Michael Bloomberg, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, người sáng lập hãng tin tài chính Bloomberg và là thị trưởng NewYork (Mỹ) trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Hãy cùng xem lại một số điểm mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Michael Bloomberg.
Michael Bloomberg khởi nghiệp ở Salomon Brothers, nhưng sau nhiều năm cống hiến, Bloomberg bị yêu cầu rời khỏi công ty khi hãng này IPO. Tuy nhiên, nhờ sự việc này, Bloomberg đã thành lập Hãng Bloomberg và trở thành tỷ phú giàu thứ 11 tại Mỹ.
Năm 1966, Bloomberg làm việc cho hãng dịch vụ tài chính Salomon Brothers với lương khởi điểm 9.000 USD mỗi năm. Ban đầu, ông làm tại bộ phận két sắt.
Sau nhiều nỗ lực, đến năm 1972, Bloomberg trở thành nhân viên giao dịch trái phiếu và còn là cổ đông tại đây. Công việc của ông đòi hỏi làm 12 giờ mỗi ngày, liên tục 6 ngày một tuần. Đến cuối thập niên 70, ông trở thành trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu.
Năm 1979, CEO Salomon Brothers – John Gutfreund đề nghị Bloomberg rời vị trí này để chuyển sang lãnh đạo mảng hệ thống máy tính mới thành lập. Đây thực chất là một sự giáng chức, nhưng Bloomberg không hề hối hận về việc này.
Năm 1981, Salomon Brothers tuyên bố sẽ trở thành công ty đại chúng sau khi sáp nhập với hãng giao dịch hàng hóa đã niêm yết – Phibro Corporation. Rất nhiều cổ đông trong công ty sẽ trở nên giàu có vì việc này. Tuy nhiên, Bloomberg lại bị yêu cầu rời khỏi công ty với 10 triệu USD.
Sau khi rời Salomon Brothers, ông quyết định thành lập một công ty công nghệ. Bloomberg muốn cải thiện hiệu suất và sự minh bạch trên thị trường tài chính cho cả người mua lẫn người bán.
Năm 1982, Merrill Lynch đã trở thành khách hàng đầu tiên của Bloomberg khi đặt hàng 22 chương trình MarketMaster. Họ còn chi 30 triệu USD để mua 30% cổ phần trong Innovative Market Solutions.
Công ty của Bloomberg đặc biệt thành công vào thập niên 80. Năm 1986, Bloomberg đổi tên công ty sang tên mình. Năm 1989, ông mua lại một phần ba cổ phần của Merrill Lynch với giá 200 triệu USD.
Tại thời điểm đó, Bloomberg được định giá 2 tỷ USD chỉ sau 8 năm thành lập. Họ cũng đưa ra nhiều dịch vụ, như Bloomberg Business News, Bloomberg Radio, Bloomberg TV và Bloomberg Markets Magazine.
Ông đã dùng 4 triệu USD để cùng bốn người khác phát triển một hệ thống máy tính có thể cung cấp thông tin về thị trường trái phiếu. Công ty của ông ban đầu có tên Innovative Market Solutions.
Bloomberg Terminal – dịch vụ theo dõi thông tin tài chính phổ biến tại Wall Street cũng trở thành công cụ cần thiết với các nhân viên giao dịch. Thiết bị thứ 100.000 đã được cài đặt năm 1998. Với mức phí 1.500 USD mỗi tháng, Bloomberg Terminal đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty.
Ngày nay, công ty có văn phòng trên khắp thế giới và hoạt động tại hàng chục thị trường. Số thuê bao sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin tài chính đã lên tới hơn 310.000. Nhân viên của hãng trên toàn cầu là hơn 15.000 người.
Năm 2001, Bloomberg quyết định chạy đua vào chức Thị trưởng thành phố New York. Ông bắt đầu nhiệm kỳ năm 2002 và giúp New York tái thiết sau vụ khủng bố 11/9. Sau đó, Bloomberg từ chức CEO và chỉ định Lex Fenwick lên thay thế.
Ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD mỗi năm cho chức Thị trưởng. Hiện tại, Bloomberg đang trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, ngày mai, người dân New York sẽ bầu ra thị trưởng mới, do Bloomberg đã chạm giới hạn số nhiệm kỳ.
Theo Forbes, Bloomberg hiện có tài sản 31 tỷ USD và là người giàu thứ 11 tại Mỹ. Ông cũng rất tích cực làm từ thiện.
Tỷ phú đã đóng góp hơn 2,4 tỷ USD cho các quỹ về sức khỏe cộng đồng, môi trường, nghệ thuật và giáo dục. Chỉ tính riêng năm 2011, ông đã cho đi 330 triệu USD.