Thứ hai 23/12/2013 13:00
Trái ngược với sự hiểu biết bấy lâu nay của chúng ta, ngày lễ Giáng sinh rất có thể không phải là ngày đức chúa Jesu ra đời hay đã có thời, người Mỹ có ý định nghỉ Giáng sinh sẽ bị phạt tiền. Tục dựng cây Noel trong ngày lễ Giáng sinh là của người Đức và ông già tuyết Santa Clause chỉ là sản phẩm từ truyện tranh…
Giáng sinh không phải là ngày Chúa Jesu ra đời
Trái ngược với niềm tin phổ biến, Kinh Thánh không thực sự đề cập đến ngày sinh cụ thể của Chúa Giêsu. Thực tế, hầu hết các nhà sử học tin rằng đức Chúa có thể được sinh ra vào mùa xuân, do Kinh Thánh có khá nhiều đoạn miêu tả về cảnh mục đồng chăn gia súc và điều này không thể xảy ra vào mùa Đông hay tháng 12.
Vào thế kỷ thứ 4, khi Giáo Hội Công Giáo quyết định công nhận ngày sinh của Chúa Giêsu như là một ngày lễ chính thức, Giáo hoàng Julius I đã chọn ngày 25 tháng 12 và kể từ đó lễ Giáng sinh ra đời.
Giáng sinh đẩy lùi chiến tranh
Có một câu chuyện rất đặc biệt về lễ Giáng sinh mà rất ít người biết đã từng xảy ra trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ I.
Năm tháng sau khi cuộc đại chiến bùng nổ, quân đội cả cả hai bên ở dọc chiến trường phương Tây đã quyết định hưu chiến trong đêm Giáng sinh để hát hò với nhau trên chiến trường. Sáng hôm sau, lính Đức từ các chiến hào bất ngờ tràn lên, tiếp cận chiến hào của quân Đồng minh nhưng không phải để đánh nhau mà là để hô vang câu “Merry Christmas!” (Chúc mừng Giáng sinh!) bằng tiếng Anh. Để đáp lại “tấm thịnh tình” của quân Đức, hàng chục chiến binh Anh cũng đã xuất hiện để chào đón họ và hai bên bắt tay nồng nhiệt, một số người thậm chí còn trao cho nhau những gói thuốc lá làm quà tặng.
Sau sự kiện vô tiền khoáng hậu này, Giáng sinh 1914 được đặt tên là “Giáng sinh ngừng bắn” và trở thành biểu tượng của tinh thần hiệp sĩ thời chiến.
Nghỉ Giáng sinh bị phạt tiền
Ở nước Mỹ, từ năm 1659-1681, bất kỳ người dân Boston có ý định nghỉ hay chào mừng Giáng sinh có thể bị phạt đến 5 shilling bởi Giáng sinh là ngày lễ bất hợp pháp. Sau khi nước Mỹ giành được độc lập từ tay người Anh, Quốc hội nước này đã quyết định tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày Giáng sinh năm 1789 và sau đó nước Mỹ mới chính thức công bố Giáng sinh là ngày lễ liên bang.
Ông già Noel ra đời từ truyện tranh
Hình ảnh ông già Noel mặc bộ quần áo màu đỏ, ngồi trên chiếc xe trượt tuyết chở đầy quà do những con tuần lộc kéo bay vi vút trên bầu trời thực ra là sản phẩm từ loạt truyện tranh vẽ có tên gọi The Sketch Book of Geoffrey Crayon xuất bản năm 1819.
Chơi nhạc Giáng sinh trên vũ trụ
Năm 1965, khi hai phi hành gia Mỹ đang trên đường trở lại quỹ đạo họ phát hiện một vật thể không xác định trong không gian. Quá hoảng hốt, họ gọi điện về Trung tâm điều khiển. Sau vài phút im lặng căng thẳng, các kỹ sư tại Cape Canaveral (nơi đặt trung tâm điều khiển các chuyến thám hiểm không gian của Hoa Kỳ) bắt đầu nghe tiếng chuông xe trượt tuyết tiếp theo là một màn biểu diễn kèn harmonica bản nhạc “Jingle Bells”… chính hai phi hành gia “điên cuồng” thực hiện. Những nhà phi hành này sau đó đã tặng lại chiếc kèn harmonica và chiếc chuông cho Bảo tàng Quốc gia Hàng không và Vũ trụ ở Washington.
Hôn dưới cây tầm gửi trong lễ Giáng sinh
Theo truyền thuyết của người Celtic, cây tầm gửi có khả năng rất huyền diệu – nó có thể chữa lành vết thương, tăng khả năng sinh sản, mang lại may mắn và xua đuổi ma quỷ nên người ta cho rằng trong ngày lễ Giáng sinh, nếu đôi lứa hôn nhau dưới cây tầm gửi sẽ mang lại rất nhiều điềm lành. Tuy nhiên, truyền thống hôn dưới cây tầm gửi chỉ bắt đầu từ thời nữ hoàng Victoria.
Người Đức “phát minh” ra cây thông Noel
Trước khi sự xuất hiện của Kitô giáo, người Đức đã có thói quen trang trí cây xanh để làm sáng nhà cửa và xua tan sự ảm đạm của ngày Đông chí (22/12). Người Đức cũng là những người đầu tiên dựng “cây thông Noel” ở Strasbourg vào thế kỷ 17 và lan rộng đến Pennsylvania (Mỹ) trong những năm 1820 với sự xuất hiện của những người nhập cư Đức. Khi Nữ hoàng Victoria kết hôn với Hoàng tử Albert của Đức vào năm 1840, ông đã mang truyền thống này vào nước Anh. Tám năm sau, tờ báo đầu tiên của Mỹ đăng hình ảnh của “cây Giáng sinh hoàng gia” và người Mỹ bên ngoài Pennsylvania nhanh chóng làm theo.
Không phải Giáng sinh ở đâu cũng giống nhau
Ngày nay, Giáng sinh đã trở thành ngày lễ mang tính toàn cầu tuy nhiên cách thức tổ chức ngày lễ này ở các nước khác nhau cũng rất khác nhau.
Người Phần Lan thường xuyên ghé thăm phòng tắm hơi vào đêm Giáng sinh, trong khi người Bồ Đào Nha tổ chức một bữa tiệc vào ngày Giáng sinh cho người sống và người chết. Ở Hy Lạp, nhiều người tin rằng có một con yêu tinh tên là kallikantzeri chạy hoang dã trong thời gian 12 ngày kể từ ngày Giáng sinh và hầu hết người Hy Lạp không trao đổi quà cho đến khi 1 tháng 1, Ngày Thánh Basil. Hầu hết người Úc và New Zealand tận hưởng Giáng sinh trên bãi biển với món thịt nướng. Riêng ở Tây Ban Nha, Giáng sinh là dịp để người ta tổ chức giải xổ số lớn nhất thế giới.
Lam Giang
2013-12-23 00:36:45
Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/Nhung-dieu-ky-thu-ve-Giang-sinh-co-the-chua-ai-biet/128323.info