Kêu gọi vốn đầu tư cho một dự án lớn như vậy không phải là điều dễ dàng, nhất là là trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Tập đoàn Freedom Ship International vẫn vọng, họ sẽ huy động được khoảng 1 tỷ USD trước khi sang năm mới để bắt đầu đóng con tàu nặng tới 2,7 triệu tấn này.
Dù sao, ý tưởng táo bạo trên đã thu hút sự quan tâm của không ít thương gia có khả năng và tham vọng. Họ đều thống nhất ý kiến rằng, việc sinh sống thường xuyên trong những căn hộ sang trọng trên boong của một thành phố nổi chắc chắn sẽ thoải mái hơn nhiều so với việc phải nghỉ ngơi trên những chiếc tàu chở khách dù thuộc loại lớn nhất hiện nay.
Điểm khác biệt quan trọng nữa của một thành phố nổi so với một con tàu chở khách là khách hàng có thể bỏ tiền ra để sử dụng một diện tích sinh hoạt không chỉ trong thời gian một chuyến đi mà tương tự như mua bất động sản để sử dụng cả đời.
Trên con tàu khổng lồ với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đô la sẽ có nhiều công trình như trường học, bệnh viện, công viên, sòng bạc, phòng trưng bày, bể thủy sinh và đặc biệt là một sân bay trên mái có thể phục vụ được máy bay thương mại loại nhỏ, có sức chứa 40 hành khách.
Khi hoàn thành, thành phố bồng bềnh trên mặt nước này sẽ có chiều dài 1.3km, chiều cao 107m.
Với 25 tầng, nó sẽ cung cấp chỗ ở lâu dài cho khoảng 50.000 người và hệ thống phòng có thể phục vụ được 30.000 du khách; 20.000 thủy thủ đoàn và khoảng 1.000 du khách qua đêm mỗi ngày.
Con tàu sẽ dành phần lớn thời gian lênh đênh trên đại dương, chỉ lưu lại ở những thành phố chính và sẽ đi vòng quanh thế giới 2 năm 1 lần (mặc dù nó có thể quá lớn để cập bất cứ bến cảng nào).
Thành phố di động này sẽ khởi hành từ mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, đi qua vùng biển Australia, đến Đông Nam Á, Thái Bình Dương rồi kết thúc hành trình ở bờ biển Bắc Mỹ. Hành trình vòng quanh thế giới sẽ diễn ra hai lần mỗi năm
Bản vẽ mặt cắt con tàu sau khi hoàn thiện
Video dự án thành phố nổi trị giá 10 tỷ USD
Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider/Dailymail