Reuters, CNN, BBC… dựng trường quay tại chỗ. Tuy nhiên, phóng viên Việt không thể nhờ vả họ, nhất là wifi vì tính cạnh tranh của họ rất cao. Giúp mình tức là giúp đối thủ – họ quan niệm thế.
Dưới đây là tường trình của phóng viên về hành trình tác nghiệp tại vùng đất đang hứng chịu nhiều mất mát và đau thương của đất nước Philipines.
Từ Hà Nội đi Tacloban chỉ có chuyến bay thẳng của Cebu Pacific. Nhưng một tuần chỉ có ba chuyến, khởi hành lúc 1h sáng ở HN, nên tôi bay vào SG, từ đó bay xuống Cebu, rồi bay tiếp vào Tacloban. Nói chung là phải mất đến hai ngày chỉ bay và ngồi vạ vật ở các sân bay.
Tại thời điểm tôi bay từ Cebu vào Tacloban, hành trình tương đối khó (Giờ thì bay dễ hơn hôm tôi vào một chút vì Cebu Pacific đã nối lại chuyến bay, sân bay đã dọn dẹp xong đường băng). Còn toàn bộ nhà ga, cảng hàng không đều đã tan nát.
Tuy nhiên, tôi không có cách nào rời khỏi Tacloban để quay trở lại Cebu trước 22/11 vì đi đường bộ mất hơn 100 km đến Ormoc (hiện giờ cũng tan nát như Tacloban, chỉ có số người chết ít hơn), sau đó đi phà biển 45 km về. Nhưng đi đường bộ rất nguy hiểm vì là đường độc đạo, cũng không có xe. Muốn thuê xe ra tốn tới gần 300 USD mà có thể gặp cướp bóc, đồng thời lại phải chen chúc để chờ phải mất khoảng 2 ngày.
Hiện có khoảng 600.000 người trên đảo muốn rời sang Cebu mà không có phương tiện đường bộ và cũng không có xăng. Ở đây người ta chỉ bán mỗi lần 500 peso tiền xăng. Xăng hiện giờ rất đắt. Tối qua theo thông báo, xăng đã lên khoảng 120 peso/lít mà cũng không có để mua.
Người dân chen chúc ở sân bay chờ đi nhờ máy bay quân sự sang Cebu. |
Trong khi chờ đợi ở Cebu, mọi người dân, taxi, bán hàng đều hỏi ở đâu đến, định đi đâu? Nghe nói đi Tacloban, lập tức họ hỏi luôn: Phóng viên à? Giờ vào Tacloban chỉ có PV và các tổ chức cứu trợ thôi. Vì vậy, khi ở sân bay, tôi bị trễ một chuyến nhưng bay chuyến sau, các nhân viên Cebu Pacific không những không bắt mua vé mới mà còn không thu thêm đồng phí nào. Hành lý cũng được đem thoải mái. Tôi đem theo 20 lít nước, 5kg táo ăn thay rau để dùng đến 22/11. Phải dùng hết sức dè sẻn.
Tại Tacloban: Đổ nát, hoang tàn vẫn như cũ nhưng người dân yên tâm hơn vì không còn cảm giác bị bỏ rơi do các PV quốc tế đến rất đông. Các chuyến bay vào Talcoban hiện chỉ có PV và các tổ chức cứu trợ. Đặc biệt, họ yên tâm vì máy bay trực thăng Mỹ bay liên tục trên bầu trời từ sáng đến đêm để đến các địa điểm hẻo lánh phát lương thực và chở người di tản.
Không điện, không nước là điều đương nhiên. Mấy hôm nay, các PV Việt Nam ở đây chỉ ăn lương khô. Các PV nước ngoài có điều kiện, họ dựng lều, mang theo máy phát điện, chảo vệ tinh… Hiện có hàng trăm PV quốc tế ở đây. Các hãng lớn như Reuters, CNN, BBC… còn dựng cả trường quay mini tại chỗ. Tuy nhiên, không thể nhờ vả họ, nhất là wifi vì tính cạnh tranh của họ rất cao, họ giúp mình tức là giúp đối thủ – họ quan niệm thế.
Tacloban hoang tàn, đổ nát
Không có bất cứ nơi nào bán thực phẩm nên các PV, kể cả Tây cũng đều phải đi kiếm củi, bắc bếp nấu mỳ ăn ngay trên bãi cỏ trước nơi mình ở. Tôi may mắn được ở ké một phòng hầm do các PV trước đã đến ở để giảm bớt chi phí. Tất nhiên tầng hầm này cũng không có điện.
Cảm xúc của tôi ở thời điểm hiện tại đó là: Tacloban thực sự là địa ngục. Thực ra thì tôi nghĩ, họ cũng giống dân miền Trung của mình, biết khổ mà không biết đi đâu vì không có tiền mà đi. Tacloban là thành phố nghèo, dù đối diện Thái Bình Dương nhưng nhà cửa hết sức tạm bợ, phần lớn nhà gỗ, mái tôn, hoặc nhà gạch tường 10 nên bay sạch. Nếu cơn bão này đổ vào Bắc bộ thì chưa chắc đã thấm gì.
Nguyễn Thành Lân – Tổng thư ký báo điện tử Người đưa tin
2013-11-17 19:48:08
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/phong-vien-viet-canh-tranh-quyet-liet-tai-philippines-a114714.html