“Tôi là người may mắn”
Nguyễn Ngọc Lưu Ly là con cả của PGS.TS Nguyễn Lân Trung (con trai cố GS Nguyễn Lân). Hiện nay, cô là Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và trở thành nữ Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013 khi mới 32 tuổi.
Chia sẻ về những thành công mà mình đạt được, Lưu Ly cho rằng: “Tôi là một người may mắn”.
Đối với cô, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, nghiên cứu khoa học là may mắn đầu tiên. Từ ông đến các bác, đều là những tấm gương sáng để cô noi theo. Vì vậy, mong muốn nghiên cứu và đi theo con đường khoa học cũng đến rất với cô rất tự nhiên.
Bố mẹ đều là giáo viên tiếng Pháp, vì vậy, Lưu Ly có điều kiện tiếp xúc với ngôn ngữ này từ nhỏ và bắt đầu gắn bó từ năm lớp 6 cho đến nay. Có thể thấy gia đình chính là nơi vun đắp và tạo mọi điều kiện cho cô được học tập tốt nhất.
Cho đến khi lập gia đình, nữ Phó giáo sư trẻ lại may mắn tìm được một người chồng yêu và thông cảm với mình. “Một nửa” của cô chính là người bạn học từ cấp một, vì vậy trong tình yêu của họ có cả tình bạn và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn. Không những thế, bố mẹ chồng cũng luôn động viên và yêu thương Lưu Ly như con gái.
Sự ủng hộ, và giúp đỡ của một hậu phương vững chắc ấy đã giúp cô có được những thành công như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, việc được học tập trong những ngôi trường tốt là điều kiện giúp quan trọng giúp nữ phó giáo sư phát triển sự nghiệp của mình.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Lưu Ly đã được học tại những trường danh tiếng của Hà Nội. Cấp hai, cô theo học lớp chuyên Pháp của trường Trưng Vương, cấp 3 cô tiếp tục là một trong những học sinh xuất sắc của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Theo truyền thống của gia đình, Nguyễn Ngọc Lưu Ly chọn theo nghề giáo và hoàn thành 4 năm học tại ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (nay là ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội) với tấm bằng loại giỏi.
Tốt nghiệp đại học, cô được giữ lại trường làm giảng viên. Môi trường này đã tạo điều kiện cho cô sinh viên đam mê khoa học được tiếp tục nuôi dưỡng tài năng và tâm huyết của mình. Bởi ở đó, cô cảm nhận được sự chân tình và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong công việc của các thầy cô, đồng nghiệp.
Và điều may mắn thứ ba khiến người phụ nữ này cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống đó chính là cậu nhóc 8 tuổi cá tính và một cô bé hơn 1 tuổi nũng nịu, dễ cười dễ khóc. Đó là “báu vật” vô giá của nữ Phó giáo sư trẻ tuổi này.
Đam mê và quyết tâm
Dù vậy, trong sự thành công của nữ phó giáo sư trẻ, bên cạnh may mắn không thể thiếu niềm đam mê, và quyết tâm của bản thân.
Cô chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học ngay khi bước chân vào giảng đường đại học. Đầu tiên, đó chỉ là những bài nghiên cứu bằng tiếng Việt. Sau nhiều “viên gạch đầu méo mó”, tôi đã rút được rất nhiều kinh nghiệm và bắt đầu viết nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Lúc đó, tôi đã rất vui khi có được bài viết đăng tên tạp chí chuyên ngành”.
Năm thứ hai đại học, với mong muốn tìm hiểu thêm một ngôn ngữ mới và hỗ trợ công việc nghiên cứu, cô đã quyết định đăng ký học văn bằng hai chuyên ngành tiếng Nhật – một loại hình ngôn ngữ khác hoàn toàn so với tiếng Pháp.
Trong thành công của nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013 không thể thiếu niềm đam mê và quyết tâm. |
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục hoàn thành luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học tiếng Pháp. Năm 2009, cô vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Việt Nam và luận văn thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Pháp.
Để có thể thường xuyên trau dồi kiến thức, cô luôn tận dụng mọi thời gian để đọc. “Đặc biệt, thời điểm mang thai và sinh con lại là lúc lúc tôi có nhiều thời gian ở nhà để dành cho việc đọc và nghiên cứu hơn”, nữ phó giáo sư tâm sự.
Ngoài ra, việc luôn biết cách tận dụng hiệu quả những khóa học ngắn tại Pháp khi được trao đổi với các chuyên gia, nhà nghiên cứu giỏi cũng như tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, đã giúp ích rất nhiều trong sự nghiệp của cô.
Người phụ nữ biết cân bằng cuộc sống
Là một người phụ nữ, gia đình luôn đóng vai trò quan trọng nhất và đó cũng là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp của cô.
Nhớ lại khoảng thời gian sang Pháp 9 tháng để theo học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh, phải xa gia đình đặc biệt là cậu con trai mới 3 tuổi, cô chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi tận dụng mọi thời gian trong ngày cho công việc để khỏa lấp nỗi nhớ gia đình. Vì vậy, ngay sau ngày thi cuối cùng, tôi đã lập tức trở về Việt Nam”.
Ngoài công việc, những ngày nghỉ là khoảng thời gian cô dành trọn vẹn cho gia đình và đưa các con đi chơi.
Gia đình hạnh phúc của PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly. |
Dù rất thành công trong sự nghiệp, nhưng trên cương vị là một người mẹ, Lưu Ly không bao giờ tạo áp lực cho con và luôn tôn trọng thiên hướng, sở thích của bé.
Cô cho biết: “Bởi cũng giống như ba mẹ đã cố gắng không bao giờ tạo áp lực cho tôi. Và bản thân tôi cũng không bao giờ tự tạo áp lực cho mình”. Có lẽ, đây cũng là một trong những bí quyết giúp cô đạt được kết quả như ngày nay.
Đối với cô, điều quan trọng nhất đó là dạy các con được tính tự lập và sẵn sàng cho con trải nghiệm sự thất bại. Bởi may mắn chưa đủ để tạo nên thành công mà còn cần sự nỗ lực và khả năng của chính mình.
Theo An Hoàng
Zing/Tri Thức