ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Xu hướng nóng ấm chững lại và sự xuống cấp chữ tín trong khoa học
Monday, December 2, 2013 11:05
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


ierre Darriulat

B4INREMOTE-aHR0cDovLzEuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy0tNjlxZXJfOGVCZy9VcHpLZ1kyY0ZzSS9BQUFBQUFBQUtVOC9icnpjWlY3MHVQUS9zMjAwL2JpJUUxJUJBJUJGbislQzQlOTElRTElQkIlOTVpK2toJUMzJUFEK2glRTElQkElQUR1LnBuZw==Ba năm trước tôi từng viết một bài báo đăng trên tạp chí Tia Sáng1 về biến đổi khí hậu có tựa đề “Biến đổi khí hậu toàn cầu giữa khoa học và chính trị”. Bản báo cáo IPCC lần thứ 5 được công bố gần đây cho thấy chúng ta cần cập nhật và đánh giá lại hiện trạng tình hình.

Trong vòng một thế kỷ gần đây, nhiệt độ bề mặt Trái đất đã tăng khoảng 0,70 C. Đặc biệt trong nửa sau của thế kỷ, mật độ CO2 trong khí quyển tăng nhanh do những hoạt động của con người như đốt nhiên liệu gốc hóa thạch và phá rừng. Tuy nhiên, con người vẫn chưa hoàn toàn chứng minh được có mối quan hệ nhân quả giữa việc tăng hàm lượng CO2 và tăng nhiệt độ toàn cầu. Chúng ta chưa có được những thông tin chi tiết, do chưa đủ hiểu biết về quá trình hình thành mây, vai trò chính xác của nước đối với CO2, về mối tương tác giữa các đại dương và băng ở hai cực.

Với giả định rằng Trái đất là một thực thể đen tuyền vây bọc bởi khí quyển, [tính toán thống kê cho thấy] hàm lượng CO2 tăng gấp đôi sẽ khiến nhiệt độ bề mặt hành tinh tăng xấp xỉ 1,20 C. Nhưng nếu chúng ta điều chỉnh bài toán thống kê với sự gia tăng vai trò của những tác nhân như các đại dương, các đám mây, gió, mức bay hơi của thảm thực vật, v.v, sẽ cho các kết quả thống kê rất khác biệt – giả dụ với mức bay hơi thay đổi khoảng xấp xỉ dưới 5% thì tác động tới nhiệt độ hành tinh đã là rất lớn. Nó cho thấy sự nóng ấm toàn cầu có thể thuần túy do những nguyên nhân mang tính tự nhiên, hoặc thuần túy do con người, hoặc do cả hai – song chúng ta lại chưa biết được tỷ trọng ảnh hưởng của mỗi tác nhân. Hơn nữa, con người có thể mất tới vài thập kỷ thu thập dữ liệu để có những đánh giá xác đáng sát với thực tế.

Tuy nhiên, việc gia tăng nhiệt độ là vấn đề ảnh hưởng tới sinh mạng của rất nhiều người, vì vậy Liên Hợp Quốc đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) có nhiệm vụ đánh giá “những thông tin khoa học, công nghệ, và kinh tế – xã hội liên quan tới nguy cơ con người gây ra biến đổi khí hậu”. Trong Báo cáo Đánh giá lần 4 vào tháng 11 năm 20072, IPCC khẳng định “có 5% khả năng là hiện tượng nóng lên toàn cầu thuần túy chỉ gây ra bởi các tiến trình tự nhiên. Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 1,10 C tới 6,40 C trong thế kỷ 21; có trên 90% khả năng sẽ xảy ra thường xuyên hơn các hiện tượng nóng lên, sóng nhiệt, và mưa lớn; có trên 66% khả năng sẽ gia tăng các trận hạn hán, xoáy tụ nhiệt đới, và sóng biển rất lớn; việc xả khí thải CO2 trong quá khứ và tương lai đều sẽ tiếp tục đóng góp vào hiện tượng nóng ấm và tăng mực nước biển trong vòng hơn một thiên niên kỷ”.

Ở đây IPCC phải đối diện một lựa chọn khó khăn: hoặc là làm một báo cáo khách quan và khoa học nhưng không đưa ra được một thông điệp dứt khoát để thuyết phục các nhà làm chính sách; hoặc là đưa ra thông điệp mà họ cho là đúng đắn, để rồi vấp phải sự phản đối của giới khoa học. Thực tế là IPCC đã quyết định chọn lựa chọn thứ hai. Điều này gây ra một hậu quả ngoài dự kiến, đó là tình trạng xung đột và căng thẳng trở nên phổ biến trong cộng đồng làm khoa học. Chưa kể còn liên quan tới những lợi ích chính trị và tài chính rất quan trọng. Thông tin tới công chúng bị phụ thuộc vào giới truyền thông, trong khi Internet trở thành trận địa riêng giữa hai phe, một bên là những người ủng hộ thuyết khí hậu nóng ấm gây ra bởi con người, còn bên kia là những người nghi ngờ. Một số hành vi phản khoa học trở nên phổ biến, như che giấu dữ liệu nhằm bảo vệ cho luận điểm riêng (như vụ tai tiếng Climategate), hoặc xào xáo khoa học vào những hoạt động mang tính phong trào như Greenpeace hay Quỹ World Wildlife (bao gồm cả chủ tịch của IPCC, TS. Rajendra Pachauri. Hậu quả là hình ảnh khoa học trước công chúng trở nên xuống cấp nghiêm trọng.
   
Cục diện hiện nay? 

Sự ổn định tương đối của nhiệt độ bề mặt Trái đất trong vòng 15 – 20 năm qua – người ta gọi đây là một sự chững lại, hay một gián đoạn – có vẻ như sai lệch rõ ràng với những dự đoán theo mô hình đưa ra bởi IPCC (xem hình 1). Bên cạnh đó, một sai lệch thậm chí còn lớn hơn về cái gọi là điểm nóng, một dự đoán khá phổ biến từ các mô hình giả lập biến đổi khí hậu, cho rằng tình trạng nóng ấm sẽ gia tăng mạnh hơn ở các vĩ tuyến khu vực nhiệt đới, hay các vĩ tuyến khu vực giữa của vùng ôn đới, nhưng kết quả quan sát thực tế đã chứng minh hiệu ứng này hoàn toàn không đáng kể (xem hình 2). 


B4INREMOTE-aHR0cDovLzQuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy14YlJqNFZzamJRUS9VcHpLM0RIcVNXSS9BQUFBQUFBQUtWRS9ybXNMc3RYSUZfdy9zNDAwL2gxLmpwZw==
Hình 1. So sánh dự đoán từ các mô hình (các đường nét mảnh) với quan sát thực tế (các đường in đậm bên dưới) về xu hướng nhiệt độ vùng khí quyển thấp so với của năm 1979.

B4INREMOTE-aHR0cDovLzMuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1HUFZFZWNJNWxEcy9VcHpLM215STZUSS9BQUFBQUFBQUtWSS9SaXpkZ0R0Y1BaVS9zMTYwMC9oMi5qcGc=
Hình 2. So sánh giữa dự đoán từ các mô hình (những đường có nét mảnh) và quan sát trong thực tế (các điểm vuông và tròn bên dưới) về xu hướng nhiệt độ khoảng giữa tầng bình lưu so với của năm 1979.
Một vấn đề nữa, mặc dù không thật sự quan trọng, là sự hồi phục của băng phủ vùng cực trong mùa hè năm 20133, bên cạnh đó là sự vắng bóng những cơn bão lớn4, một mặt gây mâu thuẫn với các dự đoán trước đây, mặt khác làm bùng lên xu hướng phê phán từ phía những người nghi ngờ hiệu ứng nóng ấm toàn cầu, những người gần đây vừa đưa ra một báo cáo tương phản với báo cáo của IPCC, có tựa đề “Xem xét lại biến đổi khí hậu: II” 5. Họ nhấn mạnh vào những sai lệch từ các dự đoán của các mô hình biến đổi khí hậu mà thực tế cho thấy là không hề xảy ra. Ví dụ như những dự đoán về nhiệt độ khí quyển tăng trên 0.30 C so với 15 năm trước, nhiệt độ đại dương tăng trên 0,20 C so với năm 2000, băng ở Nam Cực tan dần vào cuối thế kỷ 20, hay dự đoán rằng nhiệt độ sẽ tăng 30 C khi lượng khí thải CO2 cao gấp đôi thời kỳ tiền công nghiệp trong khi thực tế quan sát cho thấy nhiệt độ chỉ tăng thêm 10 C. Các mô hình này cũng đánh giá quá thấp (bằng 1/3 thực tế) hiệu ứng của việc bốc hơi nước trên bề mặt khi nhiệt độ tăng; giả định sai rằng khí thải CO2 là nguyên nhân duy nhất khiến nhiệt độ tăng từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp; lờ đi những biến động mang tính nội tại của các đại dương như AMO và PDO (hay còn gọi là El Niño/La Niña); bỏ qua tác động của chu kỳ mặt trời đối với luồng tia vũ trụ và ảnh hưởng hệ quả tới sự hình thành các đám mây6; mô hình hóa sai lệch những thay đổi do các hạt aerosol (những hạt nhỏ lơ lửng trong không khí); chưa kể các mô hình giả lập này còn bị giới hạn nghiêm trọng bởi những hạn chế trong năng lực tính toán và sự thiên lệch. Trong khi đó, với những nhà khoa học tỏ ra trung dung và khách quan, quan điểm phổ biến vẫn cho rằng con người vẫn chưa đủ kiến thức để đưa ra những dự đoán đáng tin cậy7.

Một sự cố đáng tiếc khác, đôi khi được gọi là Glaciergate, là tuyên bố đáng kinh ngạc mà báo cáo IPCC 2007 đưa ra, rằng khả năng băng phủ dãy Himalaya “sẽ biến mất vào năm 2035 hoặc có thể sớm hơn là rất cao”, vốn là một thông điệp được cắt dán lại từ một kết luận của WWF, tuy chưa hề được các chuyên gia độc lập thẩm định nhưng lại lọt lưới qua hàng ngàn đôi mắt các nhà khoa học của IPCC. Đây là sự cố làm ảnh hưởng tới uy tín của toàn bộ IPCC, đặc biệt với cách phản ứng kiêu ngạo của vị chủ tịch ủy ban này sau khi sự cố này bị phát hiện. 

Tháng 3 năm 2010, Hội đồng Học thuật Quốc tế, một tổ chức  có sự góp mặt của vài viện hàn lâm khoa học quốc gia, được yêu cầu thẩm định các quy trình của IPCC; họ đưa ra báo cáo kết luận vào tháng 10 cùng năm8, với sự đánh giá khá công bình, trong đó ngoài việc ghi nhận những thành quả và tán thành trên bình diện tổng thể các kết luận của IPCC, báo cáo còn phê phán nghiêm khắc các hoạt động quản trị, quản lý, và thông tin của tổ chức này.

Hậu quả là ấn tượng của công chúng về khoa học thêm một lần nữa bị xuống cấp.

Báo cáo IPCC lần thứ năm

Trong bối cảnh như vậy IPCC (WG1) đưa ra Báo cáo lần thứ năm9 vào ngày 27 tháng 9, 2013.  Nhìn chung, báo cáo này xác nhận lại những kết luận của báo cáo lần thứ tư được đưa ra từ 6 năm trước. Họ ghi nhận tình trạng chững lại của xu hướng gia tăng nhiệt độ, nhưng mặt khác lại có những nỗ lực vụng về và đáng tiếc để làm giảm thiểu ý nghĩa quan trọng của vấn đề này, thể hiện qua những chỉnh sửa gây khác biệt giữa bản chính thức được công bố cho công chúng so với bản thảo cuối cùng bị rò rỉ trước đó. Về cơ bản họ cho rằng những biến động như vậy trong khoảng thời gian vài thập kỷ là điều bình thường, và không thể được coi là căn cứ để phủ nhận xu hướng nóng ấm toàn cầu trong lâu dài.

Họ nói như sau: “trung bình toàn cục của xu hướng biến thiên nhiệt độ cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các khoảng biến động trong các thập kỷ. Xu hướng nóng ấm trong vòng 15 năm qua, dao động trong khoảng 0.05±0.10oC nhỏ hơn so với khoảng dao động 0.11±0.03oC của xu hướng từ năm 1951 tới nay10.[...] Việc giảm xu hướng nóng ấm được quan sát thấy trong giai đoạn 1998-2012 là do xu hướng giảm bức xạ đồng thời với tác động làm mát của những biến động nội tại, trong đó có thể có sự điều hòa nhiệt trên đại dương (ở mức tin cậy trung bình). [...] Có thể tin cậy ở mức trung bình rằng những nguyên nhân gây biến động trong khoảng thời gian thập kỷ là nguyên nhân đáng kể tạo ra khác biệt giữa quan sát thực tế và các dự đoán giả lập; các mô hình giả lập đã không dự kiến tới những thời điểm biến thiên mang tính nội tại. Cũng có thể có phần là từ những thiếu sót, và trong một số mô hình đã có sự dự đoán quá cao tác động từ khí nhà kính cùng những hoạt động của con người. [...] So với thời kỳ làm báo cáo đánh giá lần thứ tư, các mô hình khí tượng hiện nay đã có tính đến tác động của mây và các hạt aerosol cùng những tương tác của chúng, nhưng việc biểu đạt và lượng hóa các tiến trình này trong các mô hình vẫn có độ tin cậy thấp. [...] Có thể tin cậy ở mức trung bình rằng chu kỳ mặt trời biến thiên 11 năm ảnh hưởng tới những biến động khí tượng trên khoảng thời gian thập kỷ. [...] Các tia mặt trời làm tăng cường hình thành các hạt trong tầng đối lưu, nhưng tác động đối với mật độ những tâm điểm hình thành mây là quá yếu để tác động tới khí tượng ở mức quan sát thấy được9”.

Nhìn chung, Báo cáo Đánh giá lần thứ năm đem đến cho người đọc cảm giác trung dung, hài hòa, hoàn toàn tương phản với những nhận định căng thẳng bùng lên từ phía những người ngờ vực sau khi bản dự thảo bị rò rỉ; IPCC ghi nhận rằng các mô hình giả lập đã không phản ánh được tình trạng chững lại của xu hướng gia tăng nhiệt độ, quy nguyên nhân là do các núi lửa, Mặt trời, các hạt aerosol, những biến động của đại dương (dạng như El Niño/La Niña) và tác động bức xạ bên ngoài từ khí nhà kính đã không được giả lập một cách thích hợp.

Mặc dù có thể nhất trí với IPCC rằng tốt nhất nên chờ đến Báo cáo Đánh giá lần thứ sáu trước khi hân hoan về sự chững lại, nhưng chúng ta phải lấy làm tiếc vì họ đã không nhìn nhận rằng cơ sở cho các dự đoán trước đây đã có phần không đáng tin cậy, đặc biệt là các dự đoán trong khoảng thời gian một phần tư cuối của thế kỷ 20, thay vào đó họ lại khẳng định rằng “các mô hình giả lập khí tượng đã phản ánh được các xu hướng biến đổi nhiệt độ bề mặt trên quy mô lục địa trong nhiều thập kỷ […] Có rất nhiều khả năng để cho rằng ảnh hưởng của con người là nguyên nhân chủ chốt gây ra tình trạng nóng ấm kể từ giữa thế kỷ 20 tới nay. […] Việc tiếp tục thải khí nhà kính sẽ gây nóng ấm nhiều hơn cùng những biến đổi trên mọi thành phần của hệ thống khí tượng. Giới hạn biến đổi khí hậu đòi hỏi sự cắt giảm đáng kể và lâu dài đối với khí thải nhà kính”. Thật đáng xấu hổ khi người ta cứ khăng khăng tin tưởng vào các mô hình giả lập bất chấp những khiếm khuyết trong dự báo của chúng so với kết quả quan sát thực tế. Nhiều người sẽ coi đây là một sự thiên lệch và càng củng cố thêm mối nghi ngờ cho những kết luận của IPCC.

Dưới góc độ khoa học, cách trình bày và phương pháp luận của IPCC đáng phê phán. Đáng nói nhất là cách họ đưa ra những con số xác suất vô nghĩa nhằm tạo ấn tượng sai lệch cho độc giả rằng các kết luận được đo đếm với độ chính xác cao. Chẳng hạn họ tuyên bố các xác suất 90% hay 95% cho những mệnh đề mà thực ra không thể đo lường xác xuất một cách thích đáng. Khi một người không biết được mô hình của mình có thiếu sót nào, thì làm sao người đó có thể lượng hóa được thiếu sót này thành xác suất cụ thể? Họ coi việc thiếu mối liên quan chắc chắn giữa những thay đổi từ các tia vũ trụ với sự hình thành mây như cái cớ để bỏ qua sự trùng hợp rõ rệt giữa các chỉ số khí tượng với những luồng tia vũ trụ được quan sát thấy, và về cơ bản họ lờ đi mà không thảo luận đến điều này. Sự thiên lệch lộ liễu kiểu này vốn không phải là hiếm. Người ta thường đưa ra những luận điểm dựa trên sự đồng thuận của nhiều ý kiến và xem đó như một tiêu chí khoa học. Nhưng khoa học không thể chỉ thuần túy dựa trên sự bình bầu. Nếu không chắc chắn về tính đúng đắn của một mệnh đề, chúng ta cần xét đến những mệnh đề hợp lý khác và trình bày chúng ra một cách đầy đủ. 

Tình trạng trên làm chúng ta nhớ đến những điều xảy ra trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hồi thập kỷ 1980, khi những luận điểm thiếu căn cứ và cảm tính trở nên thắng thế trong nhận thức của công chúng mà hệ quả là năng lượng hạt nhân ngày nay bị nghiêm cấm ở một số quốc gia. Chúng ta không nên chỉ trích nhiệt huyết của các nhà hoạt động môi trường, thậm chí không thể phê phán khi họ sử dụng những lý lẽ sai lệch – chẳng hạn luận điểm cho rằng băng trên đỉnh Himalaya đang tan – để đánh động ý thức bảo tồn trong công chúng. Nhưng nếu xu hướng này trở nên quá trớn sẽ dẫn đến những quyết định sai lệch gây hậu quả không thể đảo ngược. Ví dụ như đối với năng lượng hạt nhân là loại năng lượng có tính bền vững, an toàn, và sạch hơn so với việc đốt nhiên liệu gốc hóa thạch, nhưng người ta lại phản đối năng lượng hạt nhân và ủng hộ cho các phương thức cracking khai thác khí tự nhiên, hay khoan sâu xuống lòng biển. Có những người còn vô trách nhiệm tới mức nhảy dù xuống tháp làm mát lò phản ứng hạt nhân [để tạo trong công chúng ấn tượng rằng những nhà máy này không đảm bảo tính an ninh], và đánh đồng sự cố Fukushima gây ra bởi sóng thần với nguy cơ tan chảy lõi lò phản ứng [ở các nhà máy khác]. Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi sự quản lý với đầy đủ năng lực và tinh thần trách nhiệm, việc đòi hỏi thay đổi định hướng phát triển ngành này một cách tức thời [như những nhà hoạt động môi trường đang đòi hỏi] sẽ không tránh khỏi những mối nguy hại trong lâu dài.

Thái độ tiêu cực hiện thời của các nhà hoạt động môi trường đối với hiện tượng nóng ấm toàn cầu cũng đang dẫn tới những quyết định sai lệch có thể gây hậu quả không thể đảo ngược. Ở phía bên kia, những người ngờ vực đưa ra những lý lẽ vô trách nhiệm, cho rằng nóng ấm toàn cầu không phải là do hoạt động của con người, rằng CO2 trong khí quyển là điều tốt cho nông nghiệp, thậm chí còn cho rằng thế giới đang bước vào thời kỳ nguội lạnh toàn cầu. Nhưng nhân loại đã tồn tại trên Trái đất khoảng 10 tỷ năm và chúng ta đủ tri thức để biết rằng điểm cân bằng về môi trường là rất mong manh, việc tiếp tục gia tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển với tốc độ như hiện nay là sự vô trách nhiệm, và chúng ta chẳng cần IPCC phải thuyết phục để hiểu ra điều hiển nhiên này.            

Còn ở phía ngược lại, các nhà hoạt động môi trường cũng vô trách nhiệm một cách tương tự khi họ gửi tới các nhà làm chính sách những thông điệp quá mức cực đoan, như thông điệp của vị chủ tịch của IPCC trong một hội nghị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức môi trường Green Cross International, rằng “chúng ta chỉ còn 5 phút trước khi nửa đêm”.            

Mặc dù hiển nhiên là chúng ta cần điều chỉnh chính sách năng lượng để phù hợp với những hạn chế về nguồn nhiên liệu gốc hóa thạch và nhu cầu bảo tồn môi trường, nhưng chúng ta cần giữ được cái đầu lạnh và cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai. Sự hoảng loạn chẳng bao giờ là tốt. Sự gia tăng thái độ bất chấp lý lẽ mà chúng ta đang phải chứng kiến ngày nay, và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa những người theo thuyết nóng ấm toàn cầu với những người nghi ngờ sẽ chỉ mang đến thảm họa.

Sẽ là nguy hiểm nếu chúng ta khẩn trương thái quá trước thông điệp của IPCC. Nó sẽ thúc đẩy những khoản đầu tư khổng lồ, như khoản đầu tư lên tới hai trăm năm mươi tỷ USD dành cho năng lượng tái tạo trong năm 2011; những giải pháp quy mô hành tinh gây tốn kém tới vài phần trăm GDP gây tranh cãi về tính hợp lý; kèm theo đó là những dự án không tưởng được cân nhắc, ví dụ như thả hàng ngàn tấn sulphate sắt xuống biển, thả hàng triệu tấn aerosol lên tầng bình lưu, hay đưa hàng triệu km vuông kính lên không gian để phản quang bảo vệ cho Trái đất. Đến nay, hàng tỷ dollar đã được đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô để phát triển ô tô điện, một điều tối vô lý ở những quốc gia sản xuất điện bằng cách đốt nhiên liệu gốc hóa thạch, chưa kể tới nạn ô nhiễm liên quan tới ắc quy của những chiếc xe này. Chúng ta cần cân nhắc kỹ trước những quyết định như vậy để có thể thực sự yên tâm rằng chúng hợp lý và đảm bảo tương lai lâu dài của hành tinh.  

Vấn đề về năng lượng mà các thế hệ tương lai phải đối diện là rất lớn, nhiều khả năng sẽ là một trong những yếu tố chi phối đời sống của con người. Giữa một bên là khẩn trương một cách thái quá và bên kia là ngờ vực một cách vô trách nhiệm, chúng ta cần tìm ra sự cân bằng hài hòa để đưa ra những quyết định hợp lý và sáng suốt. Nhưng mối quan hệ ngày càng rõ rệt giữa IPCC và các nhà hoạt động môi trường khiến tổ chức này càng khó có thể giữ được vai trò trung dung như vậy.

Với tư cách là những nhà khoa học và công dân của thế giới, chúng ta có trách nhiệm ngăn không để cuộc tranh cãi về biến đổi khí hậu trở nên nóng bỏng vượt quá mức độ hiện tại. Năm 2007, cái gọi là Dự án Thỉnh nguyện thư Biến đổi Khí hậu công bố một danh sách với hơn 31 nghìn nhà khoa học, trong đó có hơn 9000 người có bằng tiến sĩ, họ khẳng định rằng “không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để chứng minh rằng hoạt động xả khí carbon dioxide, methane, hay các khí nhà kính khác, đang hoặc sẽ làm nóng ở mức độ thảm họa đối với khí quyển của Trái đất hoặc gây gián đoạn khí hậu của Trái đất.” Điều này cho thấy sự đồng thuận của giới khoa học đối với IPCC chỉ mang tính tương đối.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng trích dẫn từ Judith Curry11: “quá trình tìm kiếm đồng thuận về quan điểm khoa học đã dẫn tới một hậu quả ngoài mong muốn, đó là sự đơn giản hóa vấn đề và giải pháp một cách quá mức, kèm theo đó là chính trị hóa cả hai một cách thái quá, đem sự thiên lệch vào khoa học và tiến trình xây dựng các quyết sách. Các nhà khoa học không nhất thiết cần phải đồng thuận để đưa ra tiếng nói có tính thuyết phục. Tính thuyết phục phải dựa trên sự đáng tin của các luận điểm, trong đó phải có sự phản ánh rõ rang những điểm chưa chắc chắn, những điểm mơ hồ, và những lĩnh vực con người chưa biết, và phải cởi mở hơn nữa trước những bất đồng. Vai trò của nhà khoa học không phải để phát triển ý chí chính trị phục vụ hành động bằng cách che dấu hoặc đơn giản hóa những điều chưa chắc chắn, dù theo cách công khai hay ngấm ngầm, nhằm thỏa hiệp cho sự đồng thuận. Tiến trình tìm kiếm đồng thuận trong khoa học phải được loại trừ, nhường chỗ cho phương thức thẩm định truyền thống, đó là trình bày mọi luận điểm ủng hộ và phản đối, thảo luận về những điểm chưa chắc chắn, đưa ra suy đoán về các thông số đã biết hoặc chưa biết. Tôi cho rằng một quy trình như vậy sẽ hỗ trợ tiến trình khoa học được nhiều hơn, và hữu ích hơn cho các nhà làm chính sách. Hãy từ bỏ phương thức tìm kiếm sự đồng thuận trong khoa học, nhường chỗ cho những tranh luận, thảo luận cởi mở trên một diện rộng các lựa chọn chính sách giúp giả lập các giải pháp cho địa phương và khu vực, cho những vấn đề có tính đa diện và liên thông nhau xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu”. 
            THANH XUÂN dịch
———————–

1 Pierre Darriulat, Khoa học và Chính trị với hiện tượng nóng lên toàn cầu, Tạp chí Tia Sáng, số 18 ngày 20/9/2010.
2 IPCC cứ 6 năm lại công bố một báo cáo đánh giá. Trong đó bao gồm một báo cáo tổng hợp và các báo cáo từ các nhóm chuyên đề: WG1 báo cáo về cơ sở khoa học nền tảng; WG2 báo cáo về những tác động, sự thích nghi, và nguy cơ; WG3 báo cáo về sự giảm nhẹ biến đổi khí hậu; báo cáo từ mỗi nhóm chuyên đề đều kèm theo bản tóm tắt các khuyến nghị cho các nhà quản lý. Mọi báo cáo có thể được tham khảo tại:  http://www.ipcc.ch/publications_and_data/publications_and_data_reports.shtml#.UkYc60b-J1s.
3 http://nsidc.org/arcticseaicenews/
4 http://science.time.com/2013/09/09/a-silent-hurricane-season-ignites-a-debate-over-global-warming/
5 Nongovernmental IPCC (NIPCC), Climate change reconsidered II, http://heartland.org/media-library/pdfs/CCR-II/Summary-for-Policymakers.pdf, September 2013.
6 Điều này đã được bàn chi tiết hơn trong bài báo trước của tôi (chú thích 1) và bài tiếp theo của Nguyễn Văn Hiệp; tham khảo thêm tại http://www.stopgreensuicide.com/
7 Climate Dialogue: On missing tropical hotspot (July 2013), On the readiness of regional models for prime time (May 2013), On long term persistence and trend significance (April 2013), http://www.climatedialogue.org/.
Yale Forum on Climate Change and the Media, Examining the Recent Slow Down in Global Warming, 09/2013, http://www.yaleclimatemediaforum.org/2013/09/examining-the-recent-slow-down-in-global-warming/
8 Inter Academy Council, Climate Change Assessments, Review of the Processes and Procedures of the IPCC, 01/10/2010.
9 IPCC, Assessment Report V, Working Group I, Summary for Policy Makers, http://www.climatechange2013.org/
images/uploads/WGIAR5-SPM_Approved27Sep2013.pdf
10 Những dòng in đậm xuất hiện trong bản dự thảo cuối cùng bị rò rỉ, nhưng không xuất hiện trong bản công bố chính thức.
11 Judith Curry, Consensus Distorts the Climate Picture, The Australian, 21/09/ 2013.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.