Mauritania (châu Phi) là một đất nước của những cồn cát dài vô tận, tại đây ẩn chứa một bí mật: 10%-20% dân số của đất nước này hiện tại vẫn sống trong tình trạng nô lệ.
Thành trì cuối cùng của chế độ nô lệ
Moulkheir Mint Yarba trở về sau một ngày chăn thả dê cho gia đình ông chủ ở sa mạc Sahara. Cô về căn lều của mình và bắt gặp một cảnh không thể tưởng tượng được: Con gái của cô, quá nhỏ để có thể tự làm gì, đã bị bỏ ngoài trời cho đến chết.
Người mẹ da đen, gương mặt vô hồn, hai tay đan vào nhau như đang cố chịu đựng nỗi đau - bật khóc khi nhìn thấy khuôn mặt của con cô, đôi mắt mở to, kiến bu đầy giữa bãi cát màu cam của sa mạc Mauritania. Người chủ đã hãm hiếp Moulkheir khiến cô phải sinh con và giờ đây, hắn muốn trừng phạt nô lệ của mình. Hắn nói với Moulkheir rằng, cô ấy sẽ làm việc nhanh hơn nếu không phải chăm sóc đứa trẻ.
Trên mảnh đất này 10 – 20% người dân vẫn mang xiềng xích nô lệ.
Người mẹ đau khổ đã xin ông chủ một buổi nghỉ để chôn cất con gái mình nhưng nhận được câu trả lời lời: “Quay lại làm việc ngay. Linh hồn của cô là linh hồn của một con chó”. Moulkheir nhớ lại lời tên chủ nói.
Sau ngày hôm đó, tại nghĩa trang: “Chúng tôi đào một ngôi mộ và chôn đứa trẻ bọc trong quần áo của tôi, mà không tắm rửa hoặc làm các nghi lễ chôn cất. Tôi chỉ có nước mắt để tự an ủi mình”, cô kể với các nhà hoạt động chống chế độ nô lệ, bằng văn bản.
“Tôi đã khóc rất nhiều cho con gái và cho bản thân. Thay vì thông cảm, họ ra lệnh cho tôi phải câm miệng, nếu không, họ sẽ làm cho mọi việc tồi tệ hơn – xấu đến mức tôi không thể chịu đựng được”, Moulkheir nói.
Câu chuyện của Moulkheir được phóng viên của CNN ghi lại khi đoàn tới thăm Mauritania – một quốc gia khô cằn rộng lớn ở rìa phía Tây của sa mạc Sahara – nơi chế độ nô lệ được áp dụng phổ biến.
Ước tính có khoảng 10% - 20% 3,4 triệu người Mauritania bị bắt làm nô lệ – trong một “chế độ nô lệ thực sự”, theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về hình thức hiện đại của chế độ nô lệ. Có thể điều đó khó tin nhưng trên thực tế, Mauritania là quốc gia cuối cùng trên thế giới bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1981, gần 120 năm sau khi Abraham Lincoln ban hành Tuyên ngôn giải phóng tại Hoa Kỳ. Và mãi đến 5 năm trước đây, năm 2007, Mauritania mới thông qua một đạo luật hình sự hóa hành vi sở hữu người khác. Từ đó đến nay, chỉ có một trường hợp bị truy tố thành công.
Mauritania là một đất nước bị mắt kẹt trong thời đại một cách kỳ lạ và phức tạp. Nó hoàn toàn không cởi mở với người ngoài và tại đây, không ai được phép nói về chế độ nô lệ. Khi phải đối mặt với câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Brahim Ould M’Bareck Ould Med El Moctar nói: “Đất nước tôi là một trong những đất nước tự do nhất thế giới. Tất cả mọi người được tự do trong Mauritania và hiện tượng này (chế độ nô lệ) không còn tồn tại”.
Nếu bị bắt gặp nói về chế độ nô lệ với người ngoài, người cung cấp tin sẽ bị bắt và bị tra tấn. Khi phóng viên CNN gặp Moulkheir trong một văn phòng màu xám ở Nouakchott, Thủ đô bên bờ biển Mauritania, nơi các tòa nhà bê tông nằm rải rác trên sa mạc Sahara như Legos trong một hộp cát, đoàn CNN phải thuê bảo vệ đứng canh ở cửa để đảm bảo không có đại diện Chính phủ nào theo dõi họ.
Moulkheir Mint Yarba, người nô lệ dũng cảm.
Nô lệ: “Nghề” gia truyền
Moulkheir, chừng 40 tuổi, đội một chiếc khăn trùm đầu màu xanh tươi sáng phù hợp với trang phục. Cô đủ can đảm để nói câu chuyện của mình với tư thế đĩnh đạc và quyết tâm không khoan nhượng. Cô đã làm như vậy với hy vọng chủ cũ của cô sẽ được đưa ra công lý. Cô biết khi nói ra câu chuyện của mình cô có thể nguy hiểm và đặc biệt khi các phóng viên đề nghị đưa tên và chụp ảnh cô. “Tôi không sợ bất cứ ai”, cô nói.
Khi kể lại việc bị tra tấn, tù đày và trốn thoát, hai bàn tay cô ra hiệu kịch liệt nhưng đôi mắt cô vẫn kiên định. Nghe câu chuyện của cô có thể thấy rõ ở Mauritania, xiềng xích của chế độ nô lệ bao gồm cả tinh thần cũng như thể chất, phá vỡ chúng cần một quá trình lâu dài ngoài sức tưởng tượng.
Moulkheir sinh ra để làm nô lệ trong các sa mạc phía Bắc của Mauritania, nơi những đụn cát được điểm xuyết bằng những cây keo gai góc. Như những đứa trẻ nô lệ khác, cô nói chuyện với lạc đà thường xuyên hơn với người. Vì cả ngày cô ở trong sa mạc Sahara, chăn thả đàn vật nuôi của ông chủ. Cô dậy trước khi bình minh ló rạng và làm việc vất vả vào ban đêm, đập kê để làm thức ăn, vắt sữa chăn nuôi, làm sạch và giặt giũ. Cô không bao giờ được trả lương cho công việc của mình. “Tôi giống như một con vật sống chung với động vật”, cô nói.
Chủ nô ở Mauritania sở hữu hoàn toàn nô lệ của họ. Họ có thể gửi nô lệ đi theo ý muốn, và việc cho đi một nô lệ giống như tặng một món quà cưới. Moulkheir là một đứa trẻ như vậy, cô không bao giờ biết mẹ và cha của mình.
Hầu hết các gia đình nô lệ ở Mauritania bao gồm những người da đen mà tổ tiên từ thế kỷ trước đã bị bắt giữ bởi người Ả Rập có màu da sáng hơn. Nô lệ thường không được mua và bán – chỉ dùng làm quà tặng và ràng buộc suốt đời. Con cái của họ sẽ tự động trở thành nô lệ.
Tất cả những đứa con của Moulkheir được sinh ra trong chế độ nô lệ. Tất cả đều là kết quả của quá trình cô bị chủ nô hiếp dâm. Thế giới nhỏ bé của cô chỉ là làm nô lệ.
Chính phủ Mauritania đã làm quá ít để chống lại chế độ nô lệ. Bản thân Mauritania là một quốc gia rất lớn và phần lớn đất nước lại lẫn khuất trong sa mạc Sahara. Điều này làm cho việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn, bao gồm cả những người chống lại chế độ nô lệ. Sự bao la của đất nước đồng nghĩa với việc không thể thấy được những chủ sở hữu nô lệ nông thôn phần lớn sống du canh du cư. 44% người Mauritania sống dưới mức 2 USD/ngày.
Những cuộc phỏng vấn “bí mật” Phóng viên của CNN phải thực hiện hầu hết các cuộc phỏng vấn người nô lệ trong bí mật, thường vào giữa đêm và tại các địa điểm bí mật. Tuy nhiên, điều khó nhất là thực hiện các cuộc phỏng vấn này phải diễn ra dưới sự kèm cặp của Chính phủ, những người đã được giao đi cùng nhóm phóng viên để đảm bảo không ai đề cập đến chủ đề này. Lý do chính thức của các phóng viên CNN để vào Mauritania là làm báo cáo khoa học về bầy châu chấu, Chính phủ Mauritania hoàn toàn không biết kế hoạch của CNN là nghiên cứu chế độ nô lệ. Nếu phóng viên CNN bị bắt gặp nói chuyện với một người nô lệ trốn thoát như Moulkheir, họ có thể đã bị bắt giữ hoặc bị “ném” ra khỏi đất nước mà không được mang theo máy tính xách tay và máy quay. Điều này đã được cảnh báo rõ trong một cuộc họp với Giám đốc quốc gia của đài truyền hình, Mohamed Ould Yahya Haye, người đã nói với các nhà báo CNN rằng đã có nhiều phóng viên bị bỏ tù hoặc bị đẩy ra khỏi đất nước vì dám mạo hiểm làm điều này. |
Thanh Xuân (theo CNN)
2013-12-24 04:56:26
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bi-mat-cua-thanh-tri-no-le-cuoi-cung-tren-the-gioi-a119483.html