Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, năm 2013 ngành bất động sản có mức tăng trưởng -5,5%. Trong thời gian qua, TP cùng với trung ương đã có nhiều động thái nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Đến nay, thành phố còn tồn khoảng 10.053 căn hộ với giá trị 17.600 tỷ đồng, so với năm 2012 giảm 30,6% (4.437 căn hộ). Điều đáng nói, trong số này có rất nhiều dự án xây dựng dở dang do chủ đầu tư “tiến thoái lưỡng nan”. Dự án chung cư Tín Phong (quận 12) gồm 2 block với quy mô hơn 200 căn hộ đang trong giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư đã sơn nước bên ngoài rồi… ngưng thi công gần 2 năm nay.
Khách hàng mua nhà tại dự án này liên lạc với chủ đầu tư để biết thời gian tái khởi động của dự án nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa chung chung. Thực tế cho thấy “hàng tồn” phần lớn là sản phẩm dở dang, do đó muốn hoàn thiện buộc phải có nguồn tài chính. Trong khi đó, hiện nhiều chủ đầu tư đã cạn kiệt nguồn tiền, khách hàng cũ thấy dự án chậm tiến độ nên không tiếp tục đóng tiền, khách hàng mới cần mua nhà nhưng thấy dự án “trùm mền” cũng ngán ngại. Những dự án dở dang như cái vòng lẩn quẩn, tiếp tục thì khó khăn mà tháo lui cũng không xong.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Khang, cho rằng làm thế nào để khơi thông dòng chảy thị trường là bài toán khó. Nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất lớn, sản phẩm tồn kho cũng khá nhiều nhưng cung – cầu vẫn còn lệch. Sau một loạt vụ kiện tụng, khiếu nại do dự án chậm tiến độ, niềm tin người mua nhà bị mất, do đó họ chỉ còn tin vào những sản phẩm đã hoàn thiện. Giới chuyên môn nhận định, nhìn chung thị trường vẫn còn khó khăn và những dự án dở dang vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng “trùm mền” trong những tháng đầu năm 2014.Trên thực tế thời gian qua, những dự án đất nền đáp ứng nhu cầu xây dựng ngay hoặc căn hộ có thể dọn vào ở ngay đều có tính thanh khoản tốt. Hơn 100 căn hộ tại dự án Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh) do Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư chỉ bán trong vòng 1 tuần. Dự án đất nền Eco Town (huyện Hóc Môn) do Công ty CP Đầu tư Phúc Khang làm chủ đầu tư chỉ trong thời gian ngắn đã giao dịch thành công hàng trăm sản phẩm.
“Bội thực” nhà xã hội, tái định cư
Sau thời gian dài thị trường lâm vào khủng hoảng, năm 2013 khi Chính phủ đưa ra thị trường gói 30.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đã trông chờ vào gói kích cầu này. Nhiều doanh nghiệp đã đua nhau xin chuyển từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với mục đích để được vay vốn từ gói này. Đây được xem như “chiếc phao” trong bối cảnh thị trường quá khó khăn. Thực tế, một số dự án trước đó đã ngưng xây dựng hoặc đền bù xong nhưng chưa thi công vì bế tắc trong giải pháp tài chính, nay tái khởi động nhờ gói 30.000 tỷ đồng, có thể kể là dự án Zen Plaza (huyện Nhà Bè) của Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân, dự án chung cư Thới An (quận 12) của Công ty CP Sài Gòn Gia Định… Nhiều chuyên gia khuyến cáo sẽ “bội thực” nhà ở xã hội. Thực ra gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải quyết một phần rất nhỏ cho “đầu vào” – đó là việc giải ngân cho chủ đầu tư vay. Trong khi đó, sự thành bại của dự án phụ thuộc vào đầu ra – tức người mua.
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng nhà ở xã hội nên để doanh nghiệp nhà nước đầu tư bằng ngân sách nhà nước và sau đó phân phối cho đối tượng của mình. Qua khảo sát của một số ngành, nhu cầu mua nhà xã hội là khá lớn, nhưng giữa nhu cầu và việc lựa chọn dự án để mua, khả năng tài chính cũng như thủ tục còn có khoảng cách. Do đó nếu không điều nghiên kỹ, hàng loạt dự án nhà ở xã hội ra đời sẽ dẫn đến thừa nguồn cung. Theo ông Hiếu, thị trường nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại có “thông” hay không thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào chính sách vĩ mô.
Hiện nay có tình trạng nhiều nhà dự án, căn hộ tái định cư xây xong vẫn chưa có người ở. Cao ốc Thịnh Vượng (quận 2) được UBND quận 2 mua 40 căn hộ để bố trí tái định cư nhưng đến nay chỉ có 10 người đến ở, số còn lại bỏ trống gần 4 năm, trong khi đó chủ đầu tư không thu hồi được vốn và doanh nghiệp muốn “giải phóng” để tự kinh doanh nhưng cũng không được. Nhiều dự án tái định cư hoặc một phần dự án được TP mua của doanh nghiệp để tái định cư cũng bị “chôn” vốn tương tự.
Vẫn thu hút nhà đầu tư “ngoại”
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), bất chấp thị trường BĐS chưa khởi sắc, vốn ngoại đổ vào lĩnh vực này vẫn khá cao. Trong 11 tháng năm 2013, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ ba về thu hút vốn FDI nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư ngoại, thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng bởi sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực, như nhu cầu cao ốc cho thuê quận 3 ,nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân còn rất lớn, dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa hiện còn chậm.