ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Người bị giam trong trại lao động ở Trung Quốc tiết lộ chuyện kinh hoàng
Sunday, November 24, 2013 19:48
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Lá cây đang chuyển sang màu vàng và đỏ ở Damascus, Oregon, vào cuối tháng 10. Cạnh tranh sự chú ý với lá mùa thu là những đồ trang trí Halloween trang điểm cho hầu như mọi ngôi nhà ở vùng ngoại ô trung lưu yên ả này của thành phố Portland trên bờ biển phía tây nước Mỹ.
Một vài quả bí ngô nằm trên những bậc lên xuống dẫn tới nhà của Julie Keith, trong khi ba bia mộ giả chào đón khách đến thăm ở cổng trước – như năm ngoái.
 
“Bây giờ tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải dùng chúng hàng năm bởi vì tôi cảm thấy chúng cần phải có giá trị,” dẫn lời Keith, 43 tuổi, sống ở đây với chồng và hai đứa con nhỏ.  “Tôi buồn cho những người phải chịu đựng cực hình tra tấn để làm những đồ trang trí ngốc nghếch này.”
 
Những đồ trang trí này nằm trong bộ đồ chơi “Hoàn toàn Ma quỷ” có giá 29 đô-la mà Keith mua ở một cửa hàng Kmart ở địa phương hồi năm 2011.  Khi cô mở gói đồ chơi ra trước lễ Halloween năm ngoái, một lá thư rơi ra.
 
Với những câu tiếng Anh nói sai lẫn với tiếng Trung, tác giả của bức thư kêu cứu: “Nếu bạn thỉnh thoảng (nguyên văn) mua sản phẩm này, xin hãy gửi lại bức thư này đến Tổ chức Nhân quyền Thế giới.  Hàng ngàn người ở đây… sẽ cảm ơn và nhớ bạn mãi mãi.”
An excerpt of the letter sent by labor camp inmate
Một trích đoạn của bức thư gửi bởi người bị giam giữ trong trại lao động có tên là Zhang (nam) được để trong đồ trang trí Halloweeen.
 

Bị ngược đãi nhiều giờ

Bức thư tiếp tục kể chi tiết về những giờ đồng hồ kinh khủng, bị đánh chửi và tra tấn mà những người bị giam ở đó để làm những sản phẩm này phải chịu — tất cả đều diễn ra ở nơi được gọi là Trại lao động Mã Tam Gia ở Trung Quốc.

“Đầu tiên tôi thấy ngạc nhiên và không biết đây có phải là trò đánh lừa hay không,” Keith nhớ lại.  Keith là một người quản lý dự án ở một công ty vận hành một chuỗi các cửa hàng tiết kiệm và trung tâm quyên góp. “Sau khi tôi đọc bức thư và nghiên cứu trên mạng Internet, tôi nhận ra rằng việc này có thể là thật.”

“Tôi đã biết rằng có các trại lao động ở Trung Quốc, nhưng việc này đập vào mắt tôi. Tôi không biết là liệu người này vẫn còn sống hay đã chết hay vẫn ở trong trại đó — thật phi thường rằng bức thư có thể vượt qua một chặng đường dài từ Trung Quốc đến đây.

“Keith đáp lại lời kêu gọi của người viết bức thư bằng cách liên hệ với các tổ chức nhân quyền nhưng không nhận được phản hồi nào.  Sau đó cô đăng bức thư lên Facebook, và việc này đã khiến tờ báo địa phương Oregonian đăng một bài viết trên trang nhất.

Khi tin về việc phát hiện bất thường của Keith truyền rộng ra, câu chuyện của cô đã trở thành một tin tức quốc tế, đưa ra ánh sáng một trong những trại lao động khét tiếng nhất của Trung Quốc — và hệ thống gây tranh cãi ở đằng sau đó.

Sự phát hiện kỳ lạ

Rồi một buổi sáng mới đây, ở khoảng 6.000 dặm cách Damascus, một người đàn ông trung niên Trung Quốc đeo kính bước vào văn phòng của CNN tại Bắc Kinh để nói với chúng tôi về sự phát hiện kỳ lạ này ở nửa bên kia của trái đất.  Giọng của ông nhẹ và trầm tĩnh nhưng thỉnh thoảng vẫn lộ rõ sự đau đớn.

“Tôi nhìn thấy gói hàng và đoán rằng những sản phẩm này được gửi đến những nước nói tiếng Anh,” ông nói.  “Tôi hiểu về lễ Giáng sinh nhưng chúng tôi lại làm những thứ như đầu lâu — tôi thực sự không biết nhiều về lễ Halloween.

“Tôi có ý tưởng là nói với thế giới bên ngoài về những gì đang diễn ra ở đó — đó là một khám phá ngay cả đối với một người như tôi, là người đã sống cả đời ở Trung Quốc.”

Sau nhiều tháng tìm kiếm, qua một nguồn tin đáng tin cậy cộng với sự may mắn, CNN đã tìm thấy người đàn ông nói rằng ông là người đã viết bức thư mà Keith tìm thấy trong gói đồ trang trí Halloween.  Đã được thả ra khỏi trại lao động nhưng sợ bị đưa trở lại, ông đồng ý được phỏng vấn trên truyền hình với điều kiện rằng CNN giữ kín danh tính của ông.
 
“Ông Zhang” — tên của người đàn ông — là một người theo tập Pháp Luân Công, môn rèn luyện tinh thần bị chính quyền Trung Quốc dán cho cái nhãn là một tà giáo và đặt ra ngoài vòng pháp luật từ năm 1999.  Ông nói rằng ông đã bị cảnh sát bắt giam nhiều tháng trước Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và bị kết án 2 năm rưỡi giam trong trại lao động Mã Tam Gia ở miền đông bắc Trung Quốc.
 
“Với những người chưa bao giờ đến đó, thì không thể tưởng tượng nổi,” ông nói.  “Việc đầu tiên mà họ làm là cướp đi nhân phẩm của bạn và làm nhục bạn.”
 
Ông Zhang thuật lại việc sử dụng có hệ thống các cách đánh đập, cấm ngủ và tra tấn, đặc biệt là nhằm vào những người từ chối tuyên bố hối hận như ông.  Một số chi tiết kinh hoàng là quá cụ thể về ông nên chúng tôi không thể nói ra ở đây được.
 
“Việc làm ra các sản phẩm hóa ra lại trở thành một lối thoát khỏi những bạo lực kinh hoàng,” ông nói.  “Chúng tôi đã tưởng rằng chúng tôi có thể tự bảo vệ mình, và tránh được việc đánh chửi miễn là chúng tôi làm tốt việc đó.”
 
Những thông điệp bí mật
 
Tiếp tục với kế hoặch của mình là phơi bày sự kinh hoàng trong trại, ông đã bí mật xé các trang giấy từ quyển vở bài tập được dùng cho những buổi truyền bá chính trị vì những người bị giam bị cấm giữ giấy.  Ông cũng đã làm quen với một phạm nhân vị thành niên cùng quê với ông — một tai mắt của lính gác.  Người này đã cố lấy cho ông một thứ bị cấm khác: một chiếc ruột bút bi.
 
The male inmates' quarters at the Masanjia labor camp stand behind fields covered in haystacks.
Khu dành cho những người bị giam giữ là nam giới trong trại lao động Mã Tam Gia ở đằng sau những cánh đồng đầy rơm rạ.
 
“Tôi giấu nó ở một chỗ trống trong giường tầng — và chỉ có thời gian để viết vào đêm khuya khi những người khác đã ngủ rồi,” ông nhớ lại. “Các ngọn đèn luôn được bật ở trong trại và có một người trực ca ở mỗi phòng để theo dõi chúng tôi.”
 
Vừa diễn lại tư thế bất tiện của mình ở trên giường, ông vừa nói: “Tôi nằm nghiêng quay mặt vào tường nên anh ta chỉ có thể nhìn thấy lưng tôi.  Tôi để giấy ở trên gối và chầm chậm viết.”
 
Là một người tốt nghiệp đại học nhưng ông nói phải mất hai đến ba ngày ông mới viết xong một bức thư trong quá trình rủi ro và khó khăn này. “Tôi cố dùng hết chỗ trống một cách tối đa,” ông nói. “Những bức thư hơi khác nhau một chút vì tôi phải tùy cơ ứng biến — tôi nhớ là đã viết lời kêu cứu SOS trong một số bức thư còn những bức khác thì không.”
 
“Viết bằng tiếng Anh rất khó đối với tôi.  Tôi đã học tiếng Anh nhưng chưa bao giờ thực hành nói hay viết nhiều.  Đó là lý do tại sao tôi viết cả một số từ tiếng Trung để đảm bảo rằng thông điệp sẽ không bị hiểu nhầm do lỗi tiếng Anh của tôi.” Ông đã bỏ 20 bức thư vào những gói đồ trang trí Halloween vào năm 2008 ít nhất là một bức đã vượt qua mọi khó khăn và được lấy ra rồi làm nên những dòng ‘tít’ 4 năm sau đó.
 
Bên trong trại
 
Vào cuối tháng 10, những sắc màu của mùa thu đang nhạt phai đi nhanh chóng ở vùng Mã Tam Gia khi nhiệt độ hạ xuống gần mức đóng băng chỉ trong một đêm.  Khi lái xe về phía thị trấn, phong cảnh là một sự pha trộn giữa những cánh đồng cằn cỗi và những nhà máy bỏ hoang với những biểu ngữ quảng cáo giá cho thuê rất rẻ.
 
Thị trấn này nằm ở ngoại ô Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh và là một trung tâm công nghiệp của 8 triệu cư dân.  Nếu không phải là vì sự ô nhục do trại lao động thì nó sẽ chỉ là một chốn ao tù nước đọng bình thường ở vành đai đông bắc Trung Quốc.
 
Một chiếc quốc huy và hai biển hiệu trang điểm cho một lối vào không có người canh gác ở trung tâm thị trấn.  Một cái có dòng chữ “Lao động Mã Tam Gia Tỉnh Liêu Ninh” thiếu mất chữ “Trại”, cái kia viết “Trường Giáo dục Tư tưởng Tỉnh Liêu Ninh”.
 
Bên trong khu liên hợp trông có vẻ là đang đóng cửa này — mặc dù các quan chức không xác nhận điều này — những cánh đồng đầy những đụn rơm rạ và cây ngô khô tách biệt ba khu tòa nhà thấp tầng.  Những văn phòng hành chính được quét vôi trắng, khu vực dành cho phạm nhân nữ chủ yếu là màu đỏ và của nam chủ yếu là màu be.  Những bức tường bê-tông cao màu xanh nước biển hay những hàng rào màu xanh lá cây lấp lánh dây thép gai vây quanh những khu tù nhân, còn những tháp canh gác lờ mờ hiện ra ở các góc.
 
“Ồ, họ đã gỡ bỏ tấm biển ở trước trại dành cho nam,” Liu Hua thốt lên, chỉ tay vào một chiếc cổng không có biển. “Nhìn kìa, tòa nhà trông như nhà kho ở đằng kia là nơi những người như ông Zhang đã từng làm việc.”

 
Khi chiếc xe van chở cô và đoàn phóng viên của CNN dừng lại ở gần khu dành cho nữ, những ký ức mạnh mẽ lại tràn về với với người nông dân 50 tuổi đến từ một khu làng lân cận này.
 
“Tôi bị giam trong tòa nhà đó — Phòng 209,” bà nói trong khi đứng ở bên ngoài hàng rào. “Chúng tôi bị gọi dậy sớm lúc 4h15, làm việc từ 6h sáng đến trưa, có 30 phút để ăn trưa và đi vệ sinh, và tiếp tục làm cho đến 5h30 chiều.  Đôi khi chúng tôi phải thức khuya đến nửa đêm nếu có nhiều việc quá — và nếu chúng tôi không hoàn thành công việc thì chúng tôi sẽ bị trừng phạt.”
 
Những tù nhân cuối cùng
 
Bà Liu chỉ dám quay lại đây sau khi nghe thấy rằng chính quyền đã trả tự do cho nhóm tù nhân cuối cùng vào giữa tháng 9 — một bước cho thấy hướng tới việc đóng cửa khu trại này.
 
Bà đã bị đưa đến Mã Tam Gia hai lần vì đã khiếu kiện các quan chức địa phương về việc mà bà gọi là thu hồi đất bất hợp pháp.  Tổng cộng, bà đã bị giam hai năm rưỡi trong trại này.  Lần đầu, bà bị giam cùng thời với ông Zhang, nhưng hai người chỉ gặp nhau sau khi cả hai đã được thả.  Không như ông Zhang, bà Liu không coi làm việc như một lối thoát.  Nhớ lại việc làm áo khoác để bán sang Ý và áo sơ-mi để bán sang Hàn Quốc, bà vẫn rùng mình vì công việc nặng nhọc đã gần như hủy hoại sức khỏe của bà.
 
“Tôi phải làm mọi việc … và hàng ngày, tôi phải lặp đi lặp lại bảy bước quy trình — tổng cộng khoảng 2.400 bước tất cả,” bà nói.
 
Bị huyết áp cao và suy dinh dưỡng, bà Liu nói bà đã từng ngất xỉu trong khi làm việc nhưng vẫn không được chăm sóc y tế.  Do thái độ thách thức của mình, bà nói lính gác cũng đã ra lệnh cho những tù nhân khác đánh bà hai lần — họ đánh bằng ghế và chậu nhựa tàn ác đến nỗi bà đã bất tỉnh. “Nhưng tôi vẫn phải làm việc sau khi tỉnh lại,” bà nói thêm. “Nơi này chính là địa ngục trần gian.”
 
Phơi bày nỗi kinh hoàng
 
Tháng 4 vừa qua, trại Mã Tam Gia khét tiếng kinh hoàng bị chú ý khi tạp chí Ống kính của Trung Quốc đăng một bài báo dài về những nỗi kinh hoàng ở bên trong những bức tường của nó.  Dựa trên những cuộc phỏng vấn với hơn một chục cựu nữ tù nhân bao gồm cả bà Liu, câu chuyện — có nhan đề “Rời khỏi Mã Tam Gia” — đã kể lại chi tiết môi trường sống và làm việc kinh khủng cũng như việc tra tấn thường xuyên ở trong trại.
 
Những nhà báo Trung Quốc cũng nói chuyện với hai cựu quan chức của trại và họ nói rằng lúc cao điểm Mã Tam Gia giam hơn 5.000 tù nhân như những người lao động không công và tạo ra doanh thu hàng năm gần 100 triệu nhân dân tệ (16 triệu đô-la) — bao gồm cả doanh thu từ việc xuất khẩu.
 
Former Masanjia inmate Liu Hua (right) walks across the field outside the female inmates' quarters and talks to a CNN reporter.
Cựu tù nhân ở Mã Tam Gia Liu Hua (phải) đi bộ qua cánh đồng bên ngoài khu giam nữ tù nhân và nói chuyện với một phóng viên của CNN.
 

Mặc dù những quan chức này thừa nhận điều kiện sống và lao động tệ hại nhưng họ phủ định việc tra tấn.  Họ thừa nhận một số nhân viên có thể đã dùng vũ lực quá mức trong việc xử lý những tù nhân không tuân lệnh.

Câu chuyện này nhắc đến việc phát hiện ra bức thư tố cáo về Mã Tam Gia trong gói đồ trang trí Halloween ở Mỹ — và rằng tin này đã gây ra một chấn động lớn trong trại lao động này.  Khi được hỏi, một quan chức đã xác nhận rằng bức thư đúng là đến từ trại dành cho nam của Mã Tam Gia.
 
Việc đăng bài báo đã làm nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, vì các phương tiện truyền thông trong nước Trung Quốc — tất cả đều là của nhà nước — từ lâu đã tránh xa chủ đề nhạy cảm này.
 
Chưa đầy hai tuần sau khi bài báo được đăng, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước, Tân Hoa Xã, đã đăng một phản hồi từ chính quyền địa phương.  Gọi bài báo là “không chính xác một cách nghiêm trọng”, các quan chức của Tỉnh Liêu Ninh nói rằng việc điều tra kỹ lưỡng của họ ở Mã Tam Gia không đem lại bằng chứng nào về việc tra tấn hay ngược đãi đối với những tù nhân được phỏng vấn trong khi họ bị giam giữ.
 
Các quan chức cũng phủ nhận những lời buộc tội về điều kiện sống và lao động kinh khủng ở trong trại, đổ tội cho những nhà báo là tham gia vào “những chiến dịch bôi nhọ” do phong trào Pháp Luân Công ở hải ngoại phát động.  Họ đã không đề cập đến bức thư trong gói đồ trang trí Halloween trong bài bác bỏ của mình.
 
Tạp chí Ống kính đã treo việc xuất bản trong vài tháng sau khi đăng bái báo về Mã Tam Gia.
 
Bất chấp những nỗ lực nhiều lần của CNN, các quan chức của Sở Cảnh sát và văn phòng báo chí của Tỉnh Liêu Ninh đã từ chối bình luận cho câu chuyện này.
 
Hàng trăm trại
 
Theo đánh giá chung, Mã Tam Gia chỉ là một trong số hàng trăm trại lao động ở Trung Quốc được sinh ra dưới chính sách lao giáo — hay “cải tạo lao động”.
 
Được thành lập năm 1957, hệ thống này cho phép cảnh sát bắt giam những người phạm tội nhỏ nhẹ — như trộm cắp, mãi dâm và nghiện ma túy — trong những trại lao động tối đa là 4 năm mà không cần xét xử.  Bản thân tiến trình tư pháp của Trung Quốc đã bị điều khiển bởi những người Cộng sản cầm quyền trong một chế độ một đảng.  Trong một báo cáo năm 2009 gửi cho diễn đàn nhân quyền Liên Hợp Quốc, chính quyền Trung Quốc thừa nhận là có 320 cơ sở như thế trên toàn quốc, giam giữ tổng cộng 190.000 ngàn người.  Các ước tính khác đưa ra con số người bị giam giữ còn cao hơn nhiều.  Những người chỉ trích từ lâu đã buộc tội chính quyền là lạm dụng những trại này để bịt miệng những người bị gọi là gây rắc rối, bao gồm cả những người bất đồng chính kiến, những người hoạt động nhân quyền và những người theo tập Pháp Luân Công.
 
“Việc tiếp tục tồn tại của lao giáo cho thấy rằng Trung Quốc vẫn là một nhà nước độc tài,” dẫn lời Pu Zhiqiang, một luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh được biết đến vì bảo vệ những người chỉ trích chính quyền tại tòa và là một người lớn tiếng phản đối hệ thống trại lao động này.  “Nó đi ngược lại Hiến pháp và Pháp luật của chính Trung Quốc cũng như những công ước quốc tế mà nước này đã ký.
 
“Sự nguy hiểm thực sự là ở chỗ quyền lực của cảnh sát không bị kiềm chế vào lúc mà họ ngày càng bị sức ép là phải duy trì sự ổn định xã hội.”
 
“Hai vụ của ông Pu năm ngoái đã dẫn đến một thiệt hại lớn cho lao giáo, buộc chính quyền phải tái xem xét vấn đề nhức nhối này.  Trong một trường hợp, một người mẹ bị kết án một năm rưỡi cải tạo lao động vì “gây mất trật tự xã hội” sau khi bà nhiều lần đề nghị các quan chức tử hình những kẻ bị kết tội là đã cưỡng hiếp đứa con gái 11 tuổi của mình.  Trong một trường hợp khác, một quan chức trẻ tuổi của làng bị đưa vào trại lao động 2 năm vì truyền lại những tin nhắn trên mạng bị coi là nổi loạn.

Những dấu hiệu của sự thay đổi

Kể từ khi thay đổi ban lãnh đạo cao nhất một năm trước và mặc dù có những tín hiệu lẫn lộn, chính quyền có thể cuối cùng đã sẵn sàng phá bỏ hệ thống gây tranh cãi này.

 
Lý Khắc Cường, thủ tướng mới, nói trong cuộc họp bào đầu tiên của mình với tư cách là người đứng đầu chính phủ rằng các quan chức đang “làm việc vất vả để đưa ra một kế hoạch” để cải cách hệ thống lao giáo và nó có thể được công bố trước cuối năm.  Một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc mới đây đã nhắc lại tuyên bố của ông Lý Khắc Cường khi phát biểu trong một diễn đàn nhân quyền do Liên Hợp Quốc tổ chức.

 
Trong khi một số nhà hoạt động bày tỏ những quan ngại về từ ngữ chính thức “cải cách” thay vì “phá bỏ”, thì luật sư Pu cảm thấy rằng làn sóng công luận mạnh mẽ chống lại hệ thống lao giáo đã buộc chính quyền phải có hành động.
 
Các tỉnh ở khắp Trung Quốc bao gồm cả Liêu Ninh đã có vẻ như đang chuẩn bị cho điều không tránh khỏi đó.  Các phương tiện truyền thông của nhà nước đã dẫn chứng các ví dụ về các quan chức ngừng tiếp nhận những tù nhân mới, thay đổi tên các trại thành trung tâm cai nghiện ma túy và giảm số nhân viên trong trại.
 
Và trại Mã Tam Gia trống rỗng có vẻ như là bằng chứng cuối cùng rằng việc này không thể đảo ngược được nữa.
 
Trở lại Oregon, Julie Keith vẫn đang chờ đợi động thái tiếp theo từ chính phủ của mình.  Cô đã liên hệ với các quan chức hải quan Mỹ sau khi phát hiện ra bức thư, vì luật pháp của liên bang cấm nhập khẩu những hàng hóa do lao động cưỡng bức làm ra.  Cô nói các quan chức đã thừa nhận rằng họ không thể làm được gì nhiều ngoài việc thêm bản trình báo của cô vào hồ sơ của họ.  Kể từ đó cô vẫn chưa nghe được tin gì thêm từ họ.
 
Sau khi CNN liên hệ, một nữ phát ngôn viên của Cơ quan Xuất nhập cảnh và Hải quan của Mỹ (ICE) đã từ chối xác nhận sự tồn tại hoặc trạng thái của việc điều tra.
 
“Những lời cáo buộc này rất là nghiêm trọng và là một ưu tiên điều tra của ICE,” bà nói.  “Những hoạt động này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, mà còn đẩy những người lao động dễ bị tổn hại vào nguy hiểm.”
 
Cung ứng cho phương Tây
Sears, công ty sở hữu Kmart, cũng đã trả lời khi được hỏi về việc các sản phẩm ở trong trại lao động tại Trung Quốc có mặt tại các cửa hàng của họ như thế nào.  “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về việc quá trình sản xuất có nhà thầu phụ là trại lao động trong cuộc điều tra của chúng tôi,” công ty này nói, nhưng cũng nói thêm rằng họ không còn mua hàng từ công ty này nữa.
 
Keith tin rằng công ty Sears “hẳn là phải biết” nhưng “thà để điều này lặng lẽ qua đi.”
 
Sự hoài nghi của cô được chia sẻ bởi những nhà hoạt động nhân quyền đã từ lâu kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với các chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia.  “Rất nhiều trại được điều hành như các công ty và, nếu bạn nhìn ở trên mạng Internet, có rất nhiều trong số họ quảng cáo,” dẫn lời của Maya Wang, một nhà nghiên cứu cho tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Hồng Kông.  “Người ta sẽ đặt câu hỏi là họ liên hệ với các công ty phương Tây như thế nào và liệu các công ty phương Tây đã tìm điều tra kỹ hay chưa khi họ mua dịch vụ.”
 
Bà Wang nói rằng tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, cách chắc chắn duy nhất để tránh những sản phẩm làm từ lao động cưỡng bức từ Trung Quốc là hối thúc một đạo luật ở chính nước họ và đảm bảo là chính phủ của họ thực thi một cách nghiêm ngặt.
 
Ngay cả nếu Trung Quốc phá bỏ hệ thống trại lao động, các chuyên gia như bà Wang và ông Pu chỉ ra rằng những tội nhân bị kết án thường phải lao động trong những điều kiện tương tự trong nhà tù.
 
Đã ra khỏi Mã Tam Gia nhưng vẫn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng đó, ông Zhang hiện đang sống lặng lẽ ở Bắc Kinh.  Khi bức thư bị lãng quên lâu ngày của ông được Keith tìm ra và làm nên một tin tức thời sự hồi năm ngoái, ông đã ngạc nhiên như mọi người khác.  Ông đã gửi một bức thư mới cho Keith thông qua một người bạn, cảm ơn cô rất nhiều vì “hành động chính nghĩa của cô đã giúp những người đang tuyệt vọng có được một kết cục tốt,” trong khi nhắc với cô rằng “Trung Quốc giống như một trại lao động lớn” dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản.
 
“Thật đáng buồn là bộ đồ trang trí ngôi mộ đầy máu me mà tôi mua lại được làm bởi những người mà chính họ đang ở trong tuyệt vọng và người dính đầy máu,” cô Keith suy ngẫm.
 
“Bây giờ tôi kiểm tra nhãn hiệu và cố không mua những thứ mà tôi không thực sự cần thiết, đặc biệt là nếu nó được sản xuất ở Trung Quốc,” cô nói thêm.
 
Phóng viên David McKenzie của CNN đã đóng góp vào việc viết nên bài báo này.
 
Theo CNN

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.