ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: chaobuoisang.net
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Góc Anh Ngọc: Khi AS Roma sắp thành AS ‘Lổ Ma’…
Saturday, November 23, 2013 8:51
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


“Lổ Ma” đơn giản là Roma, theo cách phiên âm của người Trung Quốc vốn không đọc được chữ “R”, nên phiên âm thành “L” (bởi thế, chúng ta phiên âm theo Hán-Việt là “La Mã”?). Và những người Hoa tôi gặp ở Roma đều đọc Roma theo cách ấy…

Kể cả tên AS Roma nữa, đội bóng mà mấy ngày nay, ở thành phố của Totti, đang rộ lên những tin tức về việc một trong những người giàu nhất Trung Quốc muốn đầu tư vào đội bóng áo màu bã trầu.

Hwang mỉm cười khi được hỏi về việc ông nghĩ thế nào, khi Chen Feng, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, sẵn sàng đổ tiền để mua từ 25 đến 30% cổ phần của Roma: “Đấy cũng là một ý hay, vì ít ra, bây giờ chúng tôi cũng sẽ có một phần của đất nước ngay ở Roma này”. Không cho chụp hình hay quay phim cửa hàng ông, nhưng sẵn sàng nói vài câu liên quan đến bóng đá, Hwang nói rằng ông hy vọng công việc làm ăn của ông sẽ khấm khá hơn khi ngày càng nhiều người Hoa đồng hương với ông đầu tư vào nước Ý, trong đó có bóng đá.

Tôi ngắm cái cửa hàng bán quần áo của ông. Toàn đồ nhập từ Trung Quốc, trong đó có cả những chiếc khăn quàng của Roma được làm nhái và bán với giá 15 euro. Tôi chợt mỉm cười nhớ đến khu chợ Tàu ở Johannesburg trong một lần đến đó cho một phóng sự hồi tháng 10-2010. Ai đó bảo rằng, hầu hết số vuvuzela mà dân xem bóng đá thổi ầm ỹ trên các khán đài của Nam Phi tại World Cup năm ấy được nhập từ Trung Quốc. Nếu Chen Feng nhảy vào Roma làm bóng đá, liệu sẽ có cả một nền công nghiệp ăn theo đội bóng này theo cả nghĩa đồ “fake” lẫn đồ thật?

Niềm tự hào của Roma sắp về tay người Trung Quốc - Ảnh: Getty
Niềm tự hào của Roma sắp về tay người Trung Quốc – Ảnh: Getty

Không ai biết được chuyện ấy sẽ đi theo hướng nào, nhưng Hwang, một trong hơn 13 nghìn người Trung Quốc được Sở nhập cư ghi nhận là công dân của Roma, tự hào về những gì mà người Hoa có thể đem đến nơi này. Ở khu chợ của người nhập cư mang tên Esquilino mà tại Roma, chúng tôi hay gọi là “chợ Tròn”, người ta đang bàn rôm rả về việc Roma sẽ trở thành một phần sở hữu của chủ Trung Quốc ngay trên đất Ý hoa lệ.

Họ nói đến việc người đàn ông 60 tuổi, Chủ tịch và là người sáng lập của HNA Group, công ti mẹ của Hainan Airlines, tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc với tổng giá trị lên đến gần 60 tỉ USD, đang thương lượng với ngân hàng Unicredit, vốn đang nắm 30% cổ phần của Roma. Họ xì xào bàn tán như thể điều này sẽ nhanh chóng thành hiện thực. Mà thực ra, hiện thực ấy rất gần. Một khi bây giờ người Hoa đã giàu lên, đến mức ở những cửa hàng thời trang lớn nhất ở các thành phố lớn hay các outlet lớn nhất của Ý, người ta phải tuyển các nhân viên người Hoa để làm guide cho đồng bào của họ mang bộn tiền từ trong nước sang đây mua sắm, thì với cộng đồng người Hoa đang sống ở Italia, điều gì cũng có thể xảy ra.

Chẳng hạn họ đầu tư mạnh mẽ vào các cửa hàng ăn và quán bar tại những thành phố lớn của Ý. Người ta thống kê là ở Roma, cứ 5 quán bar thì 1 đã thuộc về người Hoa. Họ đánh hơi thấy khả năng kiếm tiền lớn lao từ những không gian tưởng như có vẻ chẳng hấp dẫn ấy. Họ biết người Ý thích tán gẫu, thích uống cà phê, thích chơi điện tử, thích ăn bánh ngọt. Và họ kiếm tiền từ đó. Bằng sự cần mẫn và cái duyên kinh doanh của mình. Những quán ăn Tàu lúc nào cũng đông khách, nhất là các quán ăn kiểu buffet.

Người Ý, ngoài mặt thì không thích người Hoa, nhưng trong thời buổi khủng hoảng này, khi cái dạ cần phải nhét cho đầy mà tiền thì ít, họ đôi khi phải gạt sự tự hào dân tộc để mà đến ăn ở các quán ấy. Người Hoa cũng biết là người Ý muốn sản xuất những đồ hiệu made in Italy nhưng với giá thành rất hạ. Thế là họ đổ bộ cả chục nghìn người đến Prato, cách Firenze 15 cây số, biến nơi ấy thành một dạng China Town lớn nhất trên đất Ý. Nếu một ngày nào đó bạn lặn lội sang tận đây chỉ để mua một đôi giày hoặc một cái áo đắt tiền của Gucci đem về khoe với mọi người, rằng đấy là đồ xịn mua về từ Ý (mà đúng là như thế), bạn có thể không hề biết rằng chúng được sản xuất ở Ý, trong những công xưởng do người Trung Quốc gia công. Toàn cầu hóa muôn năm.

Trên thực tế, khả năng Chen Feng mua được 30% cổ phần của Roma từ tay Unicredit là bao nhiêu phần trăm? Không ai biết được. Chỉ biết là mấy ngày qua, ở Roma, người ta bàn tán xôn xao về sự xuất hiện của một “cổ đông người Trung Quốc”. Nhật báo Il Tempo có xu hướng bảo thủ đặt câu hỏi: “Tương lai của Roma có đôi mắt một mí?”. Rồi họ tự trả lời: Cứ mơ đi, nhưng cuối cùng thì các romanista cũng phải nên thực tế.

Những năm gần đây đã chứng kiến quá nhiều tin đồn về việc những ông chủ Arab và Nga đổ tiền vào Roma để rồi cuối cùng không một xu nào chui vào két của đội. Nhật báo Il Messaggero thì lại tràn đầy tự tin vào vụ đầu tư này của Chen Feng. Họ dành cả một trang báo lớn để mô tả về ông chủ người Hoa, một ông trùm trong lĩnh vực kinh doanh hàng không, bất động sản, tài chính và du lịch.

Trong khi ấy, nhật báo kinh tế hàng đầu Italia “Mặt trời 24 giờ” đã gọi Roma dưới tay ông chủ người Trung Quốc là “Con rồng màu vàng-đỏ (màu truyền thống của Roma-A.N)”. Họ kết luận: Roma chính là nơi mà người Mỹ và người Hoa có thể sống chung với nhau. Những ông chủ Mỹ, hiện nắm 69% cổ phần của Roma, từ lâu đã kiếm tìm một đối tác cho số cổ phần còn lại, và có thể HNA Group là một đối tác lí tưởng.

Roma càng bay cao, đội bóng càng trở thành miếng bánh béo bở - Ảnh: Getty
Roma càng bay cao, đội bóng càng trở thành miếng bánh béo bở – Ảnh: Getty

Niềm tự hào Italia của Roma bây giờ không còn nữa. Sau cái chết của chủ tịch Dino Viola, người đã cùng Roma đoạt Scudetto năm 1983, là sự chuyển giao đội bóng này cho nhà Sensi. Sau cái chết của chủ tịch Franco Sensi, người đã cùng Roma đoạt Scudetto gần nhất năm 2001, là một quá trình suy thoái của gia đình ấy, dẫn đến sự chuyển giao cho những ông chủ người Mỹ. Ngày ấy, cũng chưa xa lắm, người Roma than thở trước sự thay đổi của đội bóng mà mình yêu mến, khi Roma bắt đầu ngoại hóa hàng loạt làm mất chất Roma.

Hai năm qua đi kể từ ngày đó, đội bóng thay da đổi thịt và chơi ngày càng tốt hơn. Totti vẫn tỏa sáng và De Rossi không đi đâu nữa, càng khiến họ tự tin hơn và thôi hoài nghi về những ông chủ Mỹ. Tư tưởng truyền thống gắn liền bóng đá Ý với chất Ý, các gia đình doanh nghiệp hoặc quý tộc Ý giờ đây phải nhường chỗ cho sự thực dụng khi túi tiền không còn nhiều nữa. Người Roma có thể không yêu các ông chủ Mỹ, ngược lại họ đã hai năm liền phản đối những người ấy, dù các ông chủ đó đều có gốc Ý, nhưng bây giờ họ buộc phải học cách chấp nhận thực tế.

Giờ đến lượt những ông chủ người Hoa có thể sẽ xuất hiện. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra. Họ có thể không thích người Trung Quốc, nhưng họ vẫn uống cà phê và ăn sáng trong các bar hoặc quán buffet do người Hoa sở hữu, vì họ không thể từ bỏ đam mê tán gẫu và cà phê của mình, và họ cũng sẽ vui nếu tiền bạc của ông chủ người Hoa đầu tư vào đội bóng giúp Roma thắng lợi, vì họ cũng không thể quay lưng lại với đam mê bóng đá.

Hwang hỏi tôi có muốn mua cái khăn Roma nào của ông không khi cuộc nói chuyện ngắn ngủi kết thúc. Tôi cười và lắc đầu. Không phải vì không muốn mua cho ông, mà vì tôi đã có một chiếc, được mua tại sân Olimpico, có lẽ cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Rời chợ Esquilino, tôi lại ước, một ngày nào đó, một đội bóng nào đó của thế giới, có một cổ đông nào đó đến từ Việt Nam…

Theo Thể Thao Văn Hoá

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.