(Thời báo Kinh Doanh) – Sau gần hai thập kỷ chờ đợi mức thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam phù hợp để mua xe ô tô, các nhà sản xuất trong đó có Toyota Motor Corp và Ford Motor Co đang phải đối mặt với hàng nhập khẩu rẻ hơn.
Mức thuế 60% hiện tại của Việt Nam dành cho mặt hàng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á sẽ được xóa bỏ vào năm 2018. Do không thể chế tạo được các phụ tùng chủ chốt, chi phí sản xuất xe hơi ở Việt Nam cao hơn so với các nơi khác trong khu vực, thông qua thuế đối với linh kiện nhập khẩu, ông Met Arias, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiêm Giám đốc Điều hành Ford Việt Nam nói.
Theo kế hoạch của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô sẽ là đầu tàu để thúc đẩy Việt Nam thành một “quốc gia công nghiệp hiện đại” vào năm 2020. Dù vậy, với việc các loại thuế bảo hộ sắp sửa bị bãi bỏ, động lực của các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam đang bị giảm sút đáng kể, ngay cả khi tầng lớp trung lưu giờ đây đã có đủ thu nhập để sở hữu ô tô.
Thời gian quá ngắn
Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Toyota Motor Việt Nam cho rằng 5 năm là khoảng thời gian rất ngắn cho các nhà sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô và phụ trợ như hiện tại.
“Dựa trên số liệu doanh thu năm ngoái, 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu có nhà máy tại Việt Nam (Toyota, General Motors, Ford, Suzuki Motor Corp và Mercedes-Benz), nếu Chính phủ không cải thiện đáng kể tình hình cho các nhà sản xuất trong nước, các nhà máy có thể phải đối diện với nguy cơ đóng cửa sau năm 2018″, ông Michael Behrens, Giám đốc Điều hành Công ty Mercedes-Benz Việt Nam cho hay.
Ông Arias cho rằng nhập khẩu sẽ rẻ hơn so với ô tô sản xuất trong nước khi mà thuế được dỡ bỏ, trừ khi Chính phủ có những biện pháp thay đổi, chẳng hạn như cắt giảm thuế các linh kiện không có sẵn tại Việt Nam. Ô tô sản xuất tại Việt Nam phải có khả năng cạnh tranh với Thái Lan, quốc gia có nhiều xe ô tô được sản xuất trong khu vực thương mại tự do và nhiều linh kiện được chế tạo ngay trong nước hoặc không chịu thuế nhập khẩu.
Theo nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước dự kiến loại bỏ các loại thuế nhập khẩu. Việt Nam cần các biện pháp kịp thời để tránh trở thành một quốc gia chuyên nhập khẩu ô tô.
Cuối tháng 11/2013, Hãng Toyota cho biết, họ sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường mới nổi bằng cách tăng cường sản xuất ở Thái Lan, nơi đã xuất khẩu sang các nước trong khu vực bao gồm Indonesia, Malaysia và Philippines.
Cạnh tranh từ Thái Lan
Nhà máy General Motors tại Thái Lan đã xuất khẩu ô tô đến 77 thị trường trên thế giới và có dây chuyền có thể sản xuất ra cả ô tô có vô lăng bên trái và bên phải, theo trang web Detroit của công ty.
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn ưa chuộng xe máy. Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính đến tháng vừa qua, Việt Nam có hơn 38 triệu xe máy đang lưu thông, tăng 6% so với năm ngoái. Chỉ có khoảng 2 triệu xe ôtô đang được đăng ký.
Theo dữ liệu từ Toyota Motor Thái Lan, doanh số bán ô tô tại Thái Lan, với dân số 67 triệu người, đã đạt khoảng 1,43 triệu chiếc trong năm 2012.
Trong khi đó, theo ước tính của Ford, Việt Nam, với 89 triệu người, doanh số xe mới bán ra sẽ tăng khoảng 17%, đạt mức 109.000 xe trong năm nay.
“Tình hình hiện tại phản ánh các mục tiêu khác nhau của Chính phủ có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ôtô trong nước. Bộ Tài chính thì đang áp dụng chính sách thuế, chủ yếu liên quan đến doanh thu, trong khi các cơ quan khác của chính phủ lại muốn cắt giảm thuế”, ông Arias nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan giám sát việc cấp phép các dự án nước ngoài, trích dẫn ngành công nghiệp ô tô như một ví dụ về chính sách không nhất quán gây ảnh hưởng tới các nhà đầu tư từ nước ngoài.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đang có những lo ngại về tác động của việc tăng lượng xe lưu thông lên môi trường và điều kiện giao thông.
“Các nơi như Bangkok, Singapore, Đài Loan đều giới hạn phương tiện cá nhân. Đối với Việt Nam, do mức độ phát triển cơ sở hạ tầng còn thấp, chúng ta phải đẩy nhanh sự phát triển của giao thông công cộng”, ông Đông nói.
Ông Arias cho rằng bất kỳ kế hoạch mới nào nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô cũng nên đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của quốc gia và đáp ứng các quy định của WTO, đồng thời cũng nên tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp thông qua cắt giảm thuế. Chính phủ Việt Nam cần phải giảm bớt chi phí kinh doanh.
Chí Hiếu (Theo businessweek)
2013-11-04 00:14:31