(Xã hội) – Những ngày đầu tháng 12-2013, cuộc sống tại ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng bỗng bị xáo động bởi một chuyện lạ kỳ.
Lợn có vòi ở Sóc Trăng
Con lợn nái nhà chị Lâm Thị Nga trong ấp đẻ lứa thứ 5. Con lợn nái khỏe mạnh, mỗi năm một lứa đã đem lại cho nhà chị một khoản thu nhập khá. Năm nay lợn đẻ tháng 12, gần Tết xuất lứa lợn giống cũng có khoản tiền tiêu. Cả nhà chị Nga ai cũng mừng. Con lợn nái đẻ lứa này được 7 con. Lợn con sinh ra mạnh, bú khỏe, một lúc sau đã chạy quấn quanh lợn mẹ. Tuy nhiên trong số các lợn con có một con người bóng lưỡng, da hồng hay chúi vào bụng mẹ. Đến khi chị Nga bắt ra mới thấy đó là một chú lợn có cái mũi kéo dài như một cái vòi con voi. Cẩn thận, chị tách đàn nuôi riêng con voi có vòi. Khi cân lên, con lợn có vòi nặng 1,4 kg, rất khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn.
Tuy nhiên tin nhà chị Nga có con heo lạ kỳ đã làm cuộc sống ấp Bưng Sa bị đảo lộn. Hàng ngày có hàng trăm người từ khắp miền Tây Nam bộ tới xem con lợn có vòi. Ngày cao điểm có tới gần 500 người đến ngôi nhà bé nhỏ của chị Nga. Nhiều tin đồn mê tín dị đoan, nhiều người đã có những hành vi cầu cúng xin tài xin lộc. Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc, giải thích cho những người hiếu kỳ và những người mê tín dị đoan nhưng cũng không ngăn cản nổi dòng người mỗi ngày một đông hơn. Chịu hết nổi, chị Nga đành đem con lợn có vòi cúng vào chùa Bưng Sa. Con lợn hiện nay vẫn sống khỏe mạnh và lớn mau. Tuy nhiên từ khi đưa lợn có vòi vào chùa, lượng người đến xem ít hẳn.
Thật ra hiện tượng lợn có vòi hoặc heo có biến dị không lạ. Trên thế giới và ngay tại Việt Nam nhiều lần xuất hiện hiện tượng này.
Lợn có hình dạng lạ đã có tại Việt Nam
Đầu năm 2013, trên internet xuất hiện một bức ảnh về một chú “lợn mặt khỉ” đang sống tại xóm Báo, xã Bao La, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Chú lợn này có khuôn mặt rất giống loài khỉ, trong khi đó các bộ phận khác (chân, mình…) lại hoàn toàn không khác gì so với những chú lợn bình thường. 8 anh chị em cùng lứa của chú không có biểu hiện gì khác thường. Chú lợn này có chiếc mũi ngắn lại hếch như mũi khỉ ăn khỏe, tăng trọng nhanh và theo tin mới nhận được, chú đã được mổ thịt đem ra chợ bán như mọi chú lợn khác trên đời. Những người ăn thịt chú lợn này khẳng định thịt của nó không khác mọi con lợn khác.
Sáng sớm ngày 13-10-2012, một lợn mẹ ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, Bình Phước đã đẻ ra một lợn con có hình dạng rất giống… trẻ sơ sinh. Con lợn này nặng khoảng hơn 1kg, đầu tròn giống đầu người, toàn thân không có lông, có lớp da giống da người. Chú lợn đã chết ngay khi mới sinh ra.
Trưa 10-12-2012, một lợn mẹ ở xóm Hòa Tiến, Thanh Hòa, Thanh Chương, Nghệ An đã đẻ được 6 con. Trong số đó, có 1 con lợn có hình thù y hệt voi con với mõm như vòi voi dài khoảng 10cm, tai to như tai voi nhưng chân lại là chân lợn. Đôi mắt của con lợn này có màu đỏ khác lạ.
Ngày 28-5-2011 tại TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra một vụ việc tương tự. Bà Nguyễn Thị Hòa (380 đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM) cho biết: Chiều cùng ngày, con lợn nái gia đình nuôi đẻ được 9 lợn con và tất cả đều bình thường. Tuy nhiên chưa thấy lợn mẹ ra nhau nên bà gọi bác sĩ thú y đến tiêm. Đến khoảng 19h cùng ngày, khi kiểm tra chuồng bà Hòa phát hiện lợn mẹ đẻ thêm 1 lợn con nhưng hình thù vô cùng quái dị. Toàn bộ phần đầu lợn con giống như voi với 1 cái vòi cùng 2 cái tai to, dài.
Ngay khi nghe thông tin “lợn đẻ ra voi”, hàng trăm người dân hiếu kỳ ùn ùn kéo đến xem, đứng chật kín một đoạn đường Nguyễn Văn Tăng. Lực lượng công an, dân phòng phường Long Thạnh Mỹ đã nhanh chóng có mặt duy trì trật tự, đồng thời vận động gia đình bà Hòa giao “lợn đầu voi” (lúc này đã chết) cho công an phường để giải tán đám đông.
Chuyên gia lý giải hiện tượng “lợn đẻ voi”
Theo dõi vấn đề này qua các bức ảnh, ThS Lê Thế Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương cho rằng, đây chỉ là hiện tượng đột biến gen di truyền. Đột biến này có thể có nguyên nhân di truyền hoặc bị nhiễm độc trong quá trình heo mẹ có thai. Có thể phân biệt động vật bị đột biến gen di truyền với đột biến gen do nhiễm độc ngoại quan như thức ăn, cách nuôi hay môi trồng… Theo ThS Lê Thế Tuấn, hình thù lợn theo như trên ảnh chụp được hoàn toàn không phải là hình thù của loài voi mặc dù có một số điểm hơi giống là tai to, vòi dài hơn so với thông thường. Còn các yếu tố khác như thân, móng chân đều vẫn giữ nguyên là móng của lợn. Đây là hiện tượng thường gặp ở Việt Nam, không khó để xác định nguyên nhân. Đây là hiện tượng đột biến gen di truyền, hoàn toàn không hiếm gặp trên thế giới hay nước ta. Trước đây ở Trung Quốc đã có con lợn hai đầu, hay lợn 5 chân 7 móng… Nguyên nhân do trong quá trình trao đổi các đoạn nhiễm sắc thể giữa con đực và con cái có thể có sai sót. Vấn đề này vẫn diễn ra ở các loài, thậm chí là người. Tỉ lệ được xác định có thể lên đến 1 phần triệu. “Đây là hiện tượng đột biến gen, không phải là loài lợn vòi quý như một số người đồn thổi”.
Một nguyên nhân nữa dễ gây ra đột biến là do lợn nái rối loạn sinh sản. Hội chứng rối loạn sinh sản xuất hiện ở lợn có rất nhiều nguyên nhân: Do thức ăn có giá trị dinh dưỡng kém, mất cân đối thành phần và giá trị dinh dưỡng, hôi mốc có nhiều độc tố… Việc cho lợn ăn nhiều chất bột, chất đường sẽ làm cho lợn béo mập, nhiều mỡ. Trong khi đó thiếu đạm và vitamin A, D, E sẽ làm cho buồng trứng chậm phát triển và làm chậm quá trình động dục hoặc không động dục ở lợn. Lợn nái có chửa thai thường yếu và quái thai… Cũng có thể do nuôi lợn trong chuồng trại chật hẹp, không thường xuyên đi lại vận động nên sinh ra béo mập và làm cho cơ quan sinh dục không phát triển. Chuồng nuôi quá nhiều lợn gặp thời tiết nắng nóng kéo dài cũng có thể làm rối loạn sinh sản. Do hiện tượng lai tạo đồng huyết, cận huyết cũng làm cho giống lợn bị thoái hóa, chậm sinh, vô sinh. Lợn nái có chửa sẽ khó đẻ, thai yếu và dễ sinh ra các quái thai… Do rối loạn nội tiết: các kích dục tố của heo phát triển không bình thường khiến cho buồng trứng phát triển không ổn định, trứng không rụng hoặc rụng ít và không đều, khả năng thụ thai kém…
2013-12-22 04:09:42
Nguồn: http://phunutoday.vn/xa-hoi/xuat-hien-lon-de-ra-voi-lam-xon-xao-ca-tinh-soc-trang-37808.html