Như mọi đứa trẻ Nhật Bản, họa sĩ Yoichi Takahashi chỉ thích xem bóng chày vào những năm 1970. Cho đến khi World Cup năm 1978 ở Mexico diễn ra, ông mới nhận thấy bóng đá cuốn hút mình đến nhường nào.
“Tôi đã vẽ truyện tranh trong nhiều năm, vì thế tôi nghĩ, tại sao không giới thiệu bóng đá đến độc giả của tôi nhỉ”, ông Yoichi Takahashi nói. “Tôi hy vọng tôi có thể chia sẻ sự ham thích bóng đá của mình qua những tác phẩm, và hy vọng rằng, bóng đá sẽ phổ biến hơn ở Nhật Bản”.
Nhật Bản thành công vì dám ước mơ.
Yoichi Takahashi là tác giả bộ truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản: Đội trưởng Tsubasa. Xuất phát từ mong muốn đơn giản, người họa sĩ già cho ra đời khoảng 240 tập truyện huyền thoại, và ông sáng tác Tsubasa cho đến khi qua đời. Không ngoài mong đợi, “Đội trưởng Tsubasa” trở thành một hiện tượng xã hội Nhật bản thời điểm đó. Quả bóng Tsuabasa chơi được các em học sinh nô đùa cùng mỗi ngày. Chiếc mũ Wakabayashi đội, được bán hàng ngày trên các cửa hàng.
Trong một buổi lễ của La Liga năm 2012, người ta thấy tiền vệ Andres Iniesta mặc một chiếc áo của Tshabasa trong truyện. Nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng khác như Zinedine Zidane, Alex Del Piero, cũng thừa nhận là fan của bộ truyện tranh ấy. Tiền đạo Fernando Torres mơ trở thành cầu thủ nhờ Tsubasa. Tsubasa trở thành cảm hứng cho trẻ em toàn thế giới. Nó như một chiếc cầu nối mơ ước, để những đứa trẻ bước qua.
“Hậu Tsubasa” là tiếp tục ước mơ
Giấc mơ của họa sĩ Takahashi không chỉ phổ biến môn bóng đá ở Nhật Bản, mà thông qua đó, ông gửi gắm nhiều tham vọng lớn lao hơn. Trong truyện, Tsubasa thi đấu cho Barcelona, Hyuga chơi cho Juventus, và một số đá cho các CLB nổi tiếng khác ở châu Âu. Cú sút cọp tát, pha xoạc bóng dao cạo, và những giấc mơ to lớn từng là đề tài để các cây bút hài hước hóa bóng đá Nhật. Trước năm 1998, Nhật Bản chưa từng dự World Cup. Bóng đá Nhật từng tự ví mình là chiếc giày bé nhỏ so với bóng đá Việt Nam.
Nhật xuất sắc cầm hòa Hà Lan – Ảnh Daily Mail.
Ấy vậy mà, nhìn lại xem, giấc mơ Tsubasa không hề hoang đường như ta tưởng. Cầu thủ Nhật ngày nay ra nước ngoài chơi bóng không phải chuyện hiếm. Trong danh sách 23 cầu thủ ông Zaccheroni triệu tập trận gặp Hà Lan, có 12 người thi đấu ở châu Âu. Shinji Kagawa đá cho Manchester United là Tsubasa của bóng đá Nhật ngày nay. Kesukei Honda sẽ tới Milan vào tháng 1.
Trước Hà Lan, không có cú sút cọp tát, chỉ có một cú đá sệt nhưng hiểm của Honda, mang về trận hòa cho Nhật Bản. Trước Hà Lan cũng không có siêu cầu thủ Tsubasa đi bóng qua vài ba người, mà chỉ có lối chơi tập thể, mềm mại, đậm chất latin, đã được cải biến phù hợp với tầm vóc cầu thủ Nhật Bản.
Trận hòa ấy, trong bối cảnh đối thủ thiếu Robin van Persie, vẫn thật đáng khen vì hai lẽ: Nhật bị dẫn trước đến 0-2; và dù không có van Persie, Hà Lan vẫn còn Arjen Robben, tiền vệ ghi bàn từ cú cứa lòng như tranh vẽ phút 40.
Trận hòa gợi lại cho chúng ta hình ảnh đội Nhật kiên cường trước Italy ở Confederations Cup 2013. Hôm đó họ thua người Ý 3-4, nhưng khiến cho nhà Á quân EURO toát mồ hôi vì lối chơi bài bản, sự lỳ lợm và sắc sảo. Nhật cũng thua cả 3 trận ở Confederations Cup, nhưng đó đều là những thất bại chẳng có gì đáng chê trách về tinh thần. Họ luôn đá đầy quả cảm, luôn chăm chỉ trên sân, như phẩm chất người dân Nhật.
Tinh thần Tsubasa đã giúp bóng đá Nhật tiến thần tốc những năm qua, chắc chắn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho họ thời gian tới. Họ sẽ không dừng lại ở Shinji Kagawa vẫn phải đá dự bị ở Man United. Tsubasa mơ vô địch thế giới sau 240 bộ truyện. Người Nhật cũng mơ một ngày như thế, và hãy nhìn vào quá khứ để tôn trọng giấc mơ của họ.
2013-11-16 20:32:39