Với chiến thuật “trồng cây nêu”, MiG-21 tung hoành trên không không đối thủ, hạ gục cả những máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với những chiến thuật hợp lí, phát huy tối đa tính năng của máy bay, MiG-21 đã làm nên những chiến công vang dội, trong đó có sự kiện bắn hạ 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trong chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng cuối tháng 12-1972.
“Én bạc” về với Không quân Việt Nam
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam
Từ nửa cuối thập niên 1960, trước sự leo thang của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, tiêm kích MiG-17 gặp nhiều khó khăn trước các máy bay chiến đấu F-4 của đối phương. F-4 có radar khá mạnh, khả năng không chiến từ xa bằng các tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder và tầm trung AIM-7 Sparrow, trong khi MiG-17 chỉ có pháo động 23mm và 37mm. Tốc độ của F-4 cũng cao hơn MiG-17 khá nhiều nên chiếm ưu thế vượt trội cả về vận động và hỏa lực. Dần dần, khi F-4 của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều, MiG-17 vắng mặt trong các trận không chiến, thay vào đó, MiG-21 trở thành đối thủ chính của F-4.
Dù vậy, MiG-21 cũng chỉ là một máy bay không chiến tầm ngắn, trang bị tên lửa đối không tầm nhiệt Vympel K-13. Radar của MiG-21 có bước sóng ngắn, bị không quân Mỹ gây nhiễu nặng, các tên lửa tầm xa dẫn đường radar như K-5 hoàn toàn vô dụng. Bởi vậy, khả năng không chiến của MiG-21 bị giới hạn trong tầm nhìn của phi công. Đây là những hạn chế rất lớn, khi MiG-21 phải ứng chiến cùng F-4. Nếu như không có chiến thuật hợp lí, thất bại là không thể tránh khỏi.
Chiến thuật “trồng cây nêu”
Không thể đọ sức với F-4 về vũ khí hay radar, các phi công Việt Nam tìm cách phát huy thế mạnh vận động của máy bay. Trước đây, phi công Việt Nam đã quen với không chiến quần vòng hẹp kiểu dogfight bằng máy bay MiG-17. Chiến thuật này phù hợp với đặc điểm của MiG-17, chỉ có pháo tự động tầm rất ngắn khoảng 400m, so với các máy bay địch mang tên lửa không đối không.
Tuy nhiên, kiểu chiến đấu này lại không còn phù hợp với MiG-21. Về tính năng khí động, MiG-21 sử dụng cánh tam giác, mỏng, nhẹ nhưng vẫn rất khỏe. Nhưng đồng thời, điều này khiến máy bay dễ mất ổn định ở tốc độ thấp, khó có thể tham chiến quần vòng hẹp. Do đó, cách tác chiến của MiG-21 sẽ là đánh chặn nhanh với tốc độ cao, hạn chế tối đa không chiến quần vòng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, không quân Việt Nam đã dùng MiG-21 bắn hạ hàng trăm máy bay địch, trong đó có pháo đài bay B-52.
Về động cơ, MiG-21 sử dụng động cơ RD-11, RD-13 nhiều tầng nén, có tỉ số nén rất cao trên 8atm, nên hiệu suất rất tốt. Trong khi F-4 sử dụng cánh tứ giác hiện đại hơn, dành cho các máy chiến đấu hạng nặng, mang nhiều vũ khí, nhưng đuôi treo cao giống các máy bay cánh quạt từ thời Đại chiến thế giới thứ hai, thì MiG-21 sử dụng cánh tam giác với đuôi ngang thấp. MiG-21 có tỉ lệ lực đẩy/khối lượng lớn 0.82.
Điều đặc biệt là động cơ MiG-21 có lực đẩy lớn ngay cả ở tốc độ thấp, cho gia tốc trục dọc cao gấp đôi F-4! Điều đó khiến MiG-21 có ưu thế vượt trội về tốc độ leo cao, gia tốc và tốc độ tối đa trước F-4 của Mỹ. Các phi công dạn dày kinh nghiệm của Việt Nam nhanh chóng nhận ra vấn đề: F-4 có khả năng vòng lượn mặt bằng rất tốt, nhưng về khả năng leo cao thì thua xa MiG-21. Họ lập tức xây dựng chiến thuật đối phó với F-4 của Mỹ.
Một cách hình tượng: MiG-21 là con khỉ, F-4 là con chó. Trên mặt đất, con chó có tốc độ cao, quần lượn tốt dễ dàng bắt chết con khỉ. Nhưng nếu như con khỉ biết trèo cây, thì con chó lại không thể! Do đó, cách đánh của con khỉ sẽ là trèo lên ngọn cây, và bất thần lao xuống tấn công con chó, và rồi lại trèo lên cây thoát hiểm an toàn.
Chiến thuật này lập tức được Không quân Nhân dân Việt Nam thử nghiệm, mang tên gọi “đi thấp kéo cao” hay “trồng cây nêu”. Đây là chiến thuật mới, mang đầy dấu ấn sáng tạo Việt Nam, khác hoàn toàn với chiến thuật đánh quần vòng của MiG-17 mang nhiều đặc điểm của máy bay cánh quạt trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Xác chiếc máy bay F-4 Phantom II của Mỹ được trưng bày tại Việt Nam.
Cụ thể: Máy bay MiG-21 cất cánh và bay ở độ cao thấp, ở độ cao này cả đài radar của ta lẫn các máy bay của địch và radar của Hạm đội Mỹ ở ngoài biển đều không thể phát ra máy bay ta. Đến khu vực chiến đấu, được sự dẫn đường chính xác của sở chỉ huy mặt đất, MiG-21 vọt lên cao “trồng cây nêu” giữa bầu trời, vượt qua độ cao mà radar của các máy bay Mỹ có thể quan sát. Thời gian MiG-21 xuất hiện trên radar của đối phương rất ngắn, nên rất khó để bị phát hiện.
Từ trên cao, MiG-21 lại bổ nhào xuống từ phía sau, vào giữa đội hình địch, tiêu diệt các máy bay ném bom, máy bay cường kích của địch, ép chúng phải vứt bỏ bom giữa đường để tiện bề chống trả, đồng nghĩa với việc không thể ném bom vào mục tiêu dự định. Sau khi đã đạt được mục đích, MiG-21 lập tức hạ độ cao rút lui, biến mất khỏi màn hình radar đối phương.
Như vậy, những động tác vận động cơ bản nhất của MiG-21 là kéo cao “trồng cây nêu” và hạ độ cao tấn công, sau đó rút lui. Chiến thuật này khai thác triệt để ưu thế khả năng leo cao tốt của MiG-21, khoét sâu vào sở đoản của F-4. F-4 không thể leo cao nhanh bằng MiG-21, không thể xuống với góc đứng như MiG-21, nên bất lực không thể nào bám đuổi được.
Nhiều trận không chiến trên bầu trời Việt Nam đã diễn ra như vậy: hai máy bay MiG-21 bay thấp bất ngờ vọt lên cao, rồi bổ nhào xuống vào giữa đội hình địch, tiêu diệt các máy bay ném bom được bảo vệ kĩ càng, phá rối toàn bộ cuộc tấn công, sau đó hạ độ cao rất nhanh và rút lui, bất chấp đội hình trùng điệp các máy bay F-4 bảo vệ chỉ biết đứng nhìn.
Chiến thuật này ngày càng trở nên hiệu quả, trở thành nỗi kinh hoàng của không quân Mỹ, và làm nên huyền thoại MiG-21! Với chiến thuật “trồng cây nêu”, MiG-21 tung hoành trên không không đối thủ. Ngay cả các máy bay ném bom chiến lược B-52 được bảo vệ kĩ lưỡng bởi các máy bay F-4 cũng bị MiG-21 đe dọa. Ngày 20-11-1971, phi công Vũ Đình Rạng đã bắn bị thương một chiếc B-52 bằng một đạn K-13.
Phi công Phạm Tuân mặc bộ đồ bay cao không VKK-6 bên chiếc MiG-21MF
Trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều sử dụng MiG-21 đã bắn hạ hai máy bay ném bom chiến lược B-52, khiến Không quân Việt Nam trở thành lực lượng đầu tiên và duy nhất trên thế giới bắn hạ được loại máy bay này.
Chiếc MiG-21MF mang số hiệu 5121 tại của Phạm Tuân, đã bắn hạ máy bay B-52. Ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN.
Sau khi chiến tranh kết thúc, trong tình hình mới, tuy không quân ta đã có nhiều máy bay chiến đấu hiện đại như Su-27SK/UBK/PU hay Su-30MK2, nhưng việc nâng cấp và kéo dài tuổi thọ của MiG-21 vẫn được chú trọng.
Năm 2010, Ấn Độ đã giúp Việt Nam nâng cấp những chiếc tiêm kích MiG-21 huyền thoại lên chuẩn MiG-21 Bison hiện đại hơn.
Qua thực tế kiểm nghiệm trong các cuộc tập trận với không quân Mỹ, MiG-21 Bison có thể không chiến rất hiệu quả trước các máy bay F-15 và F-16 của phía bên kia. Với gói nâng cấp MiG-21 Bison, các máy bay MiG-21 cũ kĩ của Việt Nam vẫn sẵn sàng cất cánh bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Theo Trí thức trẻ
2014-01-05 18:08:27
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chien-thuat-trong-cay-neu-diet-dich-cua-mig-21-viet-nam-a120778.html