Sinh viên các trường ĐH, CĐ từ Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… rồng rắn thuê xe về Hà Nội để chụp ảnh kỷ yếu. Sinh viên ở Hà Nội lại ngược hướng đi lên núi, xuống biển. Xung quanh “mốt” giã biệt giảng đường này cũng có nhiều chuyện bi hài.
Rồng rắn đi chụp ảnh kỷ yếu
Chụp ảnh kỷ yếu trước khi tốt nghiệp đã trở thành “phong trào” của sinh viên tất cả các trường ĐH, CĐ kể từ 2 năm trở lại đây. Thường thì tháng 6 sinh viên mới ra trường, nhưng “mùa” chụp ảnh lại rậm rịch từ tháng 9, tháng 10. Cứ đến thời điểm này, các địa điểm du lịch, các di tích như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Bác… lại đông nghìn nghịt sinh viên với vest đen, áo dài rực rỡ. Nhiều lớp cầu kỳ không ngại đường xa còn đầu tư thuê xe lên tận Thành cổ Sơn Tây, đền Đô (Bắc Ninh) hay Đại Lải, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để chụp ảnh kỷ yếu.
Hình ảnh “giã biệt thời SV”. Ảnh Tùng Anh
Nguyễn Phương Giang – sinh viên năm cuối ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Hầu như tất cả các lớp đều chụp ảnh kỷ yếu, mới đầu chỉ nghĩ chụp để lưu lại kỷ niệm đẹp thời sinh viên thôi, nhưng rồi khi lên kế hoạch chụp cứ bị cuốn đi theo phong trào: Lớp này chụp được nhiều kiểu đẹp, lớp kia tìm được địa điểm độc đáo… thế là thành chạy đua tìm địa điểm, thuê trang phục, tạo dáng làm thế nào để không thua kém lớp bạn. Cứ như “chạy đua vũ trang” ấy”.
Để có mặt tại Bảo tàng Quân đội ngày 9.11, các SV lớp Sư phạm tiểu học – Trường ĐH Sư phạm II (Vĩnh Phúc) đã phải bắt xe khách đi từ sáng sớm. Nguyễn Thị Linh cho biết: “Các bạn trong lớp đều muốn xuống Hà Nội vào các khu di tích để chụp cho vừa đẹp vừa ý nghĩa nên đã góp tiền, chuẩn bị đồ từ hôm trước. Từ sáng bọn em đã chụp được tại Văn Miếu, Hoàng thành, giờ đến Bảo tàng Quân đội và kết thúc ở Lăng Bác nữa là xong”. Linh cũng cho biết, trước đó lớp cô đã có một buổi chụp tại trường và hồ Đại Lải.
Trong buổi chiều 9.11, PV Dân Việt cũng đếm được ít nhất 15 xe biển các tỉnh chở SV về… chụp ảnh.
Anh Vũ Mạnh Hùng – tài xế lái xe chở SV Đại học Thành Đô (thị trấn Nhổn, Hà Nội) cho biết: “Thời gian gần đây, tôi liên tục chở SV trường này đi chụp ảnh kỷ yếu. Phong trào này rộ lên như là “mốt”, lớp nào cũng áo dài tung bay, thuê xe trọn gói đi khắp nơi chụp ảnh”. Giá thuê xe mà anh Hùng lấy “mềm” là 2 triệu đồng/ngày.
“Ăn chơi nhất” có lẽ phải kể đến lớp Luật Kinh tế của ĐH Luật Hà Nội. Một sinh viên lớp này cho biết, mỗi bạn trong lớp đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để vừa đi chơi vừa chụp ảnh kỷ yếu từ Hà Nội lên Mai Châu (Hoà Bình) qua Tam Đảo (Vĩnh Phúc) rồi về Thành cổ Sơn Tây.
Các dịch vụ hốt bạc
Đánh trúng tâm lý này, nhiều dịch vụ ăn theo đã “hốt bạc” mỗi mùa kỷ yếu. Nhiều SV nhanh nhạy cũng bắt tay vào “kinh doanh”, SV nữ thì làm dịch vụ trang điểm, móc nối thuê áo dài, áo cử nhân và vest. SV nam thì hành nghề chụp ảnh.
Sinh viên thuê thợ chụp ảnh để tổ chức chụp ảnh kỷ yếu tại Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Lê An
Nguyễn Văn Minh – cựu SV Trường ĐH Xây dựng cho biết, trước khi ra trường vào tháng 6.2013, Minh đã “hành nghề” chụp ảnh kỷ yếu được gần 2 năm và hiện nay tân kỹ sư cầu đường này vẫn chụp ảnh kỷ yếu kiếm tiền thay vì đi xin việc đúng ngành đào tạo. Minh cho biết: “Mỗi mùa kỷ yếu, nhóm em cũng kiếm được kha khá nhờ làm trọn gói từ A tới Z”.
Minh cho hay, mỗi bộ ảnh kỷ yếu có giá dao động từ 2 – 3 triệu đồng, với 2 – 3 thợ chụp. Chưa kể thường các SV cũng lấy ảnh lẻ, chụp khoảng 40 – 60 ảnh tập thể cỡ 13x18cm thì ảnh cũng được in ra con số tương ứng để trả cho mỗi người. Lớp nào muốn làm album ảnh kỷ yếu thì giá phải lên đến 4 – 5 triệu đồng trọn gói, nhưng thường rất ít lớp làm vì nếu làm album sẽ không biết để ai giữ.
Nguyễn Hoài Nam – “phó nháy” SV của Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Với giá như vậy thì một lớp khoảng từ 40 – 60 bạn, số tiền bỏ ra khoảng chưa đến 100.000 đồng/bạn, nhưng giá các dịch vụ đi kèm thì nhiều hơn, có khi lên đến tiền triệu”.
Theo tính toán của Nam, SV nữ thường sẽ phải mất thêm khoảng 80.000 – 100.000 đồng tiền thuê áo dài, khoảng 100.000 đồng tiền trang điểm và làm tóc (nếu muốn chuyên nghiệp), SV nam thì cũng tốn khoảng chừng ấy cho áo vest và áo cử nhân. Không kể tiền vé vào các khu di tích cũng dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/người, tiền ăn trưa, liên hoan… Lớp nào cầu kỳ còn thuê xe đến các địa điểm khác nhau thì số tiền mỗi người phải chi ít nhất cũng 300.000 đồng, nhiều cũng khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người”.
Cô Trần Thị Dung – giảng viên Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội cho biết: “Những năm trước, sinh viên năm cuối ra trường ngày nhận bằng tốt nghiệp chỉ thuê bộ đồ cử nhân về tự chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Vậy mà mấy năm gần đây, phong trào này phát triển rầm rộ, biến tướng và trở nên tốn kém. Tôi vẫn thường khuyên các em năm cuối không nên chi quá nhiều tiền cho hoạt động này. Thời điểm này lại sắp thi học kỳ, nếu mất nhiều thời gian cho kỷ yếu sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”.
V.T.H.L – sinh viên ĐH Thương mại, vừa có buổi chụp ảnh kỷ yếu với bạn tại Thành cổ Sơn Tây – cho biết: Gia đình L thuộc diện hộ nghèo nên không thể xin bố mẹ tiền đi cùng bạn bè chụp ảnh kỷ yếu. Tuy nhiên, đây là hoạt động tập thể, cũng là kỷ niệm đáng nhớ thời SV, không đi không được nên L đành phải vay mượn để có tiền đi cùng các bạn.
2013-11-09 19:32:11