Ở mảng hàng tiêu dùng do công ty Masan Consumer quản lý, doanh thu quý 3 đạt được 3.235 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành hàng gia vị bao gồm nước mắm, nước tương và tương ớt ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn bình quân khi tăng 22,6%.
Ở ngành hàng mì ăn liền, trong quý vừa qua, Masan Consumer đã tung ra một sản phẩm chiến lược mới là mì Sagami ở phân khúc đại chúng – mảng thị trường có quy mô lên đến 500 triệu USD.
Dù được phát hiện là trùng tên với một loại bao cao su thịnh hành ở Nhật Bản nhưng việc tung ra sản phẩm này dường như là một bước đi thành công nữa của Masan trong thị trường mì ăn liền.
Theo công bố của Masan Consumer, thì đến cuối quý 3, thị phần mì ăn liền của công ty đã tăng lên gần 30% so với mức 21% vào quý 2/2013. Danh mục sản phẩm chính trong ngành này gồm có Omachi, Sagami và Kokomi – tương ứng các phân khúc cao cấp, đại chúng và bình dân.
Đến giữa năm 2014, mục tiêu của Masan là chiếm lĩnh 40% thị phần mì ăn liền.
Theo báo cáo của Euromonitor, tính đến cuối năm 2012, Acecook chiếm 51,5% thị phần; Masan chiếm 16,5% và Asia Food chiếm 12,1% thị phần mì ăn liền (theo khối lượng). Doanh thu mì ăn liền năm 2012 của Masan Consumer đạt 3.400 tỷ đồng.
Sau khi thành công với mì ăn liền, Masan Consumer đang nhắm đến phân khúc sản phẩm gạo bằng việc ra mắt cháo ăn liền B’fast.
Ở ngành còn lại là đồ uống, Masan Consumer hiện nắm giữ cổ phần chi phối tại Vinacafe Biên Hòa và Nước khoáng Vĩnh Hảo.
Doanh thu của Vinacafe Biên Hòa tăng trưởng 8% trong quý 3 và tính chung 9 tháng đầu năm tăng 4%. Lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng trưởng 40% so với cùng kỳ nhưng tính chung 9 tháng lại giảm 24% do đẩy mạnh chi cho hoạt động bán hàng.
Trả lời trên báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Lê Trần Quang Nhựt, Trưởng nhãn hàng mì gói Sagami, cho biết: Thương hiệu bao cao su Sagami không phải là sản phẩm quen thuộc và phổ biến tại Việt Nam, nên Masan không xem việc trùng tên này là một sự cố. Masan cũng đã khảo sát tên gọi này trước khi chính thức tung ra thị trường. |