(Làm Mẹ) – Nghe cô con gái 3 tuổi thắc mắc “sao mẹ không tặng ‘máy bay’ cho các cô như mẹ các bạn lớp con”, chị Nhung mỉm cười nửa đùa nửa thật “Tại nhà mình nghèo hơn con ạ”.
Có hai con đang học mầm non, chị Nhung (khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội) cho biết chị chưa từng biếu phong bì hay tặng quà cho cô giáo, dù vào bất cứ dịp nào trong năm. Hồi bé lớn 3 tuổi, cháu từng phụng phịu khi không thấy mẹ tặng “máy bay” (hình in trên chiếc phong bì) cho cô giáo vào dịp 20/11 như các phụ huynh khác. Chị Nhung hướng dẫn con tự làm bưu thiếp tặng cô và chỉ nhẹ nhàng bảo bé “con ngoan là cô vui nhất, và đó là món quà lớn nhất của cô”.
“Con bé cũng không thắc mắc gì thêm, và từ đó, dịp nào, dù 8/3 hay 20/11, cháu cũng rất hào hứng tự làm những tấm thiệp để tặng các cô”, chị Nhung nói.
Chị Nhung cho biết, hồi bé đầu mới đi học, vào những dịp đặc biệt như ngày Nhà giáo Việt Nam, chị cũng định mua quà hay biếu phong bì cho cô như các phụ huynh khác có con học cùng lớp, nhưng anh xã chị không đồng ý. Theo anh, cư xử như vậy là “làm hư” cô giáo chứ không phải thể hiện tấm lòng trân trọng và biết ơn. Thấy quan điểm này hợp lý, chị thực hiện theo.
Hiện nay, hai bé nhà chị, một 3 tuổi, một 5 tuổi đều đang học tại một trường mầm non tư thục gần nhà. Dù chưa bao giờ mẹ tặng quà cho cô, nhưng các con luôn được cô giáo quý vì bé nào cũng ngoan. Chị Nhung cho rằng không ít phụ huynh hiện nay tặng quà hay tiền cho cô giáo chưa hẳn xuất phát từ tấm lòng, mà vì tâm lý sợ không có gì thì con mình không được quan tâm nhiều hoặc bị “trù”. Bản thân chị thì cho rằng, nếu con mình thái độ tốt, học bình thường thì không cô nào lại có thái độ thiếu thiện chí. Hơn nữa, vợ chồng chị cũng quan niệm, việc học ở trường không phải là quan trọng nhất, mà cái chính là giúp con biết kỹ năng sống, và điều này chính bố mẹ phải hướng dẫn con.
“Tôi cám ơn cô giáo bằng cách dạy con ngoan. Chính cô giáo cũng nói nếu trong lớp bé nào cũng được như cháu thì cô đỡ mệt hơn rất nhiều. Nhiều người biếu cô chút quà rồi đòi hỏi con mình phải được thế này, thế kia, không nên chút nào. Sau này các cháu lên lớp lớn, vào trường công, tôi sẽ vẫn thực hiện như bây giờ”, chị Nhung chia sẻ.
Cũng dị ứng với chuyện “phong bì”, chị My (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, 3 năm nay, cứ ngày 20/11, chị lại mua 2 bó hoa và một chiếc bánh gato mang tới trường con. “Một bó hoa tặng các cô lớp con, một bó hoa tặng các cô văn phòng, còn bánh gato để cả lớp liên hoan”, chị My chia sẻ.
Chị My cho biết bắt đầu biết tới khái niệm “phong bì” trong trường học từ khi bước chân vào đại học. Đa số các bạn rủ nhau tới nhà thầy cô biếu quà, tiền vào các dịp 20/11 hay cận kỳ thi là những người hay nghỉ học, học kém, sợ bị đánh trượt hoặc không được thi.
“4 năm ngồi giảng đường mình chưa từng đi phong bì thầy cô nào, và mình cảm thấy việc làm đó làm hạ thấp danh dự, cả người nhận và người tặng. Có lẽ vì thế, ngay khi cho con đi học, nguyên tắc từ đầu của mình cũng là ‘nói không với phong bì’”, bà mẹ 28 tuổi nói.
Theo chị My, trong thâm tâm, chị luôn rất quý trọng và cảm ơn các cô giáo, khi thời gian con ở bên cô nhiều hơn bên bố mẹ, các cô cũng rất tận tình và chu đáo với trẻ. Chị cho rằng có nhiều cách để bày tỏ tấm lòng với cô, và chị chọn những cách khác, ngoài tiền mặt.
Một trong những lý do khiến chị Huyền (Mỹ Đình, Hà Nội) không tặng quà các cô giáo của con như hầu hết phụ huynh có con học lớp 2 cùng bé nhà chị là học phí của con cũng như khoản quỹ chi cho các ngày lễ (gồm 20/11) đã rất cao.
Con gái chị Huyền đang học tại một trường tiểu học tư thục chất lượng cao, với mức phí đóng mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Mỗi năm, phụ huynh còn đóng khoảng 1 triệu đồng để ban đại diện mua hoa, tặng phẩm cho các cô vào các dịp lễ tết. “Bố mẹ nhiều bạn cùng lớp với con tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi không có gì đặc biệt dành cho cô vào 20/11, nhưng tôi lại thấy việc mỗi người mua thêm hoa, quà ngoài phần đại diện ban phụ huynh đã trao là… lạ. Tại sao chúng ta phải làm thế”, chị Huyền bày tỏ.
Chị cho biết, những năm con học mầm non, chị cũng không mấy khi lo lắng đến việc nên để phong bì cho cô bao nhiêu hay nên mua quà gì thì cô thích vào cận các dịp lễ như nhiều đồng nghiệp khác.
Cô giáo Thanh (giáo viên một trường tiểu học tại Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mỗi năm, cứ sau 20/11 là cô lại đi phân phát cho người quen, bạn bè dầu gội, sữa tắm – quà tặng của phụ huynh. “Nói thật, cô giáo cũng như bất cứ người nào đều thích được tặng quà. Đó cũng là một cách cảm thấy mình được ghi nhận. Món quà không cần đắt tiền, chỉ cần xuất phát từ tình cảm thật sự, và cho thấy được thành ý của người tặng”, cô Thanh tâm sự.
Cô cho biết, thực tế, khi không nhận được món quà nào từ học sinh vào ngày lễ của ngành, có lẽ nhà giáo nào cũng đôi chút chạnh lòng. Tuy nhiên, cô cho rằng quà tặng không cần là những thứ có giá trị, kể cả tiền, mà đó đôi khi chỉ là một tấm thiệp, một bó hoa, một lời chúc hay một cái ôm thật chặt của học trò.
“Một lần, 20/11 được trò yêu quý tặng cho một lọ thủy tinh đựng bên trong là những ngôi sao be bé do chính tay em gấp (em nói mẹ dạy làm), mình vô cùng xúc động, hạnh phúc”, cô Thanh chia sẻ.
Là hiệu phó một trường quốc tế có tiếng tại Hà Nội, chị Mai Hương cho biết, việc có tặng quà hay không, tặng quà gì, hiện vật hay phong bì cho giáo viên vào dịp 20/11 là quan điểm và lựa chọn của mỗi phụ huynh, nhưng trên hết, thái độ của họ mới là điều quan trọng nhất. “Có lẽ không thầy cô nào nghĩ ‘Ngày này là ai (trong lớp) cũng phải tặng quà mình’. Trong một lớp có mấy chục học sinh, dù bố mẹ có tặng quà hay không thì với hầu hết giáo viên, mọi đứa trẻ đều như nhau, cần được quan tâm, dạy dỗ…”, chị Hương cho hay.
Chị Hương cho biết cảm thấy buồn khi không ít phụ huynh nghĩ vì con học trường tư, trường quốc tế phải đóng học phí cao nên hầu như không cần bày tỏ thái độ cảm ơn với thầy cô hoặc cho là tặng tiền là “làm hư cô giáo”.
“Không buồn sao được khi các mẹ nghĩ rằng, chăm sóc, dạy dỗ con mình là việc của cô nên cô phải làm là đương nhiên, gia đình đã trả công đầy đủ rồi, cần gì những thứ khác?”, nhà giáo chia sẻ.
Cô hiệu phó so sánh: 8/3, bà vợ nào cũng mong được chồng tặng hoa hay quà, dù tiền đó là của chung trong gia đình, và ông chồng có thể mua “hớ”. Nếu chồng không tặng quà gì, tất nhiên người vợ cũng đành chấp nhận, nhưng hẳn trong lòng cũng có đôi chút chạnh lòng. Các cô giáo trong ngày 20/11 cũng có tâm trạng tương tự.
Theo chị, tất nhiên, ở đâu đó vẫn có những cô giáo “gợi ý” để được tặng quà thì đó cũng là điều bình thường bởi không thể có một tập thể nào toàn người tốt, cũng như không ở đâu chỉ có cái xấu. Điều quan trọng là đừng biến việc tặng quà cho giáo viên thành một việc xấu, và nhất là không bao giờ lôi kéo trẻ vào việc này.
“Có những bà mẹ tặng cho cô các món đồ đắt tiền, rồi kể với con rằng mẹ đã tặng cái này, cái kia, dặn con ‘nếu cô mắng cứ về bảo mẹ’, đã tốn thế rồi mà còn không tử tế với con… Như vậy là mẹ vừa làm méo mó ý nghĩa món quà, vừa làm hỏng con”, nhà giáo dục nói.
2013-11-18 19:23:00
Nguồn: http://phunutoday.vn/lam-me/nhung-ba-me-noi-khong-voi-phong-bi-cho-co-giao-35679.html