Đây là chuẩn đầu tiên trên thế giới về phát thải khí carbon của rừng, tích hợp đầy đủ các yêu cầu về lượng carbon, tác động văn hóa-xã hội và đa dạng sinh học đối với rừng mưa nhiệt đới, bao gồm cả phát thải khí carbon từ phá rừng, suy thoái rừng và các khu vực đất than bùn của rừng.
Một đàn voi Sumatra trong khu rừng tại khu vực Đông Aceh ở tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Andrew Sisson nhấn mạnh sự hợp tác khoa học giữa Đại học Indonesia và Đại học Columbia là một ví dụ về phương thức hoạt động mới, trong đó kết hợp được các thiết chế công-tư và các nhà tài trợ để giải quyết các thách thức về phát triển.
Trong một động thái liên quan, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono vừa ký quyết định thành lập một cơ quan mới để bảo vệ rừng nhiệt đới thông qua thực hiện quản lý Chương trình giảm phát thải khí carbon từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) do Liên hợp quốc phát động.
Chương trình này nhằm đảm bảo cho các nước phát triển thu lợi nhiều hơn mà không phải giảm diện tích rừng vì mục đích thương mại, trong đó có việc các nước phát triển sẽ cấp tài chính để các nước đang phát triển bảo tồn diện tích rừng tự nhiên của họ.
Tháng 10/2009, Tổng thống Yudhoyono tuyên bố Indonesia sẽ cắt giảm 26% lượng khí thải CO2 vào năm 2020, trong đó 40% sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của quốc tế.
Đánh giá cao cam kết này, năm 2010, Chính phủ Na Uy đã ký văn kiện cam kết hỗ trợ Indonesia 1 tỷ USD để thực hiện Chương trình REDD+.
2014-01-20 14:48:12