Nhật Bản đang cố gắng thoát khỏi cái bóng của Mỹ để trở thành một cường quốc quân sự không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Thậm chí, tham vọng của Nhật Bản là sẽ ngồi vào vị trí “cảnh sát toàn cầu” mà Mỹ đang duy trì hiện nay.
Khi Tổng thống Barack Obama hủy bỏ chuyến đi tới châu Á hồi đầu tháng Mười, các đồng minh trong khu vực của Mỹ tự hỏi liệu có phải cường quốc số một này đang suy yếu hay không, và liệu có một ngày họ không còn đủ sức mạnh để có thể điều khiển sân khấu thế giới như quá khứ đã từng làm hay không?
Đó là một mối bận tâm không nhỏ của các nhà lãnh đạo. Tuy vậy, Nhật Bản không lo ngại về một đồng minh đang yếu thế, họ đang củng cố sức mạnh của mình để thay đổi bản chất của liên minh an ninh Nhật – Mỹ. Ủy ban tư vấn an ninh Nhật – Mỹ (2+2), bao gồm các Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của các nước – đã công bố một khả năng sẽ thay đổi liên minh Nhật – Mỹ một cách mạnh mẽ. Theo đó, Nhật Bản sẽ tự gánh vác phần lớn những gánh nặng an ninh chung – điều mà chính phủ Mỹ và một số người bảo thủ ở Nhật Bản mong muốn từ trước đó rất lâu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người tích cực ủng hộ cho sự đổi mới này. Phát biểu trên tờ The Wall Street Journal vào đầu tháng 11, ông Abe khẳng định quan điểm “Nhật Bản sẽ phát huy vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, và cảnh báo Trung Quốc sẽ không có một kết cục hòa bình nếu Bắc Kinh muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Trong bối cảnh đáng lo ngại đó, Lực lượng tự vệ Quốc phòng Nhật Bản (JSDF) và Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) đã được nâng cao khả năng nhằm bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia. Ông Abe có thể không phải là người khởi xướng quá trình này, nhưng ông đang làm những gì có thể để thúc đẩy nó. Động thái ủng hộ mạnh mẽ nhất của ông chính là việc tăng ngân sách cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ vào hồi đầu năm.
Những tin tức trong tuần đến từ Nhật Bản cho biết, Bộ Quốc phòng nước này đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân đổ bộ từ ngày 1/11. Chương trình tập trận này là hành động mới nhất trong một chuỗi dài các động thái nhằm trang bị cho JSDF một khả năng đổ bộ ngăn chặn đạt hiệu quả cao.
Nhật Bản hiện đã có đầy đủ khả năng để tự giải quyết tranh chấp lãnh thổ của mình, thậm chí là gánh phần lớn trách nhiệm an ninh của khu vực mà không cần đến Mỹ. Lực lượng tự vệ Nhật Bản có khả năng hoạt động độc lập ở hầu hết mọi khía cạnh và sở hữu hầu hết các yếu tố của một lực lượng quốc phòng mạnh, đặc biệt là năng lực của thủy quân lục chiến.
Hiện JSDF có 3 chiếc tàu pháo đổ bộ lớp Osumi , 6 tàu đệm khí đổ bộ cùng với các tàu đổ bộ nhỏ hơn, tàu khu trục lớp Hyuga mang trực thăng. Tuy nhiên, lực lượng hải quân Nhật còn thiếu khả năng tấn công từ biển vào bờ – một điều quá xa vời đối với hiến pháp hòa bình hiện tại của nước này.
Những thay đổi trên chính trường thế giới hiện cho phép Nhật Bản có quyền thay đổi các hoạt động quân sự của mình, trong đó có hoạt động đổ bộ bờ biển. Khởi động cho lực lượng đổ bộ của Nhật Bản khá khiêm tốn, sẽ được bắt đầu từ một đơn vị đặc biệt của lực lượng Lục quân tự vệ, chứ không phải là một lực lượng Thủy quân lục chiến đầy đủ và chính thức. Đơn vị sẽ bắt đầu với con số 700 quân, sẽ mở rộng thành 3.000 quân theo thời gian.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị này chính là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – nơi Nhật Bản đang tranh chấp mạnh mẽ với Trung Quốc. Hiện Nhật Bản vẫn đang nắm quyền kiểm soát đối với quần đảo này, cho phép Tokyo tiến hành đưa đơn vị mới tới đây và tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ và các hoạt động phòng thủ khác để đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc.
Trong các yêu cầu chi ngân sách năm 2014 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các mục mua sắm trang bị cho các đơn vị lính thủy mới là chi tiết và rõ ràng. Những điểm yếu của việc tấn công đổ bộ đường biển sẽ được khỏa lấp bởi các phương tiện tấn công đổ bộ khác đã được mua sắm trước đó. Hiện Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang nhắm các máy bay vận tải MV- 22 Osprey cho mùa mua sắm 2015. Tuy tiêm kích F-35B không nằm trong danh sách yêu cầu mua sắm, Nhật Bản đang cân nhắc để “sắm sửa” siêu máy bay chiến đấu này cho việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư.
Tên lửa Patriot được triển khai để bảo vệ thủ đô Tokyo – Nhật Bản. |
Hiện các đơn vị thủy quân mới sẽ bắt đầu nhiệm vụ tại Sasebo, phía tây Kyushi, đây không phải là khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư nhất. Một địa điểm khác mà Lực lượng tự vệ Nhật Bản đang triển khai các “đơn vị giám sát ven biển” là đảo Yonaguni, gần quần đảo Senkaku nhất và cũng là nơi được xem xét lựa chọn triển khai tên lửa chống tàu. Không khó để hiểu tại sao các đơn vị giám sát biển lại triển khai quân ở đây, họ muốn đặt Senkaku/Điếu Ngư trong tầm tay một cách dễ dàng hơn.
Các đơn vị Cảnh sát biển có trụ sở tại Ishigaki cũng được tiếp nhận các khoản đầu tư. Đã có một đơn vị tuần tra gồm 600 người đã được thành lập. Đơn vị này tương đương với một trung đoàn hải quân dân sự mới. Lực lượng này được giao một nhiệm vụ duy nhất là giám sát và bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư khỏi tay Trung Quốc.
Như vậy, bất chấp việc Mỹ bị cắt giảm ngân sách và vướng vào các bế tắc chính trị, dẫn đến suy yếu khả năng của Washington trong việc can thiệp vào các tranh chấp khu vực, Nhật Bản đã gửi một tín hiệu rất rõ ràng đối với Trung Quốc: Nhật Bản sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bất chấp có hay không sự giúp đỡ của Mỹ.
Phan Sương
2013-11-06 22:56:17
Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/Khong-co-My-Nhat-Ban-van-la-ke-dang-gom-o-chau-A/118968.info