Thứ ba 05/11/2013 07:00
Ngay khi Tổng thống Obama đề cử Kerry làm ngoại trưởng Mỹ, nhiều người bạn và đồng nghiệp của ông đều tỏ ra vui mừng và cho rằng ông là một người rất phù hợp cho vị trí này.
Dù bị thua trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2004, nhưng ông không hề tỏ ra chán nản mà vẫn tiếp tục các nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Điều đó đã giúp ông thoát ra khỏi thất bại và cho phép ông lập lại quỹ đạo sự nghiệp của mình để bước lên vị trí cao nhất trong bộ máy ngoại giao của Mỹ.
John Kerry, khi đó mới 27 tuổi, thay mặt Hội cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh (VVAW) phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, năm 1971. |
Nhờ có những trải nghiệm và suy nghĩ sâu sắc về vấn đề chiến tranh và hòa bình nên John Kerry được cho là người rất phù hợp với vị trí này. Trong gần 30 làm thành viên và 4 năm làm chủ tịch của Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện, ông đã có rất nhiều chuyến đi nước ngoài để thực hiện nhiều nhiệm vụ ngoại giao khác nhau.
Một trong những trải nghiệm có ảnh hưởng nhất đối với Kerry chính là cuộc chiến tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1966, Kerry được điều động tới Việt Nam trong vai trò trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong. Với nhiệm vị này, ông đã được tặng các huy chương chiến đấu như Sao Bạc, Sao Đồng.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng người anh hùng trong cuộc chiến này lại quay sang gia nhập Hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh (VVAW) ngay sau khi trở về Mỹ. Những năm tháng ở chiến trường, ông đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington. Chính điều đó đã dẫn ông đến con đường phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Năm 1994, John Kerry và John McCain đã yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam và được Thượng Viện thông qua. Tới năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với ông John Kerry sau khi đề cử ông là ngoại trưởng tiếp theo của Mỹ hồi tháng 12/2012. |
Max Cleland, một cựu thượng nghị sĩ từ tiểu bang Georgia và một người bạn thân của Kerry nói: “Từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời, Kerry đã được dạy để làm nhiệm vụ quốc tế của Mỹ, cả trong chiến tranh và hòa bình. Ông ấy được sinh ra để làm ngoại trưởng Mỹ. Một con người hiếm có, đã phải trải qua những đau đớn trong chiến tranh và trong chính trị khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, và là người đã tồn tại sau tất cả những nỗi đau đó để tiếp tục dẫn đầu”.
Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, Kerry vẫn tiếp tục làm những công việc của một thượng nghĩ sĩ tiểu bang Massachusetts. Nhưng điều ông quan tâm nhất vẫn là những chính sách đối ngoại. Ông luôn nỗ lực để giữ vai trò chính trong các cuộc tranh luận quan trọng từ Iraq tới Afghanistan. Sau khi trở thành Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện năm 2009, ông đã thực hiện kí kết một hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Nga và cá nhân ông đã thuyết phục Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đồng ý tổ chức cuộc bầu cử vòng hai.
Phát biểu trước khi John Kerry trở thành ngoại trưởng, Tom Hayden, một nhà hoạt động chính trị, một cựu nghị sĩ của bang California đã biết Kerry kể từ những ngày họ phản đối chiến tranh Việt Nam cho biết: “Thường sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để vượt qua được việc thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng cuối cùng ông đã vượt qua khó khăn đó rất tốt. Ngài Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện này không chỉ như những cánh tay đắc lực của tổng thống mà còn có phạm vi hoạt động, quyền hạn rất lớn”.
Cựu Ngoại truorng Hillary Clinton chúc mừng người kế nhiệm bà, John Kerry hồi tháng 1/2013. |
John Kerry gia nhập hải quân do sự khuyến khích của William Bundy, trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Viễn Đông dưới chính quyền Kennedy và là chú của một trong những người bạn cùng phòng ở trường Đại học Yale. Ông Kerry bắt đầu quan tâm tới các vấn đề ngoại giao kể từ khi chứng kiến cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Ông đã đặt ra nhiều câu hỏi về nhiệm vụ của Mỹ ở Việt Nam trước khi tham chiến ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, có rất ít người phản đối chiến tranh, và Kerry không còn sự lựa chọn nào khác là phải tham chiến để trực tiếp chứng kiến chuyện gì đang xảy ra.
Cleland, một cựu chiến binh đã từng tham chiến ở Việt Nam cho biết: “Đó là khoảnh khắc phiêu lưu của John Kerry, tham gia vào cuộc chiến để có được một bài học khủng khiếp”.
Thậm chí, những người có lập trường đối lập với ông về chiến tranh Việt Nam giờ cũng đã cho rằng Kerry là một trong những người phù hợp nhất đối với vị trí ngoại trưởng Mỹ.
Melvin Laird, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống Nixon nói: “Tôi đã không đồng ý với những gì ông ta làm, nhưng tôi rất hiểu những người đã phản đối chiến tranh. Tôi chúc ông ta sẽ làm việc tốt”.
Thomas Vallely, một người bạn của Kerry và là Giám đốc Chương trình Việt Nam tại trường Harvard Kennedy tin rằng, những năm chiến tranh đã hình thành lên cách tiếp cận hiện tại của Kerry với thế giới.
Ông nói: “Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với một vị ngoại trưởng là sống và hiểu được thế giới mà chúng ta đang sống. Và ông ấy có khả năng đó”.
Rất nhiều người khác cũng cho rằng ông Kerry đặc biệt phù hợp với vai trò ngoại trưởng Mỹ, nhất là khi Mỹ đang dần tách ra khỏi cuộc chiến tại Afghanistan. Hồi năm ngoái, trước khi trở thành ngoại trưởng Mỹ, ông đã bỏ phiếu thu hồi nhanh quân đội ra khỏi đây.
Cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis cho biết ông hy vọng Kerry sẽ là cơ hội cho Mỹ và đồng minh tăng cường khả năng gìn giữ hòa bình thế giới.
Các nhà quan sát cũng mong đợi Kerry sẽ tập trung sự chú ý của thế giới vào biến đổi khí hậu bởi vì ông cũng đã có thời gian dài quan tâm tới vấn đề này. Ông đã tham dự ít nhất là 7 cuộc họp quốc tế về biến đổi khí hậu trong hai thập kỷ qua. Mặc dù đề xuất Thượng viện ban hành luật biến đổi trong nước bị thất bại, nhưng ông vẫn cam kết sẽ nỗ lực để dẫn đến một bước đột phá.
Phạm Khánh
2013-11-04 16:16:17
Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/John-Kerry-Nguoi-sinh-ra-de-lam-ngoai-truong-My/118658.info