Thứ ba 10/12/2013 19:00
Một nghiên cứu gần đây cho biết, một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ gây ra một nạn đói trên toàn cầu và có thể giết chết hai tỷ người, chấm dứt nền văn minh nhân loại.
Ấn Độ phô trương vũ khí hạt nhân trong ngày độc lập ở New Delhi, tháng 1/2006. |
Thậm chí ngay cả khi chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, một cuộc xung đột có vũ khí hạt nhân sẽ tàn phá khí quyển và năng suất cây trồng, với hậu quả sẽ khiến thị trường lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, báo cáo của nghiên cứu nhận định.
Hiêp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW) lần đầu tiên công bố nghiên cứu của mình hồi tháng 4/2012 dự đoán về một nạn đói do chiến tranh hạt nhân có thể giới chết hơn một tỷ người.
Trong một bản chỉnh sửa sau đó, nhóm này cho biết họ đã đánh giá thấp những tác động ảnh hưởng ở Trung Quốc và tính toán rằng quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ phải đối mặt với an ninh lương thực.
” Một tỷ người chết trong thế giới đang phát triển rõ ràng là một thảm họa chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhưng nếu vào đó khả năng 1,3 tỷ người ở Trung Quốc có nguy cơ tương tự, chúng ta đang bước vào một cái gì đó rõ ràng như là sự kết thúc của nền văn minh nhân loại”, Ira Helfand, tác giả của báo cáo cho biết.
Helfand nói rằng nghiên cứu này xem xét Ấn Độ và Pakistan do những căng thẳng lâu dài giữa hai quốc gia cùng có vũ khí hạt nhân, đã trải qua 3 cuộc chiến tranh chính thức kể từ khi độc lập và phân vùng vào năm 1947.
Nhưng Helfand nói rằng hành tinh sẽ phải hứng chịu một tác động hủy diệt tương tự từ bất kỳ cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế nào. Vũ khí hạt nhân hiện đại mạnh hơn hẳn các quả bom nguyên tử của Mỹ đã giết chết hơn 200.000 người ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
“Với một cuộc chiến tranh lớn giữa Mỹ và Nga, chúng ta đang nói về – không nhất định, nhưng có thể sẽ xảy ra – sự tuyệt chủng của loài người”, Helfand nói, “Trong loại hình chiến tranh này, về mặt sinh học sẽ có những người còn sống sót ở đâu đó trên hành tinh. Nhưng hậu quả sẽ dẫn đến sự hỗn loạn ở mức độ mà chúng ta chưa nhìn thấy bao giờ”.
Nghiên cứu cho biết rằng các hạt carbon đen sẽ hòa vào bầu khí quyển trong một cuộc chiến tranh hạt nhân ở Nam Á sẽ làm giảm năng suất sản xuất ngô và đậu tương của Mỹ xuống 10% mỗi năm trong hơn một thập kỷ.
Các hạt carbon cũng sẽ làm giảm sản lượng gạo của Trung Quốc trung bình xuống mức 21% mỗi năm trong vòng 4 năm và thêm 10% trong 6 năm tiếp theo.
Nghiên cứu cập nhật cũng cho thấy tác động nghiêm trọng đối với lúa mì của Trung Quốc, một loại thực phẩm quan trọng của nước này mặc họ chủ yếu ăn cơm.
Sản lượng lúa mì của Trung Quốc sẽ giảm chỉ còn 50% trong năm đầu tiên sau khi cuộc chiến tranh hạt nhân kết thúc và dưới mức 31% mức cơ bản cần thiết sau một thập kỷ, báo cáo dự đoán.
Nghiên cứu cho biết nó không thể ước tính những tác động chính xác của chiến tranh hạt nhân. Ông Helfand kêu gọi tiếp tục nghiên cứu, bày tỏ quan ngại và báo động đến các hoạch định chính sách ở các cường quốc hạt nhân đã không tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về những tác động mà thứ vũ khí nguy hiểm này gây ra.
Cuối cùng, ông Helfand cho biết, câu trả lời duy nhất cho vấn đề là phải bãi bỏ vũ khí hạt nhân. “Đây là một thảm họa quá lớn về quy mô mà con người không thể phòng bị trước. Chúng ta phải ngăn chặn điều này”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết trong năm 2009 sẽ làm việc hướng tới bãi bỏ dần vũ khí hạt nhân, nhưng nói rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì ở một mức nhất định nếu như các quốc gia khác vẫn tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân của họ. Trên thế giới hiện có 9 quốc gia được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó Nga và Mỹ đang nắm giữ phần lớn.
Minh Anh
2013-12-10 04:08:14
Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/Chien-tranh-hat-nhan-co-the-khien-hai-ty-nguoi-chet-doi/124377.info