“Nếu tôi cần chút quà của chú thì tôi đã không gọi điện cho chú đến để trả lại. Vì ngoài điện thoại Galaxy, trong bóp của cậu con trai chú còn có 5 triệu đồng”.
Cách đây khoảng 3 tuần, vào một buổi tối trời mưa tôi chở con đi học về thì nhặt được một chiếc ba lô. Về nhà, tôi mở ra xem trong ba lô có một điện thoại Samsung Galaxy, 1 cái bóp và 1 bộ quần áo (đồng phục sinh viên), cùng một số đồ dùng khác của giới trẻ.
Tôi mở điện thoại ra và gọi đến số điện thoại có tên là Papa, nhưng máy hết tiền. Tôi đành lấy điện thoại của mình ra gọi và hỏi người Papa đó có quen với số điện thoại kia không?
Tôi dùng vài thao tác kiểm tra họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán thì tôi biết được người tên Papa đó chính là cha của cậu sinh viên làm rớt đồ. Tôi cho họ địa chỉ nhà và hẹn người mất đến nhận đồ lại.
Sau một tiếng, 2 cha con chở nhau tới. Người cha thì cảm ơn rối rít sau khi tôi hỏi một số vấn đề để kiểm tra lại. Còn cậu thanh niên (tầm 20 tuổi) mặt lạnh lùng, lấy bóp tiền ra đếm.
Cậu ta cứ đếm đi đếm lại nhiều lần trước mắt tôi. Điều này làm tôi rất khó chịu. Đếm xong, cậu ta cất bóp vào cặp rồi đi một mạch ra ngoài, không nói một lời cảm ơn.
Khi đó người cha bối rối nói đỡ lời: “Cảm ơn cô, cô cho tôi gửi chút quà”. Tôi trả lời: “Nếu tôi cần chút quà của chú thì tôi đã không gọi điện chú đến để trả. Vì ngoài điện thoại, trong bóp của cậu con trai chú còn có 5 triệu đồng”.
Tôi thực sự bức xúc vì hành vi của câu sinh viên ấy. Tôi không hiểu ở môi trường đại học, cậu ấy được học những gì mà văn hóa ứng xử một lời cảm ơn cũng không có.
Theo VNexpress