(Xã hội) – “Làm khoa học phải chân thực, chính xác và biết mình đang làm gì. Không phải cứ thấy các nhà ngoại cảm bó tay, rồi nhảy vào mò tìm một cách lừa bịp. Nếu sông Hồng có xác cháu Huyền, tôi cũng không tìm…”, tiến sĩ khoa học Phan Văn Quýnh nói.
Tính đến nay đã 67 ngày, thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân bị phi tang xác bởi Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều “nhà ngoại cảm’ đã lên tiếng chỉ vị trí xác chị Huyền nhưng đều “bặt vô âm tín”, tiến sĩ Vũ Văn Bằng (Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe) cũng đã tham gia vào cuộc tìm kiếm bằng phương pháp dùng máy điện từ để dò xác. Mới đây, ông Bằng đã xác định được 13 điểm nghi vấn, trong đó có 3 điểm tại cầu Thanh Trì và một số vị trí ở bãi Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội).
Máy điện từ dò thi thể chị Huyền của tiến sĩ Vũ Văn Bằng.
Được biết, gia đình chị Huyền đang chuẩn bị thuê máy múc cát từ Phú Thọ về Hà Nội. Hai ngày tới sẽ tiến hành múc cát đáy sông Hồng tìm kiếm thi thể chị Huyền tại các điểm nghi vấn mà tiến sĩ Vũ Văn Bằng xác định.
“Tại bãi Tự Nhiên, nơi được nghi vấn có xác cháu Huyền có độ sâu hơn 10m, trong khi các máy múc cát ở Hà Nội chỉ có khả năng múc ở 5m. Nên gia đình chúng tôi đang liên hệ với các chủ máy múc ở Phú Thọ về Hà Nội để tham gia tìm xác cháu”, ông Quang (cậu ruột chị Huyền) cho hay.
Nói về phương pháp sử dụng máy điện từ dò xác chị Huyền của tiến sĩ Vũ Văn Bằng, tiến sĩ khoa học địa chất Phan Văn Quýnh đã có ý kiến phản bác về “cái gọi là máy” của ông Bằng. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số quan điểm, ý kiến nếu có thể thực hiện trong việc tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền.
Tiến sĩ Phan Văn Quýnh nói về việc tìm kiếm xác chị Lê Thị Thanh Huyền.
Phóng viên Phunutoday đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ khoa học địa chất Phan Văn Quýnh về vấn đề trên.
PV: Thưa tiến sĩ, trong thời gian qua, ông có biết và quan tâm đến việc tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền?
TS. Phan Văn Quýnh: Từ khi vụ án phi tang xác xảy ra, tôi luôn theo dõi quá trình điều tra và việc tìm xác cháu Huyền. Ngày 4/12, tôi cũng đã đến cầu Thanh Trì để xem gia đình tìm kiếm thi thể.
PV: Trong việc tìm kiếm thi thể chị Huyền, tiến sĩ Vũ Văn Bằng (Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe) đã tham gia với việc sử dụng máy điện từ. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của phương pháp này?
TS. Phan Văn Quýnh: Tôi biết, nhiều “nhà ngoại cảm” đã lên tiếng giúp gia đình. Đồng nghiệp của tôi, ông Bằng cũng đã nhận lời tham gia cuộc tìm kiếm. Nhưng tôi nghĩ, việc ông Bằng sử dụng cái gọi là máy bức xạ điện từ để dò thi thể cháu Huyền chỉ là trò lừa bịp và không có hiệu quả xác thực. Làm khoa học phải chân thực, chính xác và biết mình đang làm gì. Không phải cứ thấy các nhà ngoại cảm bó tay, rồi nhảy vào mò tìm một cách lừa bịp. Nếu sông Hồng có xác cháu Huyền, tôi cũng không tìm. Vì thực sự, bây giờ có sử dụng phương pháp khoa học nào đi chăng nữa thì cũng rất khó xác định vị trí xác người chết.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về chiếc máy điện từ mà tiến sĩ Bằng sử dụng trong việc tìm kiếm thi thể chị Huyền?
TS. Phan Văn Quýnh: Trước hết, cái vật mà ông Bằng dùng để tìm kiếm thi thể cháu Huyền không được gọi là máy điện từ. Nếu gọi là máy thì nó phải có pin, có ắc quy, có bộ phận bán dẫn để điều khiển việc phát và thu tín hiệu. Hơn nữa, việc tìm kiếm xác hay loại vật chất nào thì cũng cần phải có phát và thu tín hiệu. Cái gọi là máy của ông Bằng không hề phát ra một bức sóng, xạ nào cả thì làm sao mà thu. Tôi đã từng cầm và thử sử dụng cái đồ này của ông Bằng. Ông ấy nói chỉ cần giơ trước nước thì máy sẽ quay và thu nhận thông tin. Nhưng thực chất, khi tôi đưa vật này trước vòi nước chảy mạnh thì không có bất kỳ thông tin nào được thu về. Thậm chí nó còn không quay. Nếu có quay thì chỉ do ông Bằng lắc cổ tay mà thôi.
PV: Mới đây, trên cơ sở dữ liệu lấy từ máy dò của tiến sĩ Bằng, đã xác định được 13 điểm nghi vấn có xác của chị Huyền, trong đó có 3 điểm tại cầu Thanh Trì. Ông có ý kiến gì về những điểm xác định này?
TS. Phan Văn Quýnh: Dưới sông Hồng có nhiều loại xương, có xương cá, xương gia cầm hay xương người. Việc dò được tín hiệu và những vị trí nghi vấn có hài cốt của cháu Huyền thật sự là khó và thiếu chính xác. Tôi nghĩ, ông Bằng dựa vào việc suy đoán địa hình, dòng chảy của nước ở hai bên lở, bên bồi, dòng tích tụ của các trầm tích mà xác định vị trí. Và nếu may mắn, trong quá trình đào múc sẽ tìm được thi thể của cháu Huyền. Tôi cũng hy vọng và mong điều đó.
PV: Trước những khó khăn trong việc tìm kiếm thi thể chị Huyền, tiến sĩ có phương pháp gợi ý nào để giúp gia đình tìm xác chị Huyền sớm và hiệu quả?
TS. Phan Văn Quýnh: Theo tôi, xác của cháu Huyền có khả năng trôi dạt xa cầu Thanh Trì và bị chôn sâu dọc các rảnh nước ven các bãi cát bên bờ. Để xác định được vị trí gần đúng xác của cháu, có thể sử dụng cách của một người nông dân Thái Bình nói là dùng hòn đá lớn buộc vào tàu lá chuối để trôi sông hoặc cũng có thể để một thợ lặn đeo bình khí thả trôi tự do. Với điều kiện là lựa chọn đúng thời điểm có sức gió, dòng chảy gần giống như hôm xảy ra vụ vứt xác.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!