ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Quyền lực ngầm trong các nhà tù Venezuela
Tuesday, November 5, 2013 0:30
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Hệ thống cai quản nhà giam của Venezuela năm 2012 được xem là tệ nhất trong vòng 14 năm trở lại đây. Đã có 591 tù nhân thiệt mạng và 1.132 người bị thương tại 34 nhà tù trong cả nước liên quan đến các vụ bạo lực, trong khi con số của năm 2011 là 560 người chết, 1.457 người bị thương.

Tổ chức Giám sát nhà tù Venezuela cho biết, 80% nhà tù ở nước này do các nhóm tù nhân vũ trang kiểm soát chứ không phải lực lượng an ninh.

Những cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra trong các nhà tù ở Venezuela

Humberto Prado, Giám đốc Tổ chức này cho biết hôm 16/9/2013 đã xảy ra một vụ đụng độ đẫm máu giữa các tù nhân xảy ra tại nhà tù Sabaneta ở thành phố Maracaibo thuộc tây bắc Venezuela, AFP đưa tin. Bộ trưởng quản lý nhà tù và phạm nhân Venezuela – bà Iris Varela sau đó đã xác nhận có 16 trường hợp tử vong và thông báo một cuộc điều tra đã được tiến hành. “Có 15 người bị giết chết trong vụ bạo lực trên và một người nữa cũng bị giết nhưng ở khu vực khác”, bà Iris Varela nói. Nạn nhân thứ 16 được cho là không liên quan trực tiếp vụ đụng độ nhưng cũng là một phần trong bạo lực nhà tù.

Tờ Reuters dẫn lời giới chức Venezuela cho biết một số quản trại được hối lộ để cung cấp các chất kích thích và vũ khí trái phép cho các nhóm tù nhân để chúng giành quyền kiểm soát nhà tù. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Iris Varela nói: “Thật là tồi tệ khi một số người không tôn trọng cuộc sống của chính mình”.

Khi đề cập đến những cai tù hoạt động kinh doanh, buôn bán vũ khí trái phép cho tù nhân, bà Varela cho rằng: “Họ (cai tù) đã gây ra các cuộc đụng độ chết người trong nhà tù, và giờ đây họ đang hành động như không có điều gì xảy ra”.

Theo AFP, Tổ chức Giám sát nhà tù Venezuela và truyền thông địa phương khẳng định, nguyên nhân vụ bạo lực tại Sabaneta là do sự tranh giành quyền kiểm soát của các băng đảng trong nhà tù, mà khơi nguồn là từ một cuộc ẩu đả. Theo những cơ quan này thì đụng độ giữa các tù nhân diễn ra trong nhiều giờ và một số nạn nhân bị chặt chân tay, thậm chí có người bị chặt đứt đầu. Các tù nhân sau đó đã được di chuyển tạm thời ra khỏi nhà tù Sabaneta, tờ BBC đưa tin ngày 30/9/2013.

Bộ trưởng Iris Varela cho hay bảo vệ nhà tù mới lục soát phân nửa nhà tù, nhưng đã phát hiện và tịch thu trên 22.000 băng đạn, 105 súng ngắn và súng trường, 2 khẩu súng cối, 5 quả lựu đạn, 75 con dao cùng 92 dao găm tự chế. Số vũ khí này được giấu trong những đường hầm sâu 15m dưới nhà tù này, cùng với 12kg ma túy và 135 điện thoại di động. Bà Varela cho biết thêm số vũ khí này được tuồn trái phép vào nhà tù và sẽ bị nấu chảy để lấy kim loại làm vật liệu xây dựng.

Bạo loạn diễn ra tại các nhà tù ở Venezuela.

BBC dẫn các số liệu thống kê của chính phủ cho hay Sabaneta là một nhà tù bạo lực nhất ở Venezuela với 69 người thiệt mạng tại đây trong năm 2013. Hiện nhà tù Sabaneta đang ở trong tình trạng quá tải với 3.700 tù nhân, trong khi nó chỉ được thiết kế xây dựng để giam giữ 750 người.    

Ngoài Sabaneta thì hầu hết các nhà tù khác tại Venezuela cũng đều rơi vào tình trạng quá tải và bạo lực chết người thường xuyên xảy ra với các băng đảng nhà tù trang bị nhiều vũ khí, trong đó có cả súng. Trước đó, ngày 25/1, đã xảy ra vụ xô xát giữa các tù nhân và cảnh sát tại nhà tù Uribana ở Barquisimeto, phía Tây Nam Venezuela.

Theo BBC, bà Iris Varela khẳng định vụ bạo loạn nổ ra tại nhà tù Uribana sau khi các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin lực lượng quân đội sẽ được phái tới nhà tù này để truy tìm vũ khí bất hợp pháp. Bà Varela cho biết các nỗ lực nhằm “tước hoàn toàn vũ khí” của các tù nhân đã được thực hiện sau khi có những dấu hiệu cho thấy “các băng đảng đang hoạt động trong khu trại giam đã lên kế hoạch sẽ tính sổ với nhau”.

Theo hãng tin AFP, những hình ảnh trên truyền hình cho thấy các binh sỹ thuộc lực lượng Cảnh vệ quốc gia Venezuela đã bao vây khu trại giam trong khi các tù nhân với quần áo bê bết máu được đưa ra ngoài. Đằng sau rào chắn, người nhà của các tù nhân, hầu hết là phụ nữ, đứng đợi tin tức về người thân. Không ít người đã bật khóc.

Carmen Garcia đã tìm kiếm tin tức của con trai Edilso Rodriguez, người được đưa trở lại tù sau khi được chữa trị vì một vết đạn bắn. “Chúng tôi không thể tìm được bất kỳ ai có thể đưa ra cho chúng tôi một lời giải thích” – bà nói – “Hiện trường giống như trong một bộ phim chiến tranh, với xe tăng lăn bánh và các vụ nổ súng diễn ra. Khói túa ra rất nhiều”.

Ông Ruy Medina – giám đốc bệnh viện trung tâm thành phố Barquisimeto tiết lộ hầu hết những người bị thương tại nhà tù Uribana do trúng đạn. Ban đầu số tù nhân thiệt mạng được ông Ruy Medina thông báo là 50 nhưng trong phát biểu mới nhất với hãng tin AP, ông cho biết con số này hiện lên tới 61 người bao gồm tù nhân, cai ngục và nhân viên làm việc trong nhà tù. Khoảng 120 người khác bị thương trong đó có 45 người phải nhập viện.

Ngay sau khi thông tin về vụ bạo loạn được công bố, các đảng phái đối lập tại Venezuela đã lên tiếng công kích chính phủ với cáo buộc buông lỏng kiểm soát hệ thống nhà tù. “Họ sẽ đổ lỗi cho ai trong vụ thảm sát này?”, Henriques Capriles, người từng thua trong cuộc chạy đua vào chức Tổng thống với ông Hugo Chavez hồi năm ngoái viết trên Twitter. “Chính phủ hoàn toàn bất lực và vô trách nhiệm”.

 Tình trạng nhà tù quá tải, tệ nạn tham nhũng… tạo đà cho các thế lực ngầm   

Humberto Prado – Giám đốc của Trung tâm giám sát các nhà tù Venezolano (OVP), đơn vị có nhiệm vụ giám sát các nhà tù trong cả nước ước tính Venezuela có 34 nhà tù, trong đó Nhà nước chỉ kiểm soát 6 nhà tù. Số còn lại do các tù nhân phụ trách.

Trong những trường hợp như vậy, các tù nhân có thể có rất nhiều vũ khí hạng nặng. Các vụ đấu súng thường xuyên nổ ra giữa họ và lực lượng an ninh quốc gia. Tình trạng mất quyền kiểm soát khiến chính phủ hầu như không thể xác định có bao nhiêu tù nhân trốn thoát khỏi các nhà tù ở Venezuela.

Bên cạnh các cách trốn thoát như nhảy qua tường rào, đào các đường hầm, bắn các nhân viên an ninh sau đó trốn thoát, các tù nhân có một cách ít rủi ro hơn để trốn thoát: Đó là hối lộ. “Trong thời kỳ mà hệ thống trại giam Venezuela mất kiểm soát một cách trầm trọng, chúng ta có thể nhìn thấy các tù nhân thản nhiên đi bộ ra khỏi cửa”, ông Carlos Nieto, thuộc nhóm vận động vì quyền lợi của tù nhân, cho biết.

Điều này thường xảy ra sau khi các tù nhân trả tiền hối lộ từ 80.000-200.000 Bolivares (18.500 – 46.500 USD). Tù nhân được trang bị rất nhiều vũ khí qua sự thông đồng với các nhà chức trách. Thông qua tham nhũng hoặc do sơ suất, mỗi nhà tù được đặt dưới sự kiểm soát của một “Pran” – một thủ lĩnh băng đảng nhà tù – người yêu cầu các tù nhân khác phải hối lộ tiền cho mình hàng tuần để đổi lấy sự bình yên.

Theo nhóm này, những người không trả tiền phải làm tất cả các công việc của các tù nhân khác hoặc thậm chí là bị giết. “Pran sử dụng tiền này để hối lộ và nhận được vũ khí nhưng họ cũng làm những việc vì lợi ích của các tù nhân”, ông Nieto nói.

Nhà tù San Antonio tọa lạc tại đảo Margarita, thuộc bang Nueva Esparta của Venezuela – địa danh nổi tiếng với bãi biển tuyệt đẹp hút du khách, là thiên đường đối với những tù nhân. Nhà tù này còn trở thành địa điểm giải trí có thể tìm thấy mọi thứ, từ vũ khí đến ma túy, rượu, mại dâm.

“Pran” của nhà tù này là Teofilo Rodrigues hay còn gọi là El Conejo (nghĩa là gã nghiện cà rốt). Rodrigues từng là một tay buôn lậu thuốc phiện. Nhờ Rodrigues, điều kiện của nhà tù đã cải thiện hoàn toàn. Tuy vậy, El Conejo cũng đặt ra điều luật cho những kẻ bất tuân. Trong tù có rất nhiều súng đạn để trừng phạt những kẻ bất tuân đó. El Conejo cũng được coi là một người khá tàn ác khi thực hiện trừng phạt.

Ở đây, các tù nhân được hưởng nhiều đặc lợi, có công việc và tiền thật. Có những hiệu cắt tóc, có bán thuốc, câu lạc bộ đấm bốc và có cả bài bạc. Những người tù là người đặt ra nội quy, từ việc nấu món ăn yêu thích đến xem chương trình TV gì, lướt web trên laptop đến cả quản lý những việc kinh doanh trái phép bằng điện thoại di động. Các tù nhân được phép đi bất kỳ đâu tùy thích miễn là vẫn ở trong khuôn viên của nhà tù.

Thậm chí các tù nhân còn được đi chụp ảnh như đi du lịch. Tù nhân thích thì nằm dài trong phòng máy lạnh xem tivi. Vợ và con cái, người yêu được đến thăm thoải mái. Con cái của tù nhân cũng có thể chơi bóng hoặc đi bơi trong tù. Cuối tuần, nhà tù mở cửa cho khách tham quan muốn vào đây chơi. Ở khu trại tù này còn xây cả một nhà phụ gồm 54 phòng dành cho phụ nữ từ năm 2009. Họ để phòng trường hợp các tù nhân muốn ân ái.

Các tù nhân mới đây khai trương một vũ trường có tên là “Yacht Club” với sức chứa 600 người với “âm thanh chuyên nghiệp, ánh sáng lung linh, điều hòa nhiệt độ, các vũ nữ thoát y, các cô gái chơi bời và mọi loại đồ chơi”, các tù nhân viết trong giấy mời dự đêm khai trương, tờ El Universel đưa tin. Bữa tiệc có sự tham gia của bạn bè, người thân các tù nhân. Những tên tội phạm đã gửi giấy mời cho khách thông qua tin nhắn mạng xã hội

Theo AFP, Venezuela nổi tiếng với những nhà tù trong tình trạng tồi tệ, đặc biệt nó là một trong những nước có số tù nhân quá tải đông nhất Mỹ Latinh. Mặc dù sức chứa tại các nhà tù chỉ ở mức 14.000 phạm nhân nhưng hiện có tới gần 50.000 tù nhân đang bị giam giữ. Đó cũng là một trong các nguyên nhân thường xuyên có những vụ bạo động nhà tù ở nước này.

Thu Hà- Linh Lan

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.