Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, tính đến hết tháng 11/2013, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã bán được 4.788 căn hộ trong tổng số 14.490 căn hộ tồn đọng tính từ thời điểm cuối năm 2012 (chiếm 33,04%). Như vậy, thị trường hiện còn tồn 9.702 căn hộ với tổng giá trị gần 16.668 tỷ đồng.
Dự án xây rồi không bán được, hàng loạt dự án đang xây dựng cũng lâm vào cảnh bế tắc, không xây tiếp được hoặc giao nhà chậm vì thiếu vốn, như căn hộ Mỹ Phú (quận 7), chung cư Đại Thành (quận Tân Phú), dự án chung cư 6B (huyện Bình Chánh)… Kết quả điều tra khảo sát của UBND Tp.HCM cho thấy, thành phố hiện có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở, tổng diện tích hơn 11.770ha với gần 497.000 căn hộ. Trong số này, có đến gần một nửa (689 dự án, chiếm 49,71%) phải tạm dừng, chậm triển khai!
Để tạo chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS, cần tháo gỡ những “rào cản” trong việc giải ngân gói vay ưu đãi.
Không chỉ các doanh nghiệp khó khăn trong bán hàng, mà ngay cả “thượng đế” trong thời buổi hàng hóa tồn kho ê chề cũng… khổ! Vợ chồng anh Nguyễn Dũng (trú tại quận 8) cho biết, thông tin từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, thông tin căn hộ hạ giá… khiến vợ chồng anh quyết tâm mua một căn hộ dưới 70m2. Vậy mà “bôn ba” hàng tháng trời vẫn chưa tìm được một căn hộ nào phù hợp. Với những căn hộ đã xây đang tồn kho thì diện tích lớn hoặc giá quá cao; dự án đang xây dựng dang dở thì không dám đặt tiền vì sợ chậm tiến độ giao nhà.
Có những dự án có giá cả phù hợp, xây dựng đúng tiến độ thì lại e ngại về tình trạng ô nhiễm từ môi trường xung quanh và triều cường… “Cứ nói căn hộ tồn kho nhiều, giá giảm nhưng khi đi mua mới biết là chưa hẳn đã vậy, nhất là dòng sản phẩm cho những người có thu nhập thấp và trung bình”, anh Dũng than thở.
Cần đẩy mạnh gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (Saigon Mansion) đánh giá, kết quả gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn của BĐS không như kỳ vọng. Theo số liệu từ UBND Tp.HCM, tính đến hết tháng 11/2013 chỉ mới có 179 khách hàng cá nhân tiếp cận được vốn vay từ gói 30.000 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 91 hợp đồng với 31,1 tỷ đồng (tổng hạn mức ký kết của 91 hợp đồng là 103,31 tỷ đồng).
Chính vì vậy, những khó khăn, thách thức rất lớn của thị trường BĐS năm 2013 sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2014. Theo ông Lê Hoàng Châu, để tạo chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS trong năm 2014, cần đặt trọng tâm vào việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Hiện không chỉ người mua nhà mong ngóng được vay ưu đãi mà doanh nghiệp cũng mong khách hàng được giải ngân dễ dàng hơn.
Theo ông Châu, đối với căn hộ trong dự án có diện tích trên 70m2, thành phố đã chấp thuận dung sai +5% diện tích (đến 73,50m2/căn hộ) được tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin thành phố xét duyệt, như Công ty cổ phần Tấn Hưng (chủ dự án chung cư Tân Kiên) ở huyện Bình Chánh, gồm 653 căn hộ có diện tích 84m2/căn đã xây dựng xong) đồng ý bán 70m2 với giá 14 triệu đồng/m2 và tặng cho khách hàng 14m2 còn lại và đề nghị cho khách hàng được vay vốn tín dụng ưu đãi.
Để tăng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp, ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoReA đã kiến nghị Chính phủ bổ sung, chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70m2/căn hộ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay nguồn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HoReA đã đề xuất Bộ Xây dựng sửa đổi, cho phép người đứng tên vay chịu trách nhiệm về việc khai báo về thực trạng nhà ở của mình thay vì UBND phường, xã xác nhận như hiện nay.
HoReA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho người vay chỉ cần có vốn đối ứng tối thiểu là 10%, 90% tiền thuê mua, mua nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại được vay từ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng và cho phép khách hàng cá nhân được bảo đảm tiền vay bằng chính căn hộ mua, thuê mua, nhằm khơi thông thị trường BĐS đang bế tắc.