>> Quốc Vượng – hồi ký cuộc đời (P1): Những tiếng rên sau song sắt!
>> Quốc Vượng – Hồi ký cuộc đời (P2): Thoát vòng luẩn quẩn
>> Tâm thư gửi Quốc Vượng: Đời thay đổi khi ta thay đổi!
>> Quốc Vượng bán vé xe Tết ở Hà Nội
LTS: Quá khứ lầm lỗi đã lùi xa, Quốc Vượng đang hạnh phúc với cuộc sống mới, tuy không nhiều tiền nhưng đáng trân trọng. Trong tâm thế ấy, Quốc Vượng không ngại chia sẻ hồi ức về những tháng ngày tồi tệ nhất của đời mình, để có dũng khí bước tiếp và đối mặt với cuộc sống không danh lợi, phù hoa.
Hot boy trong trại giam
Những tháng ngày sống trong sự vật vã, day dứt, tự dằn vặt lương tâm cũng dần qua đi. Vượng hiểu rằng cứ nằm đó suy nghĩ về những lỗi lầm trong quá khứ, về những nỗi đau mà người thân phải gánh chịu cũng chẳng được gì. Nó sẽ chỉ làm anh thêm suy sụp, người nhà vì thế lại càng thêm lo lắng mà thôi.
Khi cánh cửa này khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Quốc Vượng hiểu điều đó. Vượng muốn làm lại cuộc đời, muốn mở một cánh cửa mới cho mình, cánh cửa không cần có tiền bạc, giàu sang, không nơm nớp lo sợ, không tủi nhục mà trái lại luôn mở ra những vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình nhỏ mà anh đã lãng quên bấy lâu nay.
Càng nghĩ, Quốc Vượng càng trở nên ân hận. Nhưng cái sự ân hận ấy giờ không còn là nằm bẹp một chỗ mà Vượng đã biến nó thành động lực để sống, để cải tạo thật tốt với mục tiêu sớm trở về với gia đình.
“Chỉ có ai đã từng ở trong trại thì mới hiểu được điều đó. Ở trong đó không có chút tự do nào, mình thấy buồn và tiếc nuối trong thời gian đầu. Nhưng sau mình nghĩ, giờ có ân hận cũng bằng thừa, mình phải biết chấp nhận sự thật đó để cố gắng phấn đấu, vượt lên và để sớm được trở về với gia đình”. Vượng chia sẻ.
Quốc Vượng vẫn được thỏa mãn đam mê với trái bóng ngay trong trại giam |
Vượng bắt đầu hòa nhập với cuộc sống trong trại. Ngôi sao sân cỏ ngày nào giờ đây phải dậy, ngủ đúng giờ, lao động thậm chí ăn uống, vệ sinh cũng dưới sự quản giáo nghiêm ngặt của các quản giáo. Đêm đến, mọi người lại về sau cánh cửa sắt im lìm và chìm vào giấc ngủ để chuẩn bị một ngày làm việc mới.
Tất nhiên, ở đâu cũng có những trường hợp ngoại lệ và ở trong trại giam, Quốc Vượng chính là “ngoại lệ” đó. Anh vẫn làm tất cả mọi việc như các phạm nhân khác song luôn được ưu ái hơn một chút. Dù có nói như thế nào, Vượng vẫn là một người nổi tiếng, người mà những phạm nhân cũng như quản giáo chỉ được thấy qua màn ảnh nhỏ.
“Trong trại khác bên ngoài lắm. Không ai khinh rẻ, căm phẫn mình cả. Họ hiểu rằng việc phải vào đó đã là sự trả giá thích đáng nhất cho những lỗi lầm gây ra rồi. Khi pháp luật đã trừng phạt, đã nhận sự trả giá thích đáng thì không ai có quyền chỉ trích, căm hận họ nữa”. Trong lời tâm sự của Vượng có một chút gì đó đắng cay mà sau này khi anh “mở lòng” hơn chúng tôi mới có thể hiểu được.
Trước khi về trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), Quốc Vượng đã phải thụ lý án ở 6 trại khác nhau. Ở đâu, anh cũng được những bạn tù dành sự ưu ái đặc biệt. Họ luôn quan tâm và hỏi han anh mỗi khi có thể. Chỉ là những hành động rất nhỏ thôi nhưng cũng đủ giúp lòng Vượng ấm thêm một chút. Trại giam ngày càng gắn bó, dần trở thành mái nhà thứ 2 của Quốc Vượng.
Ở trại, công việc thường xuyên nhất của Vượng chính là ngồi khâu vỏ bóng. Những ngày đầu chưa quen việc, hôm nào tay Vượng cũng rướm máu bởi mũi kim nhọn đâm vào tay. Có hôm anh còn cầm bát cơm không nổi vì quá đau. Tuy đau là vậy nhưng Vượng vẫn luôn cố gắng. Anh luôn hoàn thành đủ định mức, thậm chí sau khi quen việc rồi còn vượt chỉ tiêu mà “cán bộ” đề ra.
Nhớ trước kia, Vượng được bố mẹ nuông chiều, dù cuộc sống có vất vả đến mấy cũng không bao giờ phải động tay đến việc vặt trong gia đình. Nhưng bây giờ vào trại, anh đã thành thạo tất cả các công việc, từ nhặt rau cho đến dọn rửa, nấu cơm… Công việc tuy không vất vả, nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại.
“Ở trong đó ai cũng biết đến mình cả. Có 10 người thì phải đến 7, 8 người biết mình. Mà ngoài đời mình sống với người xã hội nhiều nên mình cũng hiểu tâm lý họ rồi dễ sống hơn. Quan trọng là mình sống thế nào nữa nên họ quý lắm. Chẳng ai gây khó dễ cho mình. Có chuyện gì cũng chia sẻ nên mình ngày càng có nhiều bạn và đỡ buồn hơn. Được quan tâm là điều hạnh phúc nhất với mình vào thời điểm đó”.
Niềm vui đến từ trái bóng
Điều đặc biệt và cũng là niềm vui lớn nhất với Quốc Vượng khi ở trong trại chính là vẫn được gắn bó với trái bóng tròn, niềm đam mê thực sự của cuộc đời anh.
Cũng chính nhờ luôn hoàn thành tốt công việc được giao nên Quốc Vượng được các quản giáo đặc cách cho tham gia những trận đấu bóng trong trại. Hàng ngày, Vượng vẫn phải lao động như những người khác, nhưng đến chiều tối, Vượng lại được đá bóng cùng các cán bộ.
Quốc Vượng giờ đang rất hạnh phúc với cuộc sống của mình |
“Thật khó để nói về cảm giác của mình lúc đó. Không thể ngờ được khi cuộc sống tưởng chừng như đi đến đường cùng mình vẫn được thỏa mãn đam mê. Lâu lắm rồi mình mới có được cảm giác chơi bóng thoải mái đến thế, không một chút sợ sệt, lo âu về những thứ bên ngoài khác…”
Mãi đến sau này, khi sắp đến ra trại Vượng mới được một quản giáo tiết lộ lý do anh được tạo điều kiện để chơi bóng. Rất nhiều người đã cảm động khi thấy anh nâng niu từng trái bóng khi ngồi khâu. Thậm chí, họ từng có lần nhìn thấy Vượng rơm rớm nước mắt … Tất nhiên, cũng nhờ việc cải tạo tốt nên Quốc Vượng mới có được đặc cách này.
Ở trại giam, khi khoác trên mình tấm áo sọc trắng đen mà Vượng vẫn hay nói đùa là áo “Juventus”, mấy người cán bộ quản giáo và bạn tù chỉ trông nhanh hết thời gian làm nhiệm vụ để được chơi bóng cùng Vượng. Nói vậy thôi, nhưng họ chơi thì ít, mà chủ yếu ngắm Vượng “thể hiện” thì nhiều. Mỗi lần Vượng thể hiện kỹ năng của một tiền vệ từng khuấy đảo trên sân cỏ, các cán bộ quản giáo và bạn tù lại ngạc nhiên, thán phục.
“Lúc ở trong trại giam Bình Thuận, sau khi đã có án rồi thì chiều nào các cán bộ cũng tạo điều kiện cho mình được đá bóng. Mình vẫn nhớ, lúc đó là ông Nguyễn Văn Tư, Phó Giám thị trại giam. Ông rất hâm mộ đá bóng. Lúc đó ông nói là ông quý cái tài của mình. Ông biết mình vẫn còn đam mê và muốn trở lại với nghiệp bóng đá nên nói mình chịu khó cải tạo, các cán bộ sẽ tạo điều kiện cho đá bóng, vừa tập luyện cho khỏe, vừa đỡ quên được kỹ thuật của mình”.
Tuy từ lâu, Vượng không được ra sân, nhưng những kỹ năng thì vẫn còn đó. Hơn hết, bóng đá đã là một niềm đam mê đối với Vượng, nên chỉ cần được chơi với quả bóng, Vượng thấy đời mình như sống lại …
|
>> Quốc Vượng – hồi ký cuộc đời (P1): Những tiếng rên sau song sắt!
>> Quốc Vượng – Hồi ký cuộc đời (P2): Thoát vòng luẩn quẩn
>> Tâm thư gửi Quốc Vượng: Đời thay đổi khi ta thay đổi!
>> Quốc Vượng bán vé xe Tết ở Hà Nội