(Bold) – “Tôi cho rằng, các thủ môn Việt Nam đều không có trường phái rõ ràng nào. Hào quang giả tạo và cuộc sống kim tiền khiến họ không biết mình là ai, rồi đánh mất bản thân”, cựu trợ lý HLV thủ môn ĐT Việt Nam, người có thâm niên hơn 20 năm đứng trong khung thành Thể Công (cũ) và ĐTQG, Trần Văn Khánh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.
“Không ấn tượng với thủ môn Việt Nam nào”
* Ông vừa nhắc đến cụm từ trường phái của các thủ môn, nó có nghĩa gì đối với những người làm nhiệm vụ bảo vệ khung thành, thưa HLV Trần Văn Khánh?
- Có ít nhất 2 trường phái mà các thủ môn phải chọn cho mình: Cổ điển hoặc hiện đại. Cổ điển là có thể lấy phong cách của Peter Shilton (huyền thoại đội tuyển Anh) hay Lev Yasin (Liên Xô cũ). Họ “chơi cầu môn”, nhưng lại không cần phải bay nhảy nhiều mà đề cao óc phán đoán hướng bóng, di chuyển, làm chủ không gian. Họ đã đạt đến độ thượng thừa và được các thế hệ sau xây dựng hình ảnh như những huyền thoại.
Còn trường phái hiện đại như phần lớn các thủ môn sau này đã và đang theo đuổi, với việc chơi chân nhiều hơn bình thường, có thể tham gia vào các tình huống tổ chức lên bóng cùng các đồng đội ở hàng hậu vệ.
HLV Trần Văn Khánh cho rằng sự thiếu căn bản khiến các thủ môn hiện nay dễ mắc sai lầm. Ảnh: V.S.I
* Sự phát triển là tất yếu và các thủ môn cũng phải thuận theo triết lý bóng đá mới, phải chăng các thủ môn Việt Nam đã không thức thời?
- Cũng không hẳn thế! Vấn đề nằm ở chỗ họ thiếu kiên nhẫn và các phương pháp huấn luyện cấp cơ sở. Nó có liên quan đến đầu vào của các thủ môn, cách chúng ta đào tạo họ không theo cách của bóng đá nhà nghề. Tôi để ý là sau này, rất nhiều thủ môn có lợi điểm về hình thể, nhưng kỹ năng lại yếu. Ngay cả những thủ môn ĐTQG như Thế Anh, Hồng Sơn hay Quang Huy, Tấn Trường…, khi lên đội tuyển, cũng phải chỉnh sửa lại rất nhiều. Nhiều lần họ đứng sai vị trí, dẫn đến mắc lỗi, ảnh hưởng đến thành tích của đội bóng.
Cựu thủ môn Thể Công (cũ) và ĐT Việt Nam 2, thời trước khi đất nước thống nhất và hội nhập trở lại, Trần Văn Khánh, từng được nhà thơ Anh Ngọc dành đến 99 trang sách, trong cuốn truyện ký “Ba cuộc đời một trái bóng” (2 nhân vật còn lại là trung phong lẫy lừng Ba Đẻn – Nguyễn Thế Anh (63 trang) và trung vệ Nguyễn Trọng Giáp (48 trang)). Trần Văn Khánh được huấn luyện bởi chuyên gia – cựu thủ môn ĐT Liên Xô (cũ) Achimov, người vẫn được ví là “con hổ xám trong khung thành”, tại trường huấn luyện (giai đoạn 1965 – 1968). Thế nhưng, ông Khánh lại thần tượng huyền thoại Lev Yashin. |
Các thủ môn có quyền chọn trường phái cho mình, miễn sao hợp lý và hiệu quả, nhưng hơn 20 năm qua, không một thủ môn Việt Nam nào để lại ấn tượng cả.
“Tấn Trường là sản phẩm kiểu mẫu của cơ chế bóng đá”
* Ông có xem tình huống bóng của Tấn Trường trong trận đấu với ĐT Uzbekistan ở sân Mỹ Đình mới đây không?
- Thời gian dài sau khi không còn tham gia công tác huấn luyện, tôi ở nhà và nghiền ngẫm bóng đá quốc tế, xem và hy vọng mình có thể tích lũy thêm các kinh nghiệm huấn luyện, chứ xem mãi bóng đá Việt Nam, chẳng học hỏi được gì mà có thể còn khiến cùn nghề. Nhưng riêng pha bóng của Tấn Trường thì tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần. Bỏ qua vấn đề tư tưởng, tôi cho rằng, pha bóng đó phản ánh đúng năng lực chuyên môn của Trường: Thiếu cơ bản. Khi chưa thể làm chủ quả bóng ở bước một, cậu ấy đã muốn thực hiện động tác 2, muốn nhanh nhất phát bóng lên cho đồng đội. Tôi đã có thời gian làm việc với Trường và rất hiểu cậu ấy.
* Đây không phải là lần đầu tiên Tấn Trường mắc lỗi nặng, ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Trận chung kết SEA Games 2009 tại Lào là một tình huống như thế?
- Ở pha bóng đó, Tấn Trường chỉ là nạn nhân. Trong pha va chạm trước, theo quan sát của tôi, một bên vai của Trường đã lệch hẳn đi và tôi ra ký hiệu cho BHL thay bằng Khoa Điển. Nhưng sau khi Trường nghe các đồng đội trên sân động viên, máu anh hùng nỗi lên và anh ta nói với tôi muốn được chơi tiếp, cho đến trước khi mắc tai nạn. Đó là một trận chung kết SEA Games và các quyết định đưa ra, có thể đúng, có thể sai, bạn sẽ không có cơ hội sửa chữa nữa.
Xâu chuỗi lại tất cả các vấn đề, tôi cho rằng, Tấn Trường là sản phẩm điển hình của cơ chế bóng đá: Thiếu căn bản, thiếu kiên nhẫn trong việc khổ luyện và việc giàu nhanh quá, khiến họ luôn sống gấp, không biết mình là ai, ít chịu học hỏi và lắng nghe những phản biện để tốt hơn. Họ chỉ thích được khen và tôi cho rằng, lỗi một phần ở đây thuộc về giới truyền thông.
Nhiều thế hệ thủ môn trẻ trưởng thành đáng kể sau khi được thầy Khánh huấn luyện.
“Bắt gôn không phải là nghệ thuật trình diễn”
* Được đào tạo bởi chuyên gia nước ngoài, cùng với sự nghiệp thi đấu đầy vẻ vang, ông đánh giá thế nào về nhận xét: “Thủ môn là một nửa sức mạnh của đội bóng”?
- Tôi cho rằng điều đó đúng 100%. Khi bạn làm việc với các chuyên gia hay HLV hàng đầu, câu đầu tiên họ hỏi là: Hãy nói cho tôi biết thủ quân và thủ môn của đội bóng là ai. Thời điểm tôi hợp tác với HLV Henrique Calisto, ông ấy cũng dành cho tôi sự tin tưởng tuyệt đối.
Tại VCK World Cup Espana ’82, ĐT Brazil được cho là hay nhất mọi thời đại đã không thể đi đến trận cuối cùng, dù họ sở hữu “10 nghệ sỹ chơi bóng” nhưng lại cộng với “một anh hề thủ môn”. Tôi để ý là rất nhiều thủ môn thích bay nhảy, kiểu “bay như vượn, lượn như diều hâu”, thích trình diễn hơn, thay vì bạn phải tập trung vào trận đấu. Mình (thủ môn) làm tốt công việc của mình, có nghĩa là đã làm tốt công việc cho đội bóng rồi, không cần những thứ rườm rà. Bắt bóng không phải là nghệ thuật trình diễn mà sự hiệu quả mới quan trọng.
* Cơ chế bóng đá nói chung và việc đào tạo thủ môn nói riêng đã lỗi thời, theo ông, bằng cách nào để vị trí thủ môn các ĐTQG không còn là nỗi ám ảnh?
- Phải kiên nhẫn, làm lại từ đầu ở cấp cơ sở. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp phải điền vào ô trống HLV thủ môn, từ hệ thống đào tạo trẻ, đến đội 1. Song song với đó, phải thổi vào những người trẻ sự háo hức, ham học hỏi và dạy họ không bao giờ được phép hài lòng với bản thân. Cũng đừng nên khen họ nữa, nếu chỉ thoáng thấy một vài pha bắt bóng gây tiếng ồ, ở một vài thời điểm của trận đấu. Thủ môn phải đứng ở đó, tập trung tối đa suốt trận hoặc suốt giải đấu, bởi chỉ một phút lơ là, có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của toàn đội.
Nói sự ổn định là vô cùng cần thiết, nhưng điều này không đơn giản, bởi nó cần được tích lũy, từ kỹ năng, đến tư duy chơi bóng và cả rèn giũa tâm lý nữa. Vị trí thủ môn là rất nhạy cảm và muốn đào tạo ra một sản phẩm ưu việt cho vai trò này, nhất định anh phải thuận theo quy trình đạt chuẩn cùng phương pháp đúng đắn!
* Xin cảm ơn ông!
“Tự thú” trước bình minh Sau nửa giờ đồng hồ gọi tới cựu trợ lý HLV thủ môn Trần Văn Khánh, người viết được lắng nghe những phân tích dài hơn dự kiến với dung lượng của trang báo. Đơn giản, “bố” Khánh (tên gọi thân mật mà rất nhiều các thế hệ học trò đã dành cho ông), nói không thừa bất cứ một lời nào và nếu “gọt” đi, hẳn là rất tiếc nuối. Khi còn chơi bóng đỉnh cao, Trần Văn Khánh đã “giết chết” sự nghiệp của rất nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ, bởi sự dẻo dai, bền bỉ và ổn định đến kinh ngạc dù đã hơn một lần ông Khánh dính chấn thương nặng, phải nằm Viện 108 điều trị và “được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tay hỏi thăm, động viên”. Rất nhiều chia sẻ được nói lên từ những kinh nghiệm của lão thủ môn Thể Công (cũ) và ĐT Việt Nam, người đã đứng trong khung gỗ đến năm 37 tuổi, tức là hơn 20 năm, kể từ ngày vào tập luyện ở trường huấn luyện, cái nôi đào tạo ra rất nhiều những danh thủ miền Bắc cũ. Theo ông Khánh, việc đào tạo thủ môn ở Việt Nam quá bị xem nhẹ, khiến sản phẩm đầu ra kém chất lượng. “Ngày chuyên gia Achimov (hay Akimov) đến trường huấn luyện và dạy chúng tôi các kỹ năng bắt bóng, không một ai hiểu điều gì đang diễn ra. Sau thời gian dài được làm việc cùng ông, cộng với việc được đọc các trang viết về huyền thoại Lev Yashin, tôi mới xác định được trường phái bắt bóng cho mình”, HLV Trần Văn Khánh nhớ lại. Một trong những chia sẻ khác của cựu danh thủ Thể Công (cũ) là, các thủ môn nói riêng và cầu thủ Việt Nam nói chung không được chăm bẵm một cách chu đáo về nhận thức và tri thức, đủ để họ biết rằng, mình chẳng là gì cả trong cái thế giới bóng đá rộng lớn này. “Họ có điều kiện lý tưởng để phát triển nhưng lại quá ù lì và ảo tưởng về năng lực”, ông Khánh nói. |