gỏi bò miền Tây chua chua cay cay: Ăn gỏi bò cảm nhận bánh phồng giòn tan, vị ngọt, thơm của thịt bò, vị chua của dưa cải, cay của ớt, hương thơm của rau…
Đặc sản thịt bò nổi tiếng ở vùng đất Thất Sơn, An Giang. Từ thịt bò, người dân chế biến thành nhiều món ăn ngon như: cháo bò, bún bò, bò xào lá giang, lạp xưởng bò (người Chăm gọi là “tung lò mò”), khô bò… và món gỏi bò nổi tiếng.
Đĩa gỏi bò miền Tây đầy màu sắc và hương thơm hấp dẫn. |
Chế biến gỏi bò không khó nhưng hơi mất thời gian. Nguyên liệu chính là thịt bò, có thể chọn thịt thăn hoặc phi lê tùy theo ý thích mỗi người. Còn có các thành phần khác như: củ cải đỏ, hành tím, dưa cải muối, sả, rau thơm, đậu phộng rang, nước dừa tươi, giấm, cùng chanh, tỏi, ớt…
Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng vừa ăn. Đặt nồi lên bếp, cho nước dừa, giấm, nước mắm, muối, đường vào nấu sôi, khi thử có vị ngọt và vừa ăn là được.
Cho thịt bò vào tái sơ rồi gắp ra đĩa. Sả, hành tím thái lát, cà rốt thái mỏng, cắt thành từng đoạn ngắn, ngâm vào giấm, dưa cải thái lát, húng thơm thái nhỏ, đậu phộng giã dập. Cho tất cả nguyên liệu vào trộn đều với thịt bò và ít nước mắm chanh ớt, nêm vừa ăn là được.
Sẽ rất tiếc nếu không tận dụng phần nước trụng thịt bò trước đó. Chỉ cần đun sôi lại, nêm gia vị vừa ăn, cho vào ít ngò gai là bạn có được chén nước súp thơm ngon, tăng thêm hương vị cho món ăn.
Gỏi bò được ăn kèm với bánh phồng tôm cùng chén mắm nêm đậm đà rất vừa miệng. Trong những buổi gặp mặt hay tiệc tùng cuối năm, gỏi bò miền Tây là món “đưa cay” tuyệt vời.
Cầm miếng bánh phồng tôm, gắp miếng gỏi bò chấm vào chén mắm nêm đưa lên miệng nhai chậm rãi. Cái giòn tan của bánh phồng kèm với vị ngọt, thơm của thịt bò, vị chua chua của dưa cải, cay nồng của hành tím, của ớt, thơm thơm của rau như hòa quyện và lan tỏa đến từng giác quan của bạn.
(Theo vnexpress)