(Xã hội) – “Giờ họ thường không nấu rượu bằng ngô, sắn, gạo… nữa. Như thế lãi ít. Họ dùng cồn pha với nước lã là thành rượu, không tiêu thụ trong làng mà xuất ra bên ngoài”, ông Nguyễn Văn Tôn – Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) nói.
Rượu “đểu” được nấu và bán công khai
Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, quy định từ 1/1/2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; rượu phải đăng ký với địa phương…
Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, hiện nay ở hầu hết các địa phương, các lò rượu thủ công vẫn không quan tâm đến những quy định về giấy phép kinh doanh, nhãn mác…
Những ngày cuối năm 2013, mang dư âm của vụ rượu “độc” làm chết 6 người, chúng tôi tìm về làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của rượu kém chất lượng. Khi cái rét se lạnh đặc trưng của miền Bắc đã đổ về cũng là lúc người dân làng Đại Lâm chạy đua với thời gian “khuấy” cho ra thật nhiều rượu chuẩn bị phục vụ mùa Tết.
Những chai rượu không nguồn gốc xuất xứ như thế này rất có thể được sản xuất bằng cách pha chế cồn với nước.
Sở dĩ gọi là “rượu khuấy” vì các hộ sản xuất rượu ở làng Đại Lâm chỉ dùng cồn hòa với nước lã (nước giếng) theo 1 tỷ lệ nhất định, sau đó khuấy đều là trở thành “rượu quê”.
Ông Nguyễn Văn Tôn – Chủ tịch UBND xã Tam Đa – cho biết, nghề nấu rượu truyền thống của làng trước đây không còn nữa. Một số hộ trong làng hám lợi đã dùng nhiều loại men kém chất lượng để sản xuất rượu. Vài năm trước, họ còn dùng men Tàu, men tươi sau đó đổ trực tiếp vào gạo chỉ thời gian ngắn là nấu được, chứ không cần phải nấu thành cơm. “Nhưng làm như vậy lãi vẫn ít, bây giờ không biết họ mua đâu được loại cồn mà chỉ cần hòa với nước lã (nước giếng – PV) sau đó khuấy đều lên, để 2 đến 3 ngày là có thể bán được. Nhưng họ không tiêu thụ trong làng vì không ai uống, chủ yếu xuất ra bên ngoài” – ông Tôn nói.
“Rượu khuấy” ở Đại Lâm được sản xuất công khai đến mức lãnh đạo xã Tam Đa cũng đành bất lực. Ông Tôn cho biết thêm, hiện chưa thống kê được trên địa bàn xã có bao nhiêu hộ sản xuất rượu như vậy và cũng không có sự quản lý hay kiểm tra gì cả.
Và không chỉ người dân, ngay cả lãnh đạo xã Tam Đa cũng không hề biết đến Nghị định 94. Chính vì vậy, các hộ nấu rượu thủ công vẫn không hề có giấy phép; hàng triệu lít rượu không nhãn mác, không nguồn gốc vẫn tung ra thị trường mỗi ngày.
Chủ tịch xã: “Không biết họ mua cồn đó ở đâu”
Để tìm hiểu công nghệ sản xuất rượu “siêu tốc” hay còn gọi là “rượu khuấy” này, chúng tôi cải trang thành lái buôn đi mua rượu. Bà Ng. – chủ một cơ sở vừa nấu rượu vừa bán các loại men, phuy để chứa rượu – tỏ ra ngần ngại trước người lạ. Tuy nhiên sau khi thấy chúng tôi đặt mua thử 100 lít rượu, bà Ng. niềm nở nói: “Chú mua 100 lít chứ 1.000 lít chị cũng có. Thế chú có lấy ngay không?”. Chúng tôi nếm thử thứ được gọi là rượu này thấy có vị giống hệt rượu thông thường và có mùi rất thơm.
Sau đó chúng tôi quay sang hỏi về các loại men, bà Ng. nói ở đây chỉ có các loại men truyền thống, men cục đảm bảo chất lượng (?). Chúng tôi ngỏ ý muốn mua loại cồn mà chỉ cần pha với nước là thành rượu, nét mặt bà Ng. đột nhiên biến sắc, thái độ khác hẳn: “Các chú là ai, từ đâu đến? Cồn đó muốn mua thì phải có giấy phép kinh doanh mới mua được nhá. Thôi, các chú đi cho…”.
Những thùng phuy dùng để đựng rượu nằm lăn lóc rất nhiều dọc con đường chính của làng Đại Lâm.
Không giống lời khẳng định của ông Chủ tịch xã, sau vụ rượu “độc” gây chết người, người nấu rượu làng Đại Lâm rất cảnh giác với người lạ. Tuy nhiên, quan sát từ xa có thể thấy họ dùng ca nhựa múc thứ nước nghi là cồn, sau đó đổ vào các phuy đã có sẵn nước lã rồi dùng gậy khuấy đều – đó là quy trình sản xuất “rượu quê”. Giá bán lẻ loại rượu này dao động từ 15 – 30 ngàn/lít.
Ông Nguyễn Văn Tôn – Chủ tịch UBND xã Tam Đa – cho biết thêm: “Chúng tôi cũng không biết chính xác là họ mua thứ cồn đó ở đâu, chỉ biết là ở khu miền trong”.
Dọc con đường bê tông – trục đường chính của làng Đại Lâm, theo quan sát của chúng tôi có rất nhiều thùng phuy có dung tích khoảng 2 nghìn lít. Qua tìm hiểu được biết đó là những phuy chứa “rượu khuấy” đang chờ xuất xưởng, chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định…
Qua khảo sát, tại một số quán cơm bình dân, quán nhậu trên địa bàn Hà Nội như khu vực bến xe Mỹ Đình, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hoàng Mai…, rượu thường được chắt ra các chai nhựa, chai thủy tinh, bán lẻ cho khách với giá 20 – 30 ngàn/lít. Phần lớn người mua là dân lao động nghèo, sinh viên,… Thứ rượu kém chất lượng này đang tiềm ẩn những nguy cơ chết người song dường như cả người sản xuất, người bán lẫn người mua đều đang rất thờ ơ…
2013-12-19 03:13:37
Nguồn: http://phunutoday.vn/xa-hoi/cong-nghe-san-xuat-“ruou-que”-sieu-toc-37662.html