Khu Di tích Côn Sơn Kiếp Bạc nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời gắn liền với thân thế và sự nghiệp của các vị anh hùng của dân tộc Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước cùng với những di tích cổ kính, những cảnh đẹp của thiên nhiên non nước hữu tình và sự thâm nghiêm của hệ thống chùa chiền, đền thờ tạo cảm giác bình yên thanh tịnh cho mỗi du khách khi tới đây.
Trong sử sách có ghi lại rằng Côn Sơn Kiếp Bạc có thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình, kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân, nghìn tướng chầu về…thêm vào đó Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề; Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Chính vì sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hoá đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc này mà nơi đây được coi là vùng đất hội tụ của tứ linh, ngũ nhạc.
Vẻ đẹp tao nhã của Côn Sơn
Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Nơi đây đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Và điểm nhấn chính của di tích này là chùa Côn Sơn và Đền Kiếp Bạc.
Chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn – Yên Tử – Quỳnh Lâm). Mảnh đất này đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Ðán, Huyền Quang và đặc biệt là anh hùng dân tộc – danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Chùa có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, hay còn gọi là chùa Hun, toạ lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn, có từ trước thời Trần. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, có những tượng Phật từ thời Lê cao 3m. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Ðán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Côn Sơn trở thành một đại thắng tích bởi ở đây có núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát; có Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc; có chùa Hun, am Bạch Vân, đền Nguyễn Trãi, động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc, cảnh vật tốt tươi, “sắc ngàn ráng đỏ, rừng gấm cuốn, cỏ lụa giăng”, chùa chiền cổ bích, am pháp thâm nghiêm, u tịch và tao nhã, nước biếc, non xanh, hữu tình và hoà hợp, thành miền thắng cảnh làm say đắm hồn người, là nơi con người có thể gửi gắm ước nguyện tâm linh, thoả chí hướng và rung động tâm hồn.
Cách Côn Sơn chừng 5 cây số là Kiếp Bạc, một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang. Nơi đây có thế “rồng vươn, hổ phục”, có “tứ đức, tứ linh”. Thế sông núi hiểm mà hài hoà, hùng vĩ khoáng đạt mà trang nhã. Tại đây, hội nước 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Tại khu di tích này có một di tích trung tâm, lớn nhất, linh thiêng nhất là ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần-Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, vị tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Mặt tiền đền Kiếp Bạc
Ngày nay trải qua nhiều thế kỷ sự linh thiêng của Kiếp Bạc, Côn Sơn đã tồn tại vĩnh hằng cùng sông núi nước Nam, những giá trị lịch sử – văn hoá lớn lao của Côn Sơn – Kiếp Bạc, cùng với danh thơm, sự nghiệp của các bậc vĩ nhân đã toả rọi hào quang vào lịch sử và văn hoá dân tộc.