Trong lịch sử Việt Nam và thế giới có không ít những triều đại suy tàn, sụp đổ vì ngoại thích, sự chuyên quyền và tham gia vào chính trị của hậu cung từ lâu đã là nỗi lo chung của những bậc bề tôi trung thành. Đấng quân vương dù có là người cơ trí ngang tàng đến đâu cũng hiếm khi chống lại được những lời thủ thỉ đường mật bên gối. Thế nhưng đôi khi mối quan hệ “vợ chồng” của hoàng gia được đặt trên chính trường để làm thành một cái cớ cho sự cướp đoạt quyền lực.
Nổi bật nhất đăng cơ nhờ vợ chính là sự kiện Thập đạo tướng quân Lê Hoàn – Lê Đại Hành vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, lấy Thái hậu Dương Vân Nga – mẹ của Đinh Phế Đế (vị vua cuối cùng của nhà Đinh) và nghiễm nhiên từ chức Nhiếp chính trở thành Hoàng đế.
Lê Hoàn là tướng tài, giữ chức vị Thập đạo tướng quân khi mới 30 tuổi, khi Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Toàn tức Phế Đế còn nhỏ tuổi, Lê Hoàn là Nhiếp chính đại thần, tự do ra vào cung cấm, quyền khuynh thiên hạ nhưng điều đó cũng chưa thể đưa ông lưu danh vào sử sách như người mở ra một triều đại được. Cần có một cái cớ hoàn mỹ để có thể giúp ông đổi ngôi mà vẫn giữa được “tiếng thơm”.
Vì thế Lê Hoàn chọn cách kết hôn với Thái hậu Dương Vân Nga, trở thành “cha dượng” của Đinh Phế Đế và “thăng chức” thành Hoàng đế.
Nhiều nghi án lịch sử xung quanh cuộc xưng đế của Lê Hoàn, Dương Vân Nga cũng không tránh khỏi những hiềm nghi và sự chỉ trích của lịch sử.
Có giả thuyết đưa ra là Lê Hoàn dùng quyền lực trong tay ép Thái hậu ban chiếu nhường ngôi.
Có nghiên cứu lại chỉ ra trước sự đe dọa của nhà Tống, nhận thấy Phế Đế nhỏ tuổi, không thể quán xuyến được việc quân cơ, bá quan văn võ thống nhất đưa Lê Hoàn làm vua để danh chính ngôn thuận chỉ huy chiến tranh giữ nước. Nhưng lịch sử đã chứng minh bề tôi dù thao túng quyền lực cũng không có gan và điều kiện để xưng đế. Chẳng phải Nhiếp chính Lý Thường Kiệt cũng thờ phó vua Lý Nhân Tông mới 7 tuổi. Vua Khang Hy (đời Thanh, Trung Hoa) khi lên ngôi cũng chỉ có 8 tuổi và chịu sự chi phối của Phụ chính đại thần Ngao Bái?
Còn một giả thuyết mới đây được đưa ra là Lê Hoàn có tư tình với Dương Vân Nga, nên nhận được sự ủng hộ bất chấp luân lý của bà.
Tượng thờ vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư, Ninh Bình
Một sự kiện đăng cơ nữa nhờ hôn nhân chính trị là nhà Trần soán ngôi nhà Lý qua việc để Trần Cảnh (Trần Thái Tông) lấy Lý Chiêu Hoàng.
Cuối đời nhà Lý, vua Lý Huệ Tông không có con trai, truyền ngôi cho con gái là Lý Phật Kim (7 tuổi) miếu hiệu Lý Chiêu Hoàng. Lúc này nhà họ Trần đang chiếm giữ những vị trí quan trọng trong triều đình như Trần Thừa (cha Trần Cảnh) làm Nội thị khán thủ đứng đầu quan hầu cận với vua, Trần Thủ Độ (chú họ Trần Cảnh) làm Điện tiền chỉ huy sứ…
Chiêu Hoàng lên ngôi chưa được bao lâu, Thái sư Trần Thủ Độ sắp xếp bà nhường ngôi cho chồng. Nhà họ Trần chính thức được thành lập.
Cuộc chuyển giao quyền lực này được các sử gia đánh giá là vô cùng khéo léo và đúng đắn.
Ngô Sĩ Liên từng chê trách vua Lý Huệ Tông không truyền ngôi cho người trong dòng họ như các bậc đế vương xưa đã làm, lại truyền cho con gái để rồi mất ngôi vào tay họ Trần. Nhưng nếu ông làm như thế liệu rằng có khả năng xảy ra cuộc chiến đẫm máu giành ngôi vua khi nhà họ Trần đang nắm quyền lực lớn mạnh như vậy? Chỉ bằng một câu “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” của Trần Thủ Độ mà ông phải tự vẫn trong uất ức thì làm sao có thể chống lại được thế lực họ Trần.
Khi Lý Huệ Tông còn là thái tử phải chạy khỏi cung điện tránh nạn ở Hải Ấp, ông đã lấy bà Trần Thị Dung (con gái Trần Lý) làm vợ, có lẽ sự soán ngôi của nhà họ Trần đã được chuẩn bị từ lúc này.
Lã Thanh Huyền và Hứa Vĩ Văn đóng Trần Thị Dung và Lý Huệ Tông trong phim Thái sư Trần Thủ Độ
Nhà họ Trần đã dùng cái cớ nhường ngôi cho chồng để tránh khỏi điều tiếng đoạt ngôi giống như Lê Hoàn đã làm.
Có lẽ các vị danh nhân xưa cũng hiểu và biết được sự chỉ trích, phê phán của sử sách và người đời sau nhưng sự cám dỗ của quyền lực và ánh hào quang của ngôi báu hấp dẫn hơn mọi thứ. Chẳng thế mà trong lịch sử đã xảy ra bao cuộc chiến gió tanh mưa máu tranh giành ngai vàng.
>> Đầu tư dài hạn: Phụ nữ ra quyết định tốt hơn
Trịnh Dung
Theo Trí Thức Trẻ