Hãng tin Reuters cho biết, dự thảo sửa đổi này sẽ tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và quyền bỏ phiếu từ 49% lên 60%. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ được áp dụng đối với 1 số doanh nghiệp trong 1 số lĩnh vực nhất định, sau khi được hội đồng cổ đông và chính Thủ tướng thông qua.
Dự thảo này cũng đề xuất tăng quyền bỏ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chưa niêm yết lên 49%, bằng với giới hạn về sở hữu hiện tại là 49%.
Các nhà đầu tư đều bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo này và coi đây là một bước tiến tích cực trong việc tăng cường vốn cho 2 sàn chứng khoán ở Việt Nam. Tuy nhiên, quy định giới hạn sở hữu cần phải được nới lỏng hơn nữa để đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư và tăng cường hiệu quả kinh doanh của các công ty.
Trong năm này sàn chứng khoán ở TP. HCM (chỉ số VnIndex) đã tăng 21%, đây là mức tăng cao nhất ở Đông Nam Á và là mức tăng cao thứ 4 tại châu Á.
Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn giảm 57% so với mức đỉnh được xác lập vào 3/2007. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với các nước trong khu vực với tổng giá trị vốn hóa ở mức 40 tỷ USD, bằng 1/8 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều khả năng sẽ ở mức 5,42% trong năm 2013 và quốc gia này vẫn có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tăng trưởng.
Ông Trần Đắc Sinh, chủ tịch sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE), cho biết tỷ lệ sở hữu trung bình của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE ở mức 24% và nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều cơ hội để tăng tỷ lệ sở hữu của mình.
CEO của quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Scriven cho biết, vấn đề của Việt Nam là các công ty thuộc top đầu đã hết room. Cụ thể, sở hữu nước ngoài tại 12 trong tổng số 30 công ty đã đạt mức tối đa. Tổng tài sản của các quỹ đầu tư Việt Nam ở vào khoảng 1 tỷ USD, quá nhỏ so với Thái Lan. Do vậy quy định giới hạn sở hữu nước ngoài cần phải được nới lỏng hơn nữa để thu hút thêm vốn.