ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: khoahocvadoisong
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Đũa tẩm hoá chất: dùng một lần, hại cả đời
Sunday, December 29, 2013 14:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất.

Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao, mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn. Thêm một nỗi lo cho người dân đang ngập chìm giữa bao thực phẩm độc hại: kết quả kiểm tra trong tháng 7 này của chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM với mẫu đũa tre loại dùng một lần đã phát hiện hoá chất sodium sunfite có hàm lượng 87,4 – 183,2ppm, và sulfure dioxide với hàm lượng 44,4 – 93ppm.

Kết quả trên đã làm nỗi lo về thông tin cách nay vài tháng quay lại: đũa dùng một lần sản xuất từ Trung Quốc sử dụng các chất gây ung thư.

Trong vai một dân buôn ở miền Tây Nam bộ lên TP.HCM mua sỉ đũa dùng một lần về bán lẻ cho các quán ăn bình dân, chúng tôi tìm đến chợ Bà Chiểu và chợ Tân Định. Một tiểu thương trong chợ Bà Chiểu cho biết đũa dùng một lần hiện bán chạy là hàng nhập vì rẻ, kiểu dáng đa dạng, kích thước đều, mẫu mã bắt mắt, để lâu không bị mốc meo như hàng trong nước…

Vừa nói, tiểu thương này vừa lấy trên kệ hàng xuống một số đũa đã đóng gói sẵn, trên bao bì in tiếng Trung Quốc. “Loại này em nhìn đẹp không? Chỉ có 18.000 đồng một gói 50 đôi, mấy tiệm ăn họ chuộng dữ lắm”, chị tiểu thương đon đả. Khi chúng tôi nói đũa của Trung Quốc vừa bị phát hiện tẩm hoá chất độc hại thì chị gạt ngang: “Hàng Trung Quốc cũng có năm bảy loại. Hàng chị lấy toàn của chỗ uy tín. Chị bán ở đây cả chục năm trời, có chết ai đâu”.

Tại chợ Tân Định, đũa dùng một lần đóng sẵn từ 5 – 10 kg/gói, bán với giá 30.000 – 60.000 đồng/gói. Trên bao bì không có thông tin địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng… Theo lời nhân viên bán hàng, đũa dùng một lần hiện được các quán ăn, nhà hàng, đám cưới… chọn mua cho thực khách dùng vì vừa rẻ, vừa tiện, khỏi tốn công rửa. Mỗi ngày tiệm bán được từ vài trăm tới hàng ngàn đôi. Gần đây, một số chị em còn mua về xài trong nhà.

Bà Trần Thị Thu Giang, chủ một quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho hay trước đây bà sử dụng loại đũa gỗ, song nhiều thực khách đề nghị sử dụng đũa dùng một lần để đảm bảo vệ sinh. Mỗi ngày tiệm bà tiêu thụ hơn 200 đôi đũa dùng một lần, do một cơ sở sản xuất ở Bình Dương cung cấp. “Từ ngày bán cơm tôi toàn sử dụng loại đũa này, tiện lợi vì không phải rửa, khách dùng xong là bỏ. Còn về mặt an toàn thì tôi chịu, có được biết gì đâu”, bà Giang nói.

Ngửi rồi hãy gắp

PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, các chất như: sodium sunfite, sulfure dioxide… về nguyên tắc không được sử dụng trong chế biến thực phẩm và những sản phẩm tiếp xúc với con người qua đường miệng, bởi “tuy hoá chất tồn dư trên đũa dùng một lần có thể không nhiều để xảy ra ngộ độc cấp tính, nhưng nó sẽ dẫn đến tổn thương mạn tính”.

Cũng theo PGS Đáng, hoá chất có gốc lưu huỳnh như sulfure dioxide có thể gây rối loạn tại chỗ đường tiêu hoá, rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây loét niêm mạc đường tiêu hoá… Nếu sử dụng thường xuyên, độc chất có thể ngấm vào máu và tích luỹ, dẫn tới rối loạn chức năng gan, thận, cơ quan tạo máu… là một trong những nguyên nhân gây bệnh mạn tính và ung thư.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm, đũa dùng một lần thường được làm từ loại tre có chất lượng không tốt (tre non, tre tồn dư…), khả năng chịu ẩm mốc rất kém. Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất. Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao lại mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn.

Trong đó, lưu huỳnh là chất dễ sử dụng bởi giá rẻ, dễ mua, cách làm đơn giản… Đũa dùng một lần khi khử bằng lưu huỳnh sẽ giải phóng sulfure dioxide. Để đũa có mùi thơm át mùi hoá chất, người ta bỏ thêm vào đũa ngũ vị hương tạo mùi.

Ông Thịnh lưu ý: “Sản phẩm càng trắng thì càng độc bởi liều lượng hoá chất tẩy lớn. Nếu có cơ sở sản xuất nào đó sử dụng cả chất tẩy trắng, tẩy nấm mốc của bên công nghiệp để dùng trong lĩnh vực thực phẩm như sodium sunfite thì sẽ nguy hiểm vô cùng vì đây là chất khử rất mạnh”. Vì đũa dùng một lần sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu rửa, hấp, tẩy nào nên nguy cơ hấp thụ hoá chất tồn dư trên đũa là rất cao.

“Nhận diện đũa dùng một lần sấy lưu huỳnh rất dễ: bóc lớp nylông bên ngoài đũa đi sẽ ngửi thấy mùi hăng hắc rất khó chịu. Nếu có nhu cầu đũa dùng một lần, nên chọn loại đũa màu trắng ngà, không đốm đen, bao bì bảo quản không rách thủng và nên mua một tuần trước khi dùng, ở những địa chỉ đã được giám sát về chất lượng”,PGS Thịnh khuyên.

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị

Bài 2. Độc vào theo đũa

SGTT.VN – Vào giữa năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện loại đũa tre xài một lần có chứa hàm lượng hoá chất gây ung thư. Nhưng các loại đũa nhựa, đũa gỗ đang được bày bán và sử dụng cũng có nhiều nguy cơ.

Ghé một số quán ăn lề đường, chúng tôi xin vài đôi đũa đang sử dụng tại các nơi này và mang đến đại học Công nghệ và thực phẩm TP.HCM nhờ xét nghiệm. ThS Đào Thanh Khê, giảng viên khoa Công nghệ hoá học của trường cho biết, đũa nhựa thường được làm từ nhựa melamine và nhựa ABS. Sau khi dùng lửa đốt các đôi đũa nhưng không cháy, cộng với các thông tin sản phẩm, có thể kết luận các đôi đũa này được làm từ nhựa melamine.

Theo ThS Khê, phản ứng giữa melamine và formaldehyde cho ra nhựa MF, một loại nhựa nhiệt rắn, không cháy, để lâu trong không khí màu sắc biến đổi nhẹ, phân huỷ ở 345oC. Đây là loại nhựa có tính năng chịu nhiệt, cứng, độ bền cao, có thể dùng làm sàn gỗ, mica, đũa, vật liệu nhà bếp… nhưng sẽ bị phân huỷ dưới nhiệt độ của ngọn lửa nhà bếp (có thể trên 1.000 độ C).

Còn đũa nhựa ABS hiện chỉ thấy bán trên mạng. ThS Khê cho biết ABS là tên viết tắt của nhựa poly (Acrylonitrile Butadiene Styrene), thường được dùng làm các sản phẩm kỹ thuật như vỏ tivi, máy tính, nón bảo hiểm… và vật dụng nhà bếp. ABS mang đặc tính của ba loại nhựa khác nhau là acrylonitrile, butadiene, styren. Ở nhiệt độ thường ABS có độ cứng cao, nóng chảy ở 99,8 độ C, hoá dẻo ở 228 độ C, dễ cháy. Dù nhựa ABS ít tan trong dầu, rượu, nước… nhưng không nên sử dụng đũa làm từ nhựa này để chiên xào, nấu nướng, khuấy trộn trong các dung môi như cồn, rượu, giấm…

TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch sẽ khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện ở đường tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nếu ngộ độc nặng có thể tử vong do truỵ tim mạch. Nguyên nhân gây độc thực phẩm cấp tính thường do các loại vi khuẩn như campylobacter jejuni, salmonella, escherichia coli, staphylococcus, clostridium botulinum. Còn gây nhiễm độc mãn tính là một số nấm mốc độc nhiễm vào thực phẩm như nấm aspergilus flavus, aspergilus pataciticus thường có trong đậu phộng, bắp, khô dừa, khô đỗ tương bị ẩm mốc, có thể sinh độc tố aflatoxin rất độc hại, là nguyên nhân gây ung thư gan. Aflatoxin không bị phân huỷ ở nhiệt độ sôi thông thường (100 độ C) mà chỉ bị phân huỷ trên 120 độ C. Nấm mốc dễ phát triển (sau vài ngày) trên các loại đũa sử dụng cho các thức ăn thuộc họ đậu, ngũ cốc đặc biệt là đậu phộng.

Theo hướng dẫn của TS Danh, chúng tôi cho đũa gỗ vào hỗn hợp đậu phộng và dầu ăn rồi rửa sơ bằng nước máy, sau đó để ở nhiệt độ thường. Sau bốn ngày, trên các đôi đũa xuất hiện một số đốm mốc màu trắng nhỏ li ti. TS Danh giải thích: “Đũa không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó. Ngoài ra đũa còn có nguy cơ nhiễm hoá chất từ nước rửa chén”.

ThS Khê cho biết, dùng đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ. Nhựa melamine khi nuốt hoặc hít vào phổi hoặc bị hấp thụ qua da lâu ngày có thể gây ung thư hoặc vô sinh. Liều gây chết thông thường là 3g cho mỗi ký trọng lượng cơ thể. Các nhà khoa học của cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) giải thích melamine và axit cyanuric hấp thụ vào máu, tập trung và tương tác trong nước tiểu trong bể thận và kết tinh thành các tinh thể hình tròn màu vàng, gây tổn thương thận, tạo sỏi thận. “Chưa thấy thông tin về độc tính của ABS, nhưng theo lý thuyết thì nếu quá trình trùng hợp có styren trong phân tử nhựa ABS xảy ra không hoàn toàn thì một lượng nhỏ mono – styren không được liên kết sẽ chiết xuất ra khỏi nhựa ABS nếu gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ cao, dung môi thích hợp). Mono – styren là chất gây ung thư đối với con người, động vật và gây ngộ độc cấp tính nếu nhiễm độc liều cao”, ThS Khê cho biết thêm. Ông còn khuyến cáo: đũa melamine lúc mới mua về có độ bóng láng cao, dễ rửa sạch thức ăn bám trên bề mặt, nhưng sau thời gian sử dụng, đũa sẽ biến dạng, sần sùi, bong tróc, nếu không thay thì một lượng nhựa từ đũa sẽ vào cơ thể theo đường thức ăn.

Còn lời khuyên của TS Danh là sau khi rửa đũa bằng xà bông, nên rửa lại qua ba lần nước sạch, hoặc tốt nhất là trụng đũa qua nước sôi, lau khô, để nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh chuột, bọ và côn trùng bám vào lây nhiễm mầm bệnh. Khi phát hiện thấy đũa có khe hở, bị mòn, cháy, biến dạng, hư mục hoặc xài quá lâu thì phải thay thế.
Tóm lại, để tránh nguy cơ nhiễm độc, nên hạn chế dùng đũa làm từ các hoá chất vì khó kiểm soát sự an toàn trong quá trình sử dụng. Tốt nhất nên chọn đũa gỗ tự nhiên như gỗ tre già, dừa già hay gỗ mun được vót trơn láng, đầu đũa không bị tưa, không có khe lõm. Sau khi dùng, rửa đũa sạch và cất nơi khô ráo. Dù đũa chưa có biểu hiện bất thường cũng chỉ nên sử dụng trong 6 – 12 tháng rồi thay mới.

Filed under: Độc hại – vật dụng Tagged: Đũa tẩm hoá chất

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.