Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ
Monday, December 9, 2013 7:35
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Sau cuốn sách gây chấn động Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, John Perkins trở lại với một cuốn sách mới Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ. Tựa sách dễ làm những người chưa từng đọc Perkins nhầm tưởng đó là một cuốn sách lịch sử chính trị khô khan, nhưng ngược lại, Perkins vẫn viết theo cách của ông: một dạng tự truyện chính trị kinh tế mang nhiều màu sắc bí ẩn của tiểu thuyết trinh thám…
“Chính trị vỉa hè”
“Có tin đồn rằng George W. Bush đã bị quay lén khi đang sử dụng cocain và có hành vi quan hệ tình dục bất chính trong thời gian cha anh ta làm tổng thống”.
Thế rồi, nhà lãnh đạo Panama lúc đó là Noriega đã ”sử dụng những bức ảnh đồi truỵ của Bush con và người tình để thuyết phục Bush cha (khi đó đang là tổng thống) đứng về phía chính quyền Panama trong những vấn đề chủ chốt. Để trả đũa, Mỹ mang quân xâm lược Panama và đẩy Noriega vào nhà tù Miami.”
Sự kiện Mỹ tấn công Panama năm 1989 được giải thích như vậy trong Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ. Không ai ngạc nhiên khi sách của John Perkins bán chạy. Ông biết cách viết, biết cách thắt nút và mở nút, biết đưa vào trong câu chuyện những tình tiết “vỉa hè” để một cuốn sách chính trị trở nên sống động, hấp dẫn.
Nếu như Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (từ đây viết tắt là Lời thú tội) được viết như một tự truyện theo mạch thời gian tuyến tính, Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ (từ đây viết tắt là Bí sử) là một kiểu tự truyện được viết theo mạch không gian phi tuyến tính.
Cuốn sách đầu tiên của Perkins kể lại tuần tự cuộc đời sát thủ kinh tế của ông, từ khi “bán linh hồn cho quỷ” để gia nhập đội ngũ sát thủ kinh tế đến khi ngộ ra “tội lỗi”. Cuốn sách thứ hai này chỉ như những ghi chép có ý thức của Perkins khi đi qua rất nhiều quốc gia và lục địa khác nhau. Từ Châu Á, Châu Mỹ Latinh rồi tới Châu Phi, đi đến đâu, Perkins cũng viết ra những trải nghiệm của mình và những người khác. trong quá trình nhận ra bản chất thật sự của “đế chế Hoa Kỳ”.
Có khác nhau về cách kể chuyện, nhưng ý tưởng và thông điệp thì vẫn thế. Có thể coi Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ là phần tiếp theo của “bản tuyên ngôn” chống đế chế Mỹ nói riêng và toàn cầu hóa nói chung.
Những con bò cái bị vắt sữa
“Con bò cái mà chúng ta có thể vắt sữa cho tới khi về hưu”
Trong Lời thú tội, phó chủ tịch MAIN, một công ty tư vấn của Mỹ, đã nói như vậy khi nhắc tới Ảrập Xêút. Mà không chỉ đất nước này, toàn bộ các quốc gia đang phát trển theo Perkins đều là những con bò cái để nước Mỹ và tập đoàn đa quốc gia của họ “vắt sữa”.
Hai cuốn sách của Perkins đều tập trung mô tả những âm mưu, quá trình và thủ đoạn “vắt sữa” của đế chế Mỹ. Âm mưu được thực hiện theo một tiến trình tuần tự với nhiều thủ đoạn. Núp dưới danh nghĩa xóa đói giảm nghèo, tập đoàn trị Mỹ (một liên minh giữa chính phủ, các ngân hàng và tập đoàn lớn) tìm mọi cách “viện trợ”, “cho vay” để giúp các nước nghèo phát triển.
Qua những công ty tư vấn như MAIN (công ty mà Perkins từng làm việc), các sát thủ kinh tế vẽ ra những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng… cho các nước nghèo và hào phóng cho họ vay tiền để thực hiện những kế hoạch đó.
Thực chất, các kế hoạch đã được sát thủ kinh tế “thổi phồng” và “phóng đại” hơn nhiều so với thực chất. Mục tiêu là để các nước khác phải vay thật nhiều và ngập trong nợ nần. Cho tới khi đó, nước Mỹ sẽ nắm quyền kiểm soát, ép các quốc gia đó phải trả nợ bằng nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ của họ.
Tài nguyên bị vắt kiệt để trả nợ chứ không phải đầu tư cho an sinh xã hội, giáo dục, y tế đã đẩy dân nghèo ở các nước đang phát triển vào tình trạng bần cũng hóa. Đó là cái nôi nuôi dưỡng những kẻ khủng bố nước Mỹ mà sự kiện 11/9 là một ví dụ. Môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi các tập đoàn tranh nhau khai thác vô tội vạ tài nguyên, khiến trái đất đứng trước những hiểm hoạ khôn lường.
Cuộc thập tự chinh mới của một đế quốc mới
Theo Perkins thì những định chế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ là những con bài để nước Mỹ sử dụng nhằm ép các nước nghèo đi theo quỹ đạo của họ. Đó là một cuộc Thập tự chinh mới, không phải bằng quân sự mà bằng kinh tế, không phải bằng những chiến binh giáo mác trên tay mà bằng những sát thủ kinh tế với các bản báo cáo giả tạo được vẽ vời cho ra vẻ khoa học. Mục tiêu là mở rộng đế chế Mỹ trên phạm vi toàn cầu để phục vụ cho lợi ích của một thiểu số những quan chức cấp cao và chủ những tập đoàn lớn.
Nhưng theo Perkins, thủ đoạn của đế chế Mỹ còn kinh khủng hơn thế. Khi những quốc gia đang phát triển bất tuân theo sự điều khiển của Mỹ, ”lũ chó săn bắt đầu sử dụng đến những chiếc gậy bóng chầy và cuối cùng là súng.” Những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chống lại sự bóc lột của tập đoàn Mỹ sẽ bị mua chuộc bởi các sát thủ kinh tế.
Nếu các sát thủ kinh tế thất bại, những sát thủ thật sự của CIA sẽ vào cuộc. Cái chết của tổng thống Ecuador Jaime Roldos, tổng thống Panama Omar Torrijos và hàng loạt cái tên khác Arbenz, Mossadegh, Allende… đều có bàn tay vấy máu của CIA.
Gần đây nhất là cuộc chiến tranh Iraq để lật đổ nhà độc tài chống Mỹ Saddam Hussein dưới chiêu bài chống khủng bố. Theo Perkins, thực chất của tất cả những mỹ từ như dân chủ, nhân quyền, chống khủng bố chỉ là lớp áo che đậy cho âm mưu thật sự của Mỹ nhằm tước đoạt nguồn dầu mỏ, khoáng sản và khuynh loát thị trường của những quốc gia nghèo.
Trong Bí sử, Perkins đã định nghĩa đế quốc là một dân tộc thống trị dân tộc khác với 7 đặc điểm cơ bản và theo đó thì nước Mỹ hiện nay có cả bảy đặc điểm của một đế quốc. Tưởng như thời đại của chủ nghĩa đế quốc đã qua rồi nhưng thực chất, một hệ thống đế quốc mới đang được dựng nên, tinh vi và hiệu quả nhất mà thế giới từng thấy.
Tấn công vào “trái tim nhỏ máu của vua chúa”
Hai cuốn sách của Perkins như những bản cáo trạng đanh thép chống lại đế chế Mỹ mà đứng đằng sau nó là những tập đoàn lớn. Đọc Perkins để thấu hiểu những lý lẽ của phe chống toàn cầu hóa, thấu hiểu tại sao nhiều người dân ở Châu Mỹ Latinh và các quốc gia Trung Đông lại căm ghét nước Mỹ đến như vậy.
Perkins khiến người đọc phải nhìn lại tất cả những quan niệm cũ về ODA, FDI, WB, IMF… Tất cả những khoản vay “ưu đãi” được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng lại trở về túi chính những công ty trúng thầu là các tập đoàn của các nước cho vay. Cuối cùng, chỉ có các nước nghèo lâm vào cảnh nợ nần bởi những khoản vay khổng lồ dùng để tài trợ cho những dự án “bánh vẽ”.
Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại. Perkins có lẽ đã đi quá đà khi sử dụng thứ ngôn ngữ nặng nề nhất để chỉ trích không tiếc lời đế chế Mỹ, các tập đoàn Mỹ và tiến trình toàn cầu hóa. Không thấy có đoạn nào ông nhắc tới những giá trị mà nó đã tạo ra. Không thấy Perkins nói về những lợi ích to lớn của toàn cầu hóa, những đóng góp vĩ đại của các tập đoàn trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành…
Tất cả tội lỗi từ sự huỷ hoại của môi trường tới sự nghèo khổ của người dân các nước đang phát triển đều bị đổ vấy lên đầu các tập đoàn lớn, các nước giàu. Đọc Perkins dễ làm nhiều người bị kích động đi theo một quan điểm nguy hiểm: nghèo đói là vinh quang, giàu sang là tội lỗi, người nghèo vẫn cứ nghèo bởi bọn nhà giàu ăn cướp của họ. Lịch sử những cuộc cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, quốc hữu hóa công nghiệp ở nhiều quốc gia đã chứng minh rằng quan điểm đó chỉ dẫn tới thảm họa.
May thay, phần kết của Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ đã mở ra một bầu trời tươi sáng hơn. Perkins đề xuất ra những biện pháp đấu tranh để “thay đổi chính bản thân các tập đoàn”, khiến những tập đoàn lớn phải thực hiện những chính sách vì con người, vì môi trường và vì cộng đồng nhiều hơn.
Mỗi người phải có ý thức trong hành xử và tiêu dùng, phải ảnh hưởng tới những người khác, thuyết phục tập đoàn trị thay đổi chính sách của họ để biến “chủ nghĩa tư bản đế quốc thành chủ nghĩa tư bản dân chủ.”
“Ngay cả vua chúa cũng là con người. Trái tim họ cũng có thể tan vỡ, chúng nhỏ máu. Họ có thể bị thuyết phục…” Thông điệp trong những trang cuối của cuốn sách đã mở ra những giải pháp tích cực để “chúng ta cùng chung tay đổi thay thế giới” như lời kêu gọi của Perkins.
Khánh Duy – (nguồn Tuần Việt Nam)