Kích thích trí tưởng tượng cho nhiều nghệ sĩ
Mùa Hè năm 1962, nhiếp ảnh gia Mỹ Irving Penn đã chụp một bức ảnh chân dung đen trắng của họa sĩ Anh Francis Bacon tại studio của nghệ sĩ, nằm trong một nhà để xe ngựa cũ ở London.
Bức ảnh chụp sát gương mặt tròn đầy đặn, râu ria của Bacon từ một góc thấp khác thường. Ngay đằng sau đầu của Bacon là bản sao bức chân dung tự họa của Rembrandt. Hình ảnh của Penn đã tạo nên một sự liên kết giữa 2 nghệ sĩ mà người ta dễ nhận thấy.
Thực tế đối với Bacon và với nhiều nghệ sĩ đương đại và hiện đại, trong đó có cả họa sĩ Anh Frank Auerbach, Rembrandt là một chuẩn mực. 6 bức tranh của Auerbach đã được Phòng trưng bày Honour để cạnh tranh của Rembrandt nhằm giúp người ta thấy rõ sự ảnh hưởng của Rembrandt.
Một bức chân dung tự họa của danh họa Hà Lan Rembrandt.
|
Thoạt nhìn, trông các bức chân dung với những khối sơn dầu dày dặn, lởm chởm, giống phong cách trừu tượng của Auerbach có vẻ khác hẳn với nét vẽ của Rembrandt. Bức tranh dường như chịu ảnh hưởng của Van Gogh và Velazquez nhiều hơn và người ta không dễ dàng nhận thấy sức ảnh hưởng của Rembrandt tới nghệ sĩ này.
Nhưng theo sử gia nghệ thuật Taco Dibbits, người phụ trách các bộ sưu tập tại bảo tàng Rijksmuseum, Rembrandt vẫn gây ảnh hưởng mạnh tới cả Bacon và Auerbach. Ông nói rằng sự ảnh hưởng nằm tại khả năng của các họa sĩ, trong việc hiểu thấu được đề tài mà Rembrandt mô tả trong tranh của ông.
“Nhiều thế kỷ qua, Rembrandt đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ theo nhiều phương thức khác nhau. Cách ông mô tả sự hài hước cùng các trạng thái tâm lý khác nhau của nhân vật chính là yếu tố mê hoặc các nghệ sĩ. Điều đáng nói nữa là trong tranh, Rembrandt không bao giờ cố gắng mô tả người mẫu đẹp hơn hình ảnh của họ ngoài đời. Ông mô tả đúng về họ. Đó là điều khiến các bức chân dung của ông cực kỳ nhân văn và khiến người xem dễ dàng đồng cảm, không giống cách vẽ chân dung Italia cổ điển, vốn tạo cảm giác xa lạ. Rembrandt không bao giờ cố gắng làm hài lòng các người mẫu của mình hay người xem tranh” – Dibbits nói.
Trung thực với bản thân mình nhất
Rembrandt không trung thực với ai như với chính bản thân mình. Trong hơn 4 thập kỷ, từ cuối những năm 1620 đến khi qua đời vào năm 1669, Rembrandt đã cho ra đời khoảng 60 bức chân dung tự họa, mô tả chính xác ông ngoài đời. Được truyền cảm hứng từ Rembrandt, Bacon cũng đã tung ra một loạt tranh gồm khoảng 40 bức chân dung tự họa.
Một bức chân dung tự họa của Francis Bacon, vẽ năm 1970
|
“Bancon học hỏi cách xử lý màu sắc từ Rembrandt và lấy cả cảm hứng vẽ chân dung từ Rembrandt. Tự họa chân dung là một trong những công việc khó nhất đối với một nghệ sĩ, khi vẽ, bạn phải tách biệt hẳn con người mình. Bạn phải có được sự tự tin nhất định bởi đang vẽ chính mình, chứ không phải vẽ người lạ. Về mặt kỹ thuật cũng khó hơn, khi đó bạn phải nhìn mình qua gương, chứ không thể đi lại và chỉnh sửa được như khi làm việc với người mẫu” – Pilar Ordovas, thuộc Phòng trưng bày Ordovas giải thích.
Giống như những bức chân dung tự họa sau này của Rembrandt, chẳng hạn như bức Self-Portrait With Two Circles (1665), trong đó Rembrandt mô tả trải nghiệm cuộc đời đã vùi dập mình như thế nào, các chân dung tự họa của Bacon cũng thể hiện khía cạnh ấy. Trong các bức chân dung tự họa, gương mặt của Bacon thường sứt sẹo, thâm tím, như thể nó đang tàn tạ trước mắt người xem.
Học giả Martin Harrison, người đang biên tập catalogue các họa phẩm của Bacon, cho biết ông rất thích câu nói của nhà thơ kiêm nghệ sĩ Pháp Jean Cocteau: “Mỗi ngày soi gương, tôi thấy cái chết đang đến gần”.
Mặc dù Rembrandt luôn được các nghệ sĩ kính trọng, không phải lúc nào ông cũng được xem là họa sĩ vĩ đại nhất Hà Lan. Trong thế kỷ 18 và 19, những người am hiểu hội họa lại thích học trò Gerrit Dou của ông hơn. “Sinh thời, Rembrandt từng bị chỉ trích do không tuân thủ những quy tắc hội họa mà người Italia đặt ra. Người ta từng chê bai vì ông đã không tới Italia để học về điêu khắc và hội họa cổ điển” – Dibbits giải thích.
Nhưng với nhiều nghệ sĩ đương đại, Rembrandt chính là cha đẻ, người đã đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại sau này.
Thể thao & Văn hóa