(Chia sẻ) – Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Vào ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo.
Thường thì bắt đầu từ chiều 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ để ông Táo lên chầu trời (Tiễn Táo) để tấu trình mọi việc của gia chủ với Ngọc hoàng thượng đế. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.
Lễ vật cúng Táo công gồm mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc – hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy…
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính các mẹ có thể làm lễ mặn với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu măng, nấu…; hoặc lễ chay với trầu cau, hoa quả cùng giấy vàng bạc. Mâm cúng ông Táo nên được đặt ở trong bếp với các món cơ bản sau:
1 đĩa gạo;
1 đĩa muối;
5 lạng thịt vai luộc;
1 bát canh măng;
1 đĩa xào thập cẩm;
1 đĩa giò;
1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống);
1 đĩa xôi gấc,
1 đĩa hoa quả;
3 chén rượu;
1 quả cau, lá trầu;
1 lọ hoa cúc;
1 tập giấy tiền, vàng mã.
Nếu nơi ở của bạn có ao hồ hoặc sông thì mới nên mua cá chép sống để phóng sinh, còn không thì đừng nên thả vô tội vạ mà làm chết cá, vừa hoang phí mà lại chẳng tỏ lòng thành được đến Táo Quân.
Ở Sài Gòn, có thể dạo quanh các chợ ở đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, phố người Hoa ở quận 5, chợ Thiếc (quận 11) hay các chợ đầu mối như Chợ Lớn, Bình Tây để có nhiều sự lựa chọn các loại vàng mã, trang phục đa dạng cho Táo Quân. Còn ở Hà Nội, ngoài các chợ thường ra thì nơi tập trung nhiều mặt hàng này nhất là phố Hàng Mã.
Tuy nhiên, khi mua đồ cúng ông Công ông Táo cần lưu ý màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Thí dụ: Năm hành kim thì dùng màu vàng;
Năm hành mộc thì dùng màu trắng;
Năm hành thủy thì dùng màu xanh;
Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ;
Năm hành thổ thì dùng màu đen.
Và cũng có lẽ do quan niệm mỗi nơi, cộng thêm sự phong phú về nếp sống văn hóa ở mỗi vùng miền mà nghi thức cúng Ông Táo cũng có phần khác nhau ở mỗi địa phương.
Ngày nay, phong tục cúng ông Táo, ông Công không được tổ chức chu đáo và nhiều nghi lễ như xưa. Chỉ một chậu cá, một mâm cỗ đơn giản với gà luộc, xôi gấc, chè kho mua sẵn và một vài món mặn là xong mâm cỗ để nhớ ơn đến tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng.
2014-01-21 23:50:02
Nguồn: http://phunutoday.vn/chia-se/cach-cung-ong-cong-ong-tao-39854.html