Theo giải thích của đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng, việc quy định nộp tiền để được tồn tại các công trình trái phép này xuất phát từ thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM, khi xuất hiện những công trình xây dựng vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể tháo dỡ vì nhiều lý do. Trong khi chủ đầu tư chây ì thì cơ quan nhà nước cũng không xử phạt, không thu được khoản tiền nào.
Theo Nghị định 121/CP, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép được cấp trong trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đới với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với xây dựng nhà riêng lẻ ở đô thị; Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng; Xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị đã được cấp chứng nhận có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn phép xây dựng.
Sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
Theo Nghị định 121, số tiền nộp phạt “chuộc vi phạm” để không bị tháo dỡ được tính bằng 40% giá trị diện tích vi phạm, với công trình xây dựng thì tỉ lệ này là 50%. Việc nộp tiền phạt chỉ được áp dụng cho công trình thỏa mãn các điều kiện: Không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thầm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Theo Trí Thức Trẻ