Vào quãng thời gian Nguyễn Quí Đức trở về Hà Nội vào năm 1989 sau hơn một thập kỷ ở Mỹ, những chuyện kể trên dường như đã kết thúc. Chính phủ Việt Nam gần đây đã đưa ra chính sách “Đổi mới” và nền kinh tế vốn do nhà nước kiểm soát chặt chẽ đã từ từ được nới lỏng.
“Có một sự cởi mở. Ông Đức nói. “Nhà văn đã có thể viết về chiến tranh và vài hoàn cảnh của xã hội. Người ta cũng nói về những mối liên kết giữa các nghệ sĩ”.
Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi lớn trong xã hội, nền nghệ thuật vẫn còn non trẻ và chưa được phát triển. Ngay cả với sự ra đời của Internet vào đầu năm 2000 đã giúp VN tiếp cận với các xu hướng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thiếu sự tự đổi mới về văn hóa.
Cho đến năm nay, khi một số nghệ sĩ và các doanh nhân sáng tạo, mà đi tiên phong là Đức và nhà thiết kế nội thất Trần Vũ Hải, đã biến một nhà máy sản xuất dược phẩm từ thời Liên Xô tại Hà Nội thành một khu liên hợp nghệ thuật.
Giống tổ hợp nghệ thuật 798 District của Bắc Kinh, Zone9 cung cấp một không gian để trưng bày loại hình nghệ thuật thử nghiệm, các quán cà phê và quán bar. Đó cũng là tín hiệu đầu tiên mà Việt Nam đang chuyển dần từ chủ nghĩa tiêu dùng thuần túy đặc trưng của giai đoạn Đổi mới hướng tới nhận thức mang hơi hướng văn hóa hậu vật chất mang tính toàn cầu.
“Có rất nhiều người đang tìm kiếm một nơi như thế này”, ông Trần Vũ Hải nói. Ông Hải là chủ sở hữu Bar Betta Republic, một trong những cơ sở đầu tiên mở ra tại Zone9 cùng với không gian sáng tạo Tadioto của ông Đức.
“Trước khi có Zone 9, tất cả các không gian nghệ thuật khác nhau được dựng lên đều tản mát khắp HN. Còn hiện tại, Zone9 đã trở thành một trung tâm nghệ thuật – và như một sản phẩm mang giá trị gia tăng, nó cũng đã trở thành một trung tâm giải trí “.
Hải đã tìm kiếm “một công xưởng lớn” trong nhiều năm trước khi anh có cơ duyên đến với khu vực này. Vào thời điểm đó, Zone9 chỉ để làm kho hàng. Nhưng khi các chủ sở hữu chuyển đi, ông Hải, ông Đức và một số doanh nhân khác đã nhận thấy đây là cơ hội của họ.
Sau khi Hải mở Bar Betta và Đức đưa Tadioto vào các tòa nhà hoang, họ cũng gợi ý cho bạn bè cùng làm vậy. Khi nghệ sĩ người Anh Dorian Gibb tìm kiếm một studio (“Ông không thể tìm thấy bất cứ nơi nào để thuê mà ông có thể ném vào đó một mớ hỗn độn,” đối tác của Gibb, Claire Driscoll, nhớ lại), Đức liền gợi ý Zone9.
Trong vòng một vài tháng, họ đã biến một khu nhà máy hoang phế thành một thứ nghệ thuật bản địa mà trang Hanoi Grapevine gọi là “một trong những điểm hot nhất của Hà Nội”.
Driscoll và Gibb liền vào cuộc để biến tầng trên cùng của một tòa nhà trong khu thành Workroom Four – một không gian sáng tạo, studio, tổ chức triển lãm và hội thảo. Nhà sàn Collective, một không gian nghệ thuật thử nghiệm buộc phải đóng cửa năm 2008 sau khi tổ chức một màn nghệ thuật sắp đặt khỏa thân, cũng đã mở cửa trở lại trong Zone 9.
“Trong công xưởng này, chúng tôi có thể làm mọi thứ từ đầu”, ông Nguyễn Quốc Thành, nhiếp ảnh gia trường phái conceptual là người điều hành Nhà Sàn, cho biết.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Đàm mở gallery của riêngmình, Kenke Art Space, cũng với lý do tương tự. “Khi tôi đến đây bốn tháng trước đó là tất cả một mớ hỗn độn, rất bẩn thỉu. Chuột thì hàng đàn, “Đàm nói. “Nhưng có một cái gì đó rất mới và thú vị về nó. Tôi nghĩ rằng nó thực sự là một nơi thú vị để các nghệ sĩ có thể đến với nhau”.
Cũng như ở các thành phố từ Berlin đến Bắc Kinh, các khu công nghiệp với giá thuê rẻ tiền ban đầu thường thu hút các nghệ sĩ cũng nhưhấp dẫn các doanh nhân.
Phạm Đức Thắng, chủ quán Hiker hiện ở Zone9, đã mở Hiker ngay sau khi thấy ảnh Zone9 trên Facebook.“Nó rất khác lạ ở Hà Nội”, Thắng nói. “Nhiều nghệ sĩ đã đến đây. Tôi nghĩ nó sẽ là nơi rất tuyệt.”
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi trong tháng Sáu, phần lớn Zone9 vẫn còn bỏ hoang. Một chiếc xe vào rửa đã chiếm không gian bằng cả một studio. Sáu tháng sau, dịch vụ rửa xe vẫn còn, nhưng nó đã bị bao vây bởi cơ man các cửa hàng, quán cà phê, các lớp học và Studio ảnh cưới. Thậm chí ở giữa 2 tòa nhà còn xuất hiện một hiệu bánh tổ ong nướng đầu tiên của HN.
“Khi tôi lần đầu tiên đặt chân vào Bar Betta, tôi biết rằng tôi muốn có một cửa hàng trong Zone 9,” ông chủ quán Wunder Waffel Dương Anh Minh nhớ lại. “Ở đây hiện hữu một ý nghĩa tự do. Nó rất sáng tạo. Nó là của hiếm ở Việt Nam.”
Chính “của hiếm” độc đáo đó là nguyên nhân khiến cả dân bản địa và người nước ngoài xích lại gần nhau, điều không một không gian nào khác ở HN làm được.
“Người phương Tây đến đây cũng như người dân địa phương. Không có biên giới. Những người đến Zone là 50 % Tây và 50 % ta. Đó không xảy ra bất cứ nơi nào khác”, Hải nói.
Trong vòng chửa đến hai tháng, tin tức về Zone9 đã vượt xa ngoài cộng đồng những người làm nghệ thuật . Page Zone 9 của trang Facebook hiện có 22.626 người thích; để so sánh, page của Bảo tàng LS Quốc gia Việt Nam được chưa đầy 2.000 likes.
Hải đưa ra ước tính hơn 1.000 du khách đến với Zone9 trong một ngày trong tuần và con số đó tăng gấp đôi vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật.
Trong tháng Mười, VietnamNews, tờ báo tiếng Anh chính thức của Việt Nam, đã gọi Zone9 là “trung tâm nghệ thuật mới của HN”- một chỉ dấu tối cao về sự chấp nhận chính thức.
“Nó phát triển rất nhanh,” Driscoll nói, giọng như có chút choáng váng. “Chúng tôi còn mới nghĩ về những gì chúng tôi sẽ làm với không gian đó. Chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ phát triển quá nhanh vậy”.
Câu chuyện về sự phát triển nhanh chóng của Zone 9 song hành cùng việc phát triển của VN. Chính sách Đổi mới nới lỏng các hạn chế với giới nghệ sĩ và doanh nhân đã đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, tới nhóm quốc gia thu nhập trung bình trong vòng chưa đầy ba thập kỷ.
Theo World Bank, “câu chuyện thành công” của VN là tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ gần 60 phần trăm trong năm 1993 xuống chỉ còn một phần năm trong năm 2010.
Tầng lớp trung lưu ở VN đang mở rộng nhanh chóng – bảy triệu hộ gia đình vào năm 2010 – là nhóm người tiêu dùng dựa vào cảm hứng. Họ thường mua đồ để thể hiện vị thế xã hội, chứ không phải là nhu cầu vật chất.
Tầng lớp trung lưu thu nhập tăng từ 560$ năm 1988 lên khoảng 3.354$ vào năm 2012, và nhiều người Việt Nam chớp lấy cơ hội để biểu lộ sức mạnh chi tiêu mới của họ với hàng hiệu.
Theo một báo cáo năm 2012 bởi công ty kiểm toán KPMG, người tiêu dùng trung lưu trẻ của Việt Nam đặc biệt quan tâm “chất lượng sản phẩm, xu hướng thời thượng và trải nghiệm mua sắm” và “chỉ gắn bó với các thương hiệu đáng tin cậy và được công nhận rộng rãi.”
Nhưng Zone9 lại mâu thuẫn với xu hướng đó. Các cửa hàng nhỏ ở đó không bán hàng thiết kế, các gallery thì trưng tác phẩm thử nghiệm, chứ không phải loại tranh phong cảnh truyền thống.
Zone 9 được coi là “cool” bởi vì nó là một lối thoát khỏi văn hóa tiêu dùng thực dụng vốn phổ biến trong phần còn lại của xã hội Việt Nam. “Các cô gái ăn mặc đi xem chiếu bóng cứ như họ đang đi đến một CLB,” Minh nói với tôi. “Ở đây, bạn không cần phải nhìn lạ mắt”.
Driscoll cũng đưa ra các quan sát tương tự: “Đó là nơi đầu tiên ở Hà Nội không theo định hướng thương hiệu. Đó là một khái niệm mới: người ta mua và tiếp nhận một lối sống”.
Thành công Zone9 xác nhận rằng Việt Nam đã đến ngưỡng của giai đoạn phát triển tiếp theo. Sau khi giai đoạn hậu chiến thiếu thốn, mọi người đều muốn chi tiền; hiện tại, người Việt Nam “nhận ra rằng mọi thứ không nhất thiết sang trọng, xa xỉ mới là nghiêm túc”, Tracey Lister, người sáng lập ra KOTO và Hanoi Cooking Centre cho biết.
Khi được hỏi là Hà Nội đã thay đổi thế nào từ khi cô chuyển đến đây vào năm 2000, Lister ngay lập tức nghĩ ngay tới Zone9: “Nó sẽ không thể hiện thực hóa được một vài năm trước đây.” Vậy tại sao nó lại xảy ra bây giờ?
Có hai yếu tố chính. Thế hệ đầu tiên học ở nước ngoài ồ ạt tại đang quay trở lại để bắt đầu doanh nghiệp của riêng của họ, từ start-up công nghệ cho đến quán cà phê, đi kèm với họ là xu hướng quốc tế.
Nhiều người trong số các nghệ sĩ và chủ sở hữu địa điểm tại Zone 9 đã có nhiều năm ở nước ngoài. Ông Thanh của Nhà Sàn Collective sống ở Ba Lan, nơi ông không lạ gì với mô hình chuyển đổi từ công xưởng sang tổ hợp VH và vui chơi giải trí; ông Minh lớn lên ở Berlin và sau khi trở về Hà Nội, ông đã rất nhớ “phong cách công nghiệp underground” của chính Berlin.
Sự nổi tiếng của Zone9 cũng chỉ ra một sự thay đổi mang tính thế hệ. Tuổi trung bình của người Việt là 25 và 56 phần trăm dân số dưới 30 tuổi.
Trong khi các bậc cha mẹ và ông bà của họ lớn lên trong chiến tranh và các điều kiện khắc nghiệt thời hậu chiến, các thanh niên thế hệ mới có sự đầy đủ về vật chất và họ sẵn sàng cho sự đổi mới.
“Dân số chúng tôi rất trẻ, vì thế chúng tôi rất hứng thú với những điều mới mẻ,” Minh nói. “Tất cả mọi thứ phát triển rất nhanh. Năm 2006 bạn thậm chí không thể đi bar đêm tại Hà Nội. Bây giờ thì có Zone 9″.
Mặt tiền của Bar Betta Republic cho thấy phần nào của sự thay đổi thế hệ này. Ở một bên của tòa nhà, Hải sơn trích dẫn của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” và bóc đi lớp mặt tiền để làm cho nó cũ đi.
Ở phía bên kia của tòa nhà, Hải vẽ một bức tranh tường lớn mang phong cách của một tấm áp phích tuyên truyền thời chiến. Nhưng thay vì tố cáo những kẻ xâm lược Mỹ, bức tranh hét lên “Chúng tôi muốn bia”.
Hải thiết kế những bức tranh tường kiểu hoài cổ rất phù hợp về mặt lịch sử cho các cấu trúc từ thời Liên Xô cũ của nhà máy Dược phẩm; nhưng chúng cũng chỉ ra sự khác biệt giữa thế hệ thanh niên hiện nay với cha mẹ hoặc ông bà của họ.
“Rất nhiều người trẻ vẫn còn sống với cha mẹ của họ, nhưng điều này đang thay đổi,” Minh nói. “Các thế hệ tiếp theo đang phát triển và thể hiện một tư duy độc lập.”
Chính phủ trưng ra các tòa nhà mới, đường giao thông và các khu công nghiệp như bằng chứng về hiện đại hóa, nhưng để phát triển thành công cũng đòi hỏi sự phát triển của cả ngành công nghiệp văn hóa.
Các nước châu Á khác, như Trung Quốc và Hàn Quốc, đã làm điều này trong nhiều năm. Việt Nam cuối cùng cũng đã bắt đầu.
Vào tháng Chín, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố rộng rãi rằng chính phủ sẽ hết lòng “giúp các nhà văn và các nghệ sĩ khai thác sáng tạo.”
Tuy nhiên, Zone 9 mới là bằng chứng thuyết phục đầu tiên để Việt Nam đến với bước phát triển tiếp theo.
Điều đó không có nghĩa là chính phủ nên kiểm soát những không gian như vậy. Zone 9 thành công bởi vì nó phát lộ các nhu cầu của chính các nghệ sĩ. Như Driscoll đã nói: “một cái gì tương tự sẽ không thành công nếu bạn cố để thiết kế ra nó.”
Theo thông tin từ báo chí, ngày hôm qua 3.12, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu Công ty bất động sản quản lý khu vực Zone 9 chấm dứt các hoạt động kinh doanh, sửa chữa tại đây; quản lý và sử dụng nhà đất theo đúng quy định của pháp luật. |
Nhưng Zone 9 có thể tồn tại được bao lâu là điều không rõ.
Khi tổ hợp 798 Arts District suýt bị phá hủy ở Bắc Kinh, áp lực từ truyền thông quốc tế và sự kiện Thế vận hội 2008 đang dần tới đã thuyết phục chính phủ Trung Quốc rằng, nếu hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật sáng tạo, về lâu dài Trung Quốc sẽ được đền đáp xứng đáng.
Liệu Việt Nam có sẵn sàng để đi đến một kết luận như vậy?
Hải Kar (Theo The Diplomat)/ Dân Việt