Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin vào ngày 12/11, thúc đẩy Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh thuế quan sẽ là một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự.
Năm 2010 Nga cùng Belarus và Kazakhstan đã thành lập Liên minh thuế quan, bao phủ một khu vực có diện tích hơn 20 triệu km2, dân số khoảng 170 triệu người và tổng GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD.
Liên minh này là một bước của Nga trong việc hướng tới xây dựng mô hình liên kết kinh tế ở mức sâu tại khu vực Trung Á và Đông Âu, đang tác động đáng kể tới không gian hậu Xô-viết và quan hệ Nga – EU.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ 12/11 |
Công cụ kinh tế – chính trị
Tuyên bố của Putin năm 2011 rằng “mục tiêu của Nga là đưa hội nhập kinh tế vào thực chất, mở ra các cơ hội phát triển và tăng cường lợi thế cạnh tranh. Từ đó Nga có tiếng nói hơn trong quá trình định hình các quy định và chính sách kinh tế trên quy mô toàn cầu”.
Nhưng theo Jeremy Smith, giáo sư sử học và chính trị Nga, Liên minh thuế quan mang lại lợi ích về mặt kinh tế đáng kể nhất cho Belarus, một phần cho Kazakhstan và hầu như không cho Nga. Như vậy, trên thực tế, Nga có những ý đồ chính trị ẩn đằng sau.
Trong chính sách đối ngoại của Nga, khu vực các quốc gia độc lập SNG luôn chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạch định chính sách. Là một nước lớn, việc duy trì ảnh hưởng đối với các vùng đệm xung quanh là thiết yếu đối với Nga. Do đó, việc tập hợp lực lượng kinh tế của Nga thông qua xây dựng Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế chung là nhằm gián tiếp giữ các nước SNG không rơi vào vòng ảnh hưởng của EU, Trung Quốc.
Với 28 thành viên, EU đại diện cho một mô hình hội nhập thành công mà nhiều nước Đông Âu muốn gia nhập. Chỉ một mình Nga sẽ không thể là đối trọng với EU khi bản thân EU là đối tác thương mại hàng đầu của Nga.
Tuy nhiên, Liên minh thuế quan và khả năng một liên minh kinh tế nối châu Âu và châu Á vào năm 2015 đang và sẽ khiến EU mất đi vai trò của tổ chức quản trị hiệu quả duy nhất tại khu vực. Trước đây, EU dùng vị thế là mô hình hội nhập kinh tế hiệu quả duy nhất để áp đặt các chuẩn mực và giá trị với các nước khác. Nay mô hình liên minh do Nga dẫn đầu có thể cung cấp những cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang khủng hoảng sâu sắc.
Đối với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh là đồng minh của Nga, nhưng sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại Trung Á khiến Nga khó có thể chấp nhận khả năng nước này chỉ tập trung tìm kiếm các nguồn cung tài nguyên khoáng sản tại Trung Á mà không có mong muốn áp đặt ảnh hưởng tại khu vực này. Chính vì vậy, một liên minh sẽ giúp Nga tạo ra một vùng đệm an toàn, đồng thời kéo các nước Trung Á lại gần với Nga thông qua những thỏa thuận về cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của nhau.
“Cây cầu nối” Việt Nam?
Kể từ khi được khởi động vào năm 2012 đến hết tháng 9/2013, Việt Nam đã tiến hành 3 vòng đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh thuế quan của Nga, Belarus và Kazakhstan. Nếu được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu cho các nước ngoài khu vực SNG khác ký FTA với liên minh.
Nếu FTA được ký kết, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga sẽ được giảm thêm 25% thuế quan so với mức thuế Nga cam kết, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước hưởng ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan. Rõ ràng, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga nói riêng và các nước Liên minh thuế quan nói chung.
Với việc FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan được ký kết, nhiều hàng rào phi thuế quan (thủ tục hải quan, thanh toán hàng hóa, quy định kỹ thuật…) với thị trường này sẽ được gỡ bỏ; nhiều loại thuế sẽ được cắt giảm; điều kiện phát triển dịch vụ (bao gồm du lịch, dịch vụ kiều hối…) và đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Với việc Việt Nam được chọn là đối tác đàm phán FTA đầu tiên của Liên minh thuế quan tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, doanh nghiệp Việt có cơ hội thâm nhập thị trường Liên minh thuế quan sớm hơn, với các điều kiện ưu đãi hơn các đối tác khác.