ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: 24h.com.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành.
Monday, December 16, 2013 18:45
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghệ thuật ăn uống của người Sài Gòn thể hiện đầy đủ nét văn hóa ẩm thực của vùng ĐBSCL, tuy dân dã nhưng đòi hỏi đúng chất liệu, hương liệu, cùng chén nước chấm được pha chế hết sức độc đáo.

Có thể kể đến 5 món ăn vừa được bình chọn là những món ăn tiêu biểu trong chương trình “TPHCM – 100 điều thú vị” do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM tổ chức.

Bánh xèo

Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành - 1

Bánh xèo là một món ăn dân dã của người dân vùng quê Nam bộ. Không ai biết bánh xèo có khi nào và xuất xứ từ nơi đâu, vì dọc các tỉnh từ Huế đổ vào phía Nam nơi đâu cũng có món bánh này.

Bánh xèo Nam bộ với nguyên liệu chính được làm từ bột gạo pha với nước cốt dừa, bột nghệ cùng nhiều thứ gia vị khác. Để có được những chiếc bánh thơm ngon, đượm vàng, béo ngậy mà vẫn có độ giòn giòn, khi tráng bánh người đầu bếp phải thật nhanh tay và chính xác.

Chiếc bánh thường nhỏ hơn vành nón lá một chút, mỏng tang, vàng rộm, ở giữa là nhân thịt xào với trứng cút, giá đỗ, tôm, hành hoa…thơm ngào ngạt. Khi bánh chín gấp đôi lại, mỗi chiếc bánh xếp cách nhau một tấm lá chuối mỏng đặt trong đĩa to.

Món bánh xèo thường được ăn kèm với nhiều loại rau sống đặc trưng của Nam bộ, cùng chén nước chấm đỏ ớt trong vắt, vừa cay, vừa ngọt… Ăn bánh xèo phải dùng tay, có dân dã như vậy mới thưởng thức trọn vẹn hương vị độc đáo của món ăn này.

Gỏi cuốn

Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành - 2

Gỏi cuốn là món ăn rất phổ biến ở Sài Gòn, có thể dễ dàng thưởng thức ở những nơi bình dân như: gánh hàng rong vỉa hè, các khu chợ…, cho đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Thế nhưng dù ở nơi đâu, món ăn này cũng không bao giờ đánh mất đi nét đặc trưng vốn có.

Với thếp bánh tráng trắng mỏng được thấm nhẹ qua nước, gói với tôm, thịt ba rọi luộc xắt vừa miếng ăn, cùng một ít bún, giá sống, vài cọng hành, rau thơm rồi cuốn lại, chấm với chén nước mắm đã pha sẵn đậm đặc hương vị vừa cay, vừa béo… Tất cả hòa quyện vừa đủ để thực khách cảm nhận cái dai của bánh tráng, vị ngọt của tôm thịt, mát mát của rau và hương gạo nhẹ nhàng của bún.

Gỏi cuốn được coi là món ăn lý tưởng khi thực khách đã thưởng thức quá nhiều các món nướng của Việt Nam. Năm 2011, món ăn này cũng đã được hãng thông tấn CNN bình chọn là một trong 50 món ăn ngon nhất trên thế giới.

Cơm tấm

Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành - 3

Nói đến các món ăn ở Sài Gòn không thể không nhắc đến cơm tấm.

Truyện kể rằng, từ xa xưa đây là món ăn của giới bình dân lao động lục tỉnh Nam kỳ, theo chân người dân thôn quê lên thành thị, góp mặt trong bữa ăn của giới lao động, học sinh sinh viên, viên chức…

Ngày đó món ăn này được tận dụng từ những hạt tấm và gạo gãy trong xay xát để nấu thành cơm. Từ chỗ chỉ với thành phần đơn giản là bì, chả và sườn, ngày nay cơm tấm đã có thêm khá nhiều món ngon ăn kèm như xíu mại, lạp xưởng, tôm, sườn nướng…

Đến Sài Gòn, thưởng thức một đĩa cơm tấm, chan đều nước mắm, nhấm nháp những món ăn theo kèm, thực khách sẽ từ từ cảm nhận được hương vị đậm đà, cũng như những nét tinh túy của món ăn hết sức dân dã này.

Chả giò

Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành - 4

Cùng với cơm tấm, gỏi cuốn và bánh xèo, chả giò cũng là một trong những món ăn độc đáo của người dân quê Nam bộ. Cùng với bún, chả giò vẫn được những người sành ăn sử dụng như món khai vị trước bữa ăn.

Chả giò ngon nhất không phải là ở phần nhân mà chính là phần vỏ. Vỏ chả giò được làm từ nhiều loại bánh tráng khác nhau như: Bánh tráng bò bía, bánh tráng rế, bánh tráng trắng… Mỗi loại vỏ bánh đem đến cho thực khách một cảm giác hoàn toàn khác biệt.

Món chả giò ngon cũng bắt buộc phải đi kèm với nước chấm đặc biệt. Nước chấm của chả giò phải vừa kẹo không lỏng, thơm, có màu vàng ruộm cánh gián chua chua, cay cay, mằn mặn, ngòn ngọt.

Tất cả các hương vị trộn lẫn với nhau, chấm một cuốn chả giò vào nước chấm sánh đều, một giọt nhỏ rớt xuống chén cũng sẽ khiến thực khách muôn phần tiếc nuối.

Cá kho tộ

Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành - 5

“Canh chua, cá kho tộ” là món ăn đặc trưng của người dân Nam bộ. Ở Việt Nam, miền nào cũng có món cá kho, nhưng có lẽ độc đáo nhất vẫn là món cá kho tộ của người Nam Bộ, với miếng cá vàng màu cánh gián, thấm đượm vị ngọt mặn vừa đủ, ăn với cơm trắng nóng.

Độc đáo nét văn hóa ẩm thực Sài thành - 6

Chế biến món cá kho tộ cần phải dùng cá tươi, khi kho xong thịt cá sẽ dai và còn giữ lại vị ngọt thuần của thịt cá. Bí quyết để kho cá ngon, đặc biệt khi dùng cá lóc chính là sau khi làm cá sạch bạn hãy dùng mật cá bóp ra và bôi đều lên mình cá, như vậy cá không những không đắng mà còn thơm, khi kho sẽ có màu sắc đẹp, thịt cá cũng không bị bở trong quá trình chế biến.

Các loại cá: rô, trê vàng, bông lau, cá lóc vẫn được coi là ngon và thích hợp để chế biến món này.

Ngày nay món cá kho tộ không chỉ thường xuyên xuất hiện trên những mâm cơm gia đình đầm ấm, mà còn luôn nằm trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.