Hàng ngày, những chiếc xe tải có thùng lớn và xe bồn vẫn thay nhau “xả” những khối nước phân đen đặc vào những chiếc ao đã được “be bờ” rất cao.
Ngay trên “đầu” các khu dân cư là những hố phân khổng lồ có thể vỡ tung bất cứ lúc nào. Từng đoàn xe chở phân bò vẫn không ngừng đổ ra môi trường, tiếp tục làm ô nhiễm thêm nguồn nước, nguồn không khí của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh đó.
Cận cảnh những “kho phân” khổng lồ
Đồi Cù Lẳng thuộc xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn – Nghệ An). Từ đỉnh đồi nhìn xuống là các khu dân cư xóm Đông Lâm, Tân Lâm, Nghĩa Chính. Ngọn đồi này vốn được coi là “vựa nước” tự nhiên của cư dân trong vùng. Nó cũng là một vùng đất màu mỡ có thể thâm canh nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu chính cho người dân Nghĩa Lâm.
Thế nhưng hơn hai năm trở lại đây, kể từ khi ngọn đồi này thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần sữa TH true Milk thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân. Màu xanh của cây trồng tốt tươi nay bỗng nhiên bị đào xới trơ trọi đất đá. Nơi đây đã trở thành khu vực tập kết phân thải của hàng ngàn con bò trong những trang trại bò sữa vốn được coi là có quy mô hàng đầu hiện nay của TH Truth Milk.
Những chiếc xe vẫn không ngừng đổ từng khối phân thải ra môi trường tự nhiên.
Từ con đường đất đối diện với Trại bò sữa số 2 ngược lên đồi Cù Lẳng không xa, đập ngay trước mắt là những “vựa phân” có diện tích rộng lớn, mùi chua uế bao trùm. Ngọn đồi đã được “quy hoạch” thành những ao phân lớn nhỏ, đủ loại hình dạng và kích thước khác nhau sao cho phù hợp với địa hình.
Hàng ngày, những chiếc xe tải có thùng lớn và xe bồn vẫn thay nhau “xả” những khối nước phân đen đặc vào những chiếc ao đã được “be bờ” rất cao.
Có mặt tại đây khoảng một giờ đồng hồ, chúng tôi thống kê được hơn chục chuyến xe nối đuôi nhau dốc những chiếc thùng to lớn kềnh càng đầy nước phân lỏng đổ xuống hố phân rộng khoảng gần 1 ha vốn đã tràn trề. Những chiếc xe bồn khác với kích thước nhỏ gọn, tiện lợi thì luân phiên xả phân vào các hố phân nhỏ hơn.
Mùi hôi thối nồng nặc đến khó thở
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản thì sẽ không khó để có được con số cụ thể về số chuyến xe và theo đó là khối lượng phân thải trong một ngày, một tháng, một năm.
Với mức độ đó, khi những cái ao đã đầy phân thì những cái ao mới lại được đào tiếp, đào tiếp. Con số đã lên hơn hàng chục và sẽ không ngừng tăng lên nữa.
Phân bò thải đang hủy diệt môi trường tự nhiên từng phút, từng giờ.
“Ao phân” khổng lồ này từng bị vỡ do bị ảnh hưởng của cơn bão số 10, nước sinh hoạt của người dân đục ngầu và sủi bọt. Dân hứng chịu.
Đường chính dẫn vào các xóm dân cư bốc lên từng hồi bụi mù mịt khi những chuyến xe chuyên dụng của trang trại bò sữa TH chạy qua.
Ông Trần Ngọc Hòa – trưởng xóm Đông Lâm cho hay: “Nhà máy đổ phân trên cao làm người dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm. Nguồn nước trên cao đã bị nhiễm bẩn phân bò, không khí hôi thối cả ngày lẫn đêm”.
Theo ông xóm trưởng, khoảng 9h sáng ngày 30/9, những trận mưa lớn đã làm vỡ những “ao phân” vốn đã căng tức vì sức chứa quá lớn, tạo ra những trận “lũ” nước thải phân bò ào ào thẳng xuống khu dân cư. Những suối nước thải chạy băng băng vào các ao cá của người dân khiến cá chết nổi trắng mặt ao hồ.
Ông Hòa cho hay, do nguồn nước trên cao bị ô nhiễm nặng nên nhiều diện tích đất đai không thể canh tác. Cây trồng bị “bội thực” nước thải đã không sống được, ao hồ cũng không thể tiếp tục nuôi cá do bị nước thải chảy xuống. “Bà con cũng lo sợ những hố phân vỡ ra sẽ phải chịu cảnh thất thu” – ông nói.
Chị Nguyễn Thị Long (thôn Tân Lâm) có nhà ở ngay cạnh trại bò sữa số 3. Cạnh hàng rào nhà chị là mương nước xả thải của trại bò này. “Cứ đến giờ là nước thải trên trại bò xả xuống hôi thối nồng nặc. Nhà tôi lại nằm dưới thấp so với trại bò nên nguồn nước đã bị ô nhiễm từ lâu” – chị bức xúc.
Dẫn chúng tôi ra giếng nước, chị “chứng minh” luôn lời nói của mình bằng cách bơm nước từ dưới giếng lên. Chị nói rằng, giếng nước của nhà chị trước đây rất sạch, có thể dùng cho cả ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ khi trại bò được xây dựng phía trên, nước bơm lên thường sủi bọt, đục và có mùi tanh lợm.
“Nước ô nhiễm thì không thể ăn uống được đành phải bỏ tiền mua. Còn nước sinh hoạt thì đành phải chấp nhận mà chịu vậy, kêu mãi họ chỉ hỗ trợ một bình chứa dùng để trữ nước mưa” – chị ngán ngẩm phân trần.
Có mặt để lắng nghe phản ánh của người dân ở các xóm Đông Lâm, Tân Lâm và Nghĩa Chính, chúng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác khó chịu khi ngửi phải mùi chua nồng ngai ngái bay từ các trang trại bò sữa.
Thế nhưng, chừng ấy chưa phải là tất cả.
Theo Người Đưa Tin