Các cấu trúc tường gạch, cốt thép đã không đủ sức chống lại sức gió lên đến 235km/h, và nhất là các đợt sóng dâng quét qua bờ biển Phillipines. Hậu quả là có đến hàng nghìn người thiệt mạng, dù nhiều người trong số họ đã tìm được nơi trú ẩn. Thảm họa này một lần nữa cho thấy, cơn thịnh nộ của thiên nhiên nhiều khi có sức tàn phá vượt qua mọi sự chuẩn bị đối phó kĩ càng. Ước tính có khoảng 10.000 người Philippines thiệt mạng trong trận bão Haiyan vừa qua.
Một con tàu chở hàng bị đánh bật lên bờ biển Tacloban. (Ảnh: AP)
Về sự chuẩn bị, các cấp chính quyền Philippines đã tiến hành sơ tán người dân đến những nơi kiên cố sâu bên trong bờ biển. Một chiến thuật như vậy đã từng thành công cách đó vài tuần, khi mà cơn bão Phailin được cho là mạnh đổ bộ vào miền đông Ấn Độ, nhưng chỉ làm 25 người chết, trong khi có hàng nghìn người trú ẩn an toàn. Thế nhưng, điều mà chính quyền Phillipines không ngờ tới và không tính toán trước – đó chính là các cột sóng bão cao đến 6m quét qua Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte – nơi chịu thiệt hại năng nề nhất.
Ngoài những cái chết ở nơi tránh trú, còn phải kể đến những người mất mạng do phớt lờ cảnh báo sơ tán, bám trụ trong nhà phần vì lo sợ mất tại sản, phần vì chủ quan, đánh giá thấp mối hiểm nguy. Rene Alemendaras, phụ tá của Tổng thống Phillipines cho biết: “Tôi đã nói chuyện với người dân Tacloban, họ nói rằng đã sẵn sàng chống gió bão, nhưng lại không mấy để ý đến sóng dâng cao”. Giám đốc điều hành Tổ chức Chữ thập đỏ Philippines Gwendolyn Pang cho biết, thảm họa vừa qua cho thấy cần phải có một chiến dịch giáo dục cho người dân về sự phá hủy của sóng biển dâng do bão – với mức độ tàn phá như sóng thần.
Công tác di dời, phòng chống bão Haiyan ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. (Ảnh: AFP)
Ngoài yếu tố khách quan từ thiên nhiên mà cụ thể là nước biển dâng cao, năng lực đối phó và ứng cứu vừa qua tại Philippines còn có những hạn chế, liên quan đến các yếu tố chính trị. Nước này thiếu sự điều hành quyết liệt từ trung ương, trong khi thống đốc tại các tỉnh thành thì lại có được quyền tự chủ điều hành khi giải quyết các vấn đề của địa phương. Đây là điều mà Philippines không làm được như Việt Nam – một đất nước có nét tương tự như Phillippines – cũng phải hứng chịu hàng chục cơn bão mối năm, cũng có mật độ dân số đông. Tại Việt Nam, sự điều hành thống nhất từ chính phủ đến các tỉnh thành đưa đến một kết quả: mọi thông điệp, điều hành đều trực tiếp đến được người dân.