GS Phan Huy Lê đã tóm lược về nhân vật Lê Văn Tám này một cách đầy đủ theo lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu như sau:
GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28/8/1945, nên lúc bấy giờ GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu.
Vào khoảng tháng 10/1945, nhân có vụ kho xăng của Pháp ở Thị Nghè bị đốt cháy và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên GS Trần Huy Liệu đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.
GS giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.
Theo ý kiến của chính GS Trần Huy Liệu thì một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa…