ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: phunutoday.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Sự sống diệu kỳ của chú tiểu ra đời chỉ nặng 400 gram
Tuesday, November 26, 2013 5:06
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Làm Mẹ) – Tên thật của chú tiểu Thích Nhuận Pháp- kỷ lục gia thư pháp “nhí” là Nguyễn Duy Phương Phương là một trong hai trường hợp hiếm hoi của y học Việt Nam may mắn sống sót khi chào đời chỉ với cân nặng hơn 400 gram.

chú tiểu, kỉ lục gia thi pháp

Chú tiểu Thích Nhuận Pháp đang say sưa bên những con chữ.

Từ một đứa trẻ ốm yếu, tưởng khó có thể sống được, nhưng với sự chăm sóc của mẹ và nghị lực của bản thân, Phương giờ đã là một chú tiểu – một kỷ lục gia trong giới thư pháp được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Ông đồ nhỏ nhất Việt Nam”.

Sự sống diệu kỳ của hài nhi 400 gram

Lúc mang bầu, bà Đinh Thị Anh (SN 1963, quê Bình Định, ngụ số 39 đường Trần Phú, phường 4, quận 5, TPHCM) vui mừng khôn tả khi biết mình có thêm một đứa con trai. Mở mắt sau cuộc vượt cạn chưa được bao lâu thì nỗi lo ập đến với bà khi biết Phương (SN 1985) – đứa con mình sinh ra quá sức khác thường, chỉ cân nặng hơn 400 gram. Thấy con quá nhỏ, lại có một làn da mỏng manh, nhìn rõ từng mạch máu đang chảy trên thân thể, bà lo lắng khôn cùng. Rồi bà bắt buộc phải đối diện với những khó khăn tưởng chừng như rất đơn giản.

Miệng Phương quá nhỏ nên không thể bú sữa trực tiếp từ mẹ, một phần sữa mẹ quý giá phải bỏ đi vì cháu chỉ có thể uống được từng chút sữa bằng cách bón một ít một. Ngày tháng trôi qua, sức khỏe của Phương dần dần ổn định. Thấy đứa con bé bỏng lớn lên theo năm tháng, bà vui mừng khôn xiết. Như muốn làm mẹ vui, Phương không chỉ ít ốm đau mà còn mau chóng biết đi, biết nói. Mới 7 tháng, Phương đã biết vịn vào thành giường để cất những bước đi đầu tiên trên đôi chân bé xíu. Lên 12 tháng, Phương bắt đầu bập bẹ tiếng “mẹ”, tiếng “ba”. “Thấp bé nhẹ cân hơn bạn cùng trang lứa, sợ các cháu sẽ va phải, nên tôi đành để con trong nhà cho an toàn” – mẹ Phương kể.

chú tiểu thích nhuận pháp, thư pháp

Chú tiểu Nhuận Pháp với tác phẩm thư pháp của mình.

Thấy hình dáng con nhỏ bé khác thường, dù muốn đưa con đi khám từ sớm, nhưng bà Anh đành chịu vì gia cảnh nghèo khó. Mãi sau, bà mới vay đủ tiền đưa con vào TPHCM để các bác sĩ chẩn đoán. Qua thăm khám, các vị bác sĩ đầu ngành nhi học cho rằng đây là một trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Với chỉ vỏn vẹn có 400 gram khi chào đời thì khả năng phát triển cơ thể, trí tuệ của Phương sẽ rất hạn chế. Theo các bác sĩ, trên thế giới hiếm có trường hợp nào trẻ sinh ra với 400 gram có thể sống qua tuổi 13. Để dẫn chứng cho quan điểm của mình, các bác sĩ nêu ra trường hợp của anh Nguyễn Văn Toàn – sinh năm 1961 tại miền Bắc – cũng y như trường hợp của Phương nhưng, chỉ sống được đến 8 tuổi.

Thông tin do các bác sĩ cung cấp khiến vợ chồng bà choáng váng. Với họ, 2 đứa con trai là quan trọng nhất, hơn cả mạng sống của mình. Anh trai của Phương là Nguyễn Tuấn Chính sinh ra nặng 3,8kg, phát triển bình thường và thông minh. Không biết Phương có thể sống được bao lâu? Liệu lời tiên đoán của các bác sĩ và khoa học có ứng với số phận của đứa con trai tội nghiệp của bà không? Đau đáu với những câu hỏi về tương lai của con, bà quyết làm tất cả mọi việc có thể để con mình có thể vượt qua được số phận.

Khi Phương lên 7 tuổi, bà dẫn cháu lên chùa để khai tâm, gặp các sư phụ để nghe kinh, tập niệm Phật, hy vọng có được tinh thần thư thái. Năm Phương lên 12 tuổi, điều kiện kinh tế gia đình lúc này cũng đã bớt khó khăn khi ông bà phát triển được một cơ sở làm khung tranh ở quận 5, TPHCM. Cái con số 13 ngày nào ám ảnh cả gia đình nói chung và với số phận của Phương nói riêng nay đã trở thành một điều bình thường khi bà tâm niệm: “Đời người không thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử của tạo hóa, nên tôi cũng chẳng lấy làm lo lắng nữa”.

Để con có một cuộc sống bình thường, được làm những việc có ích cho đời, bà để Phương ở lại chùa để các sư phụ kèm cặp, dạy chữ. Dần dần, thấy con có sự thích nghi, lại có tiến bộ trong suy nghĩ và sức khỏe, bà và chồng yên tâm rằng con mình sẽ vượt qua được con số 13 định mệnh. 14, 16 rồi 20, 25 và đến bây giờ là 28 tuổi, đứa con trai thương yêu của bà không chỉ phát triển bình thường, mà bằng sự cố gắng của mình đã thành một kỷ lục gia của môn viết thư pháp, sánh ngang hàng với các kỷ lục gia trên mọi miền đất nước.

Kỷ lục gia tí hon của môn thư pháp

Xuất gia từ nhỏ với thân hình tí hon, Phương được các sư phụ đặt cho pháp danh Nhuận Pháp. Thấy đệ tử nhỏ bé, các sư phụ để Phương làm những công việc vặt hằng ngày như quét lá đa, pha trà… Để nâng cao sức khỏe, các sư phụ dạy võ cho Phương. Những bài quyền, những thế di chuyển được Phương thực hiện thành thục sau một thời gian luyện tập dù Phương chỉ cao có 91cm và nặng có 13kg.

kỉ lục việt nam, thư pháp, chú tiểu

Bên người mẹ hiền.

Bắt đầu từ những động tác đơn giản như đứng tấn, ra tấn, Phương đều thực hiện được dù thân hình nhỏ bé cũng là một cản trở không nhỏ. Thấy trò ham thích, các thầy lại cho tập những động tác cao hơn, đòi hỏi độ khó hơn, Phương đều vượt qua. Rồi những bài quyền bằng tay, những bài múa gậy…, dần dần chú tiểu tí hon được các thầy truyền dạy hết.

Nói chuyện với chúng tôi, Phương kể: “Tôi được các sư phụ, sư huynh dạy võ để rèn luyện tự rèn luyện. Các sư phụ nói rằng, học võ để được có sức khỏe tốt, có sự phản xạ lanh lẹ với mọi diễn biến xung quanh. Suốt hơn 15 năm được các sư phụ truyền dạy, tôi cũng đã học qua được nhiều trường phái võ thuật rồi”. Khi chúng tôi yêu cầu Phương múa cho một bài quyền, chú không ngần ngại biểu diễn ngay. Những bài quyền bằng tay, bằng gậy được Phương thực hiện thành thục, có hồn. Những động tác múa gậy nhanh, khỏe làm cho người xem phải thán phục trước sự cố gắng của chú tiểu bé nhỏ này.

Ngoài khả năng về võ thuật, Phương cũng nổi danh với tài viết thư pháp. Những chữ mà Phương thích viết nhất là chữ “Phật”, chữ “Tâm”, chữ “Nhẫn”. Nhìn những tác phẩm Phương viết treo trên tường, khó ai có thể nghĩ rằng đó là tác phẩm của một chú tiểu nhỏ bé. Phương tâm đắc nhất là tác phẩm thư pháp “Chú Đại Bi” bởi nó được các sư phụ đánh giá cao về nghệ thuật cũng như sự cố gắng vượt bậc của đệ tử.  Để có được kết quả như ngày nay, ngoài nỗ lực của cá nhân Phương, còn có sự giúp đỡ của các sư phụ ở chùa, sự chăm nom kiên trì, bền bỉ của người mẹ hiền.

Có một chuyện lạ là Phương đã có khả năng viết thư pháp ngay từ khi chưa biết chữ. Trong quá trình sống cùng các sư phụ trong chùa, Phương được các thầy dạy cho cách cầm bút, những nét ngang, nét dọc… Dần dần, chú tiểu Nhuận Pháp đã thành thục, tự tạo cho mình những tác phẩm thư pháp làm say đắm biết bao người. Trong cuộc hội ngộ của các ông đồ ở thành phố Vũng Tàu đầu năm 2013, chú tiểu Thích Nhuận Pháp là một nhân vật nổi trội với tư cách là ông đồ nhỏ nhất Việt Nam. Nhỏ bé là thế, nhưng những tác phẩm của chú khiến khách thưởng lãm phải bất ngờ. Với đường nét dứt khoát, gọn gàng, những tác phẩm của Nhuận Pháp đã chứng tỏ sự nỗ lực vượt bậc của một tấm gương vượt qua số phận làm đẹp cho đời.

Cậu bé tí hon ngày nào giờ đã là một kỷ lục gia văn võ song toàn. Bà Anh bộc bạch: “Thấy con vượt qua được số phận, tuy không lao động tạo ra của cải nhưng cũng là những chuyện giúp ích cho đời, tôi rất vui và tự hào. Ngày con được công nhận là kỷ lục gia, tôi vui mừng khôn xiết với thành quả mà đứa con bé bỏng đạt được trong đời”.

Tạm biệt chú tiểu Thích Nhuận Pháp, chúng tôi ra về. Nhìn hình dáng bé nhỏ của Phương trong chiếc áo nâu sồng nhà Phật đang đưa bàn tay bé nhỏ vẫy chào tạm biệt, chúng tôi thầm cảm phục. Phương là kỷ lục gia của môn thư pháp; nhưng hơn thế, Phương còn là kỷ lục gia của sự cố gắng không ngừng của những người kém may mắn.

Theo Lao động

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.