cũng nghe để biết vậy vì đã xếp lịch mổ nhưng vì đau quá nên quyết định tìm đến. Ban đầu, ông Phương kiên quyết từ chối vì thấy bệnh nhân kể đã có lịch mổ và thấy bệnh tình cũng khá nặng. Nhưng thấy người đó đau quá, đành cắt tạm cho một ít thuốc để uống. Sau khi uống thuốc một lúc bệnh nhân thấy đỡ đau hơn nên mới hẹn hôm sau đến xem lại. Không ngờ, sáng hôm sau bệnh nhân này tìm đến nhờ ông mắt mạch, cắt thuốc luôn. Uống thuốc của ông một thời gian thì bệnh nhân dần bình phục. Tuy vậy, để cẩn thận ông Phượng vẫn yêu cầu bệnh nhân đến bệnh viện siêu âm lại. Người bệnh đưa kết quả siêu âm cho biết viên sỏi đã tan hết và tiếp tục xin thuốc về sắc uống.
Ông Phương cho biết, bệnh nhân trên là một trong những trường hợp đầu tiên đã giúp ông tự tin hơn với bài thuốc gia truyền. Cho đến nay, ông đã chữa cho rất nhiều người, tên tuổi các bệnh nhân đều được ghi chép đầy đủ hồ sơ bệnh án, theo dõi diễn tiến của bệnh và dần bình phục sau thời gian chữa trị. Ông Phượng cố gắng phát triển từ những ghi chép của cha, của ông mình cộng với kiến thức đã học thêm được để cải tiến bài thuốc cho có chất lượng hơn. Ông Phượng cho biết, căn bệnh sỏi thận, sỏi mật không gây tử vong lập tức nhưng thường dai dẳng khiến bệnh nhân dần suy gan, suy thận. Để lâu ngày sẽ dẫn tới kiệt quệ, khi đã xuất hiện những cơn đau, sốt…, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến truỵ mạch, nguy hiểm tới tính mạng. Chính vì thế, đó cũng là một căn bệnh nguy hiểm nên trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân phải hết sức kĩ lưỡng.
Nói về căn bệnh sỏi mật, sỏi thận, ông Phượng khẳng định: “Với y học hiện đại ngày nay thì xử lý cũng không quá khó, trường hợp nặng có thể can thiệp ngay bằng phẫu thuật. Đối với những người bệnh chưa nặng, Tây y cũng đã có những bài thuốc đặc trị nhưng hạn chế của những bài thuốc này là chỉ giúp trung hoà các chất để chúng không lắng đọng thành sỏi. Nhưng nếu ngưng dùng thuốc thì sỏi lại hình thành. Vì vậy, phương pháp chủ yếu chữa loại bệnh này bằng Tây y hiện chủ yếu vẫn là can thiệp ngoại khoa-mổ nội soi và cắt túi mật. Tuy nhiên, nếu chỉ cắt túi mật thì cơ chế của gan và mật vẫn có thể tiếp tục hình thành những viên sỏi trong đường gan, đường mật, đến mức độ này thì khá nguy hiểm cho bệnh nhân. Không tiệt được cơ chế gây sỏi thì dễ dẫn tới tình trạng tái phát”.
Ông Phượng lí giải tiếp: “Đông y vốn có tác dụng “quy kinh”. Bị sỏi mật thì chỉ dùng bài thuốc sỏi mật để “quy kinh” về mật, bị dạ dày thì có bài thuốc “quy kinh” về dạ dày, nghĩa là thuốc nhằm đúng chỗ cần điều trị. Mặt khác, những phương thuốc này đều là thảo dược nên không có tác dụng phụ gì. Bệnh nhân được theo dõi sát sao, chữa ngay từ nguyên nhân gây ra bệnh, uống cho tới khi nào đạt ngưỡng an toàn. Khi so sánh hồ sơ bệnh án của nhiều người bệnh, có thể thấy rõ sự thay đổi, tán sỏi của bệnh nhân trong từng khoảng thời gian rất ngắn”.
2013-11-18 03:08:11
Nguồn: http://giadinh.net.vn/y-te/bong-dung-tro-thanh-than-y-o-troi-tay-20130329113831710.htm