Kỳ 1: Những người Triều Tiên bí ẩn tại Hà Nội
Friday, January 3, 2014 21:33
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Cô gái phục vụ có tên Triều Tiên là Park-su-ha và tên Việt Nam là Thu Hường (27 tuổi), khuôn mặt trái xoan, đôi mắt một mí, làn da trắng ngần nở nụ cười tươi rói nói từng câu tiếng Việt bập bẹ: “Ở Việt Nam thích lắm, nhưng ở Bình Nhưỡng vẫn thích hơn. Việt Nam nóng quá, nhưng người Việt Nam rất đẹp và thân thiện…” khiến những người lắng nghe không khỏi thích thú bật cười…
Gian nan tìm gặp người Triều Tiên
Đã từng đọc, từng tìm hiểu không ít về đất nước, con người Triều Tiên, nhưng để thực sự tiếp xúc và có những trải nghiệm đích thực về người dân đất nước này thì quả là chưa từng có.
Xuất phát từ sự hiếu kỳ đó, chúng tôi đã tìm đến hai quán ăn Triều Tiên duy nhất chốn Hà Thành, đó là Nhà hàng Bắc Triều Tiên Ryu Gyong nằm trên phố Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội, và Bình Nhưỡng Quán tại số 28 Nguyễn Thị Định – Cầu Giấy – Hà Nội.
Trái ngược với những suy tính ban đầu, tại Nhà hàng Bắc Triều Tiên Ryu Gyong, anh giám đốc nhà hàng trạc ngoài 40 tuổi, dáng người nhỏ bé, da trắng, mắt một mí có nụ cười vô cùng thân thiện nhưng vốn tiếng Việt lại không “phong phú”, nên mặc dù rất muốn giúp đỡ tôi, anh cũng đành bất lực trước mọi cử chỉ tay chân.
Không biết phải làm sao, cách duy nhất mà anh giám đốc “dễ thương” nghĩ đến là đọc cho tôi số điện thoại bằng tiếng Việt một cách khó khăn. Đó là số của phiên dịch viên kiêm trợ lý của nhà hàng, nhưng anh này lại “bặt vô âm tín”.
Sở dĩ tôi nói vậy là bởi sau gần 5 ngày kiên trì liên lạc qua điện thoại đều không thấy anh phiên dịch nghe máy. Chạy qua chạy lại 5 – 7 lượt đều không gặp được anh này, còn nhân viên bảo vệ tại nhà hàng cho biết, chỉ thỉnh thoảng có việc thì anh phiên dịch mới ghé qua.
Bình Nhưỡng Quán tại địa chỉ số 28 Nguyễn Thị Định – Cầu Giấy – Hà Nội |
Mọi nỗ lực không thành, tôi đành tìm đến quán ăn Triều Tiên thứ hai tại Hà Nội để cầu may. Nhưng dường như may mắn lại không đến với tôi lần nữa. Người phụ nữ trung tuổi là chủ của quán ăn có vẻ mặt nghiêm nghị cũng gọi điện liên tục tìm người quản lý, kiêm cố vấn, kiêm phiên dịch viên của Bình Nhưỡng Quán, nhưng điện thoại luôn ở trong tình trạng “tò tí te”. Bà chỉ còn biết mỉm cười và đưa tôi số điện thoại của anh quản lý để tôi liên lạc và sắp xếp buổi gặp mặt khác…
Đang trong lúc chán nản khi gọi điện liên tục cho cả hai phiên dịch đều không được, tôi tình cờ bắt gặp một người đàn ông Việt Nam trạc ngoài 40 tuổi bước từ trong quán. Vừa nhìn thấy tôi, người này nhanh chóng nháy mắt ra hiệu với bảo vệ, sau đó bước vội vã xuống bậc thang và tra chìa khóa xe máy vào ổ định đi đâu đó. Chợt cảm thấy hơi lạ, tôi vội vàng bước tới chỗ người đàn ông dò hỏi…
Tỏ ra lúng túng một vài giây, người đàn ông tên Trung nhanh chóng nở nụ cười và xác nhận chính là người quản lý, kiêm cố vấn, kiêm phiên dịch viên của Bình Nhưỡng Quán. Anh cho biết, người Triều Tiên họ rất kín tiếng và không muốn phô trương, nên nếu ở bên trong quán anh không thể nào tiếp tôi được.
“Không có lý do gì đặc biệt cả, chỉ là tính cách và một phần con người, văn hóa của họ thôi. Người Triều Tiên rất kín tiếng, họ không thích bày vẽ, ồn ào, phô trương. Việc của họ, họ làm và không muốn ai tìm hiểu quá nhiều, quá sâu về họ.
Chẳng hạn như dạo trước, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đến và ngỏ ý muốn làm miễn phí một đoạn phim 30 phút về quán ăn Triều Tiên, cũng gần như là một dạng quảng cáo, nhưng tôi không được phép tiếp họ, cũng không được làm. Khách hàng đến đây dùng bữa có thể chụp ảnh thoải mái, nhưng đến với tư cách nhà báo, phóng viên hay người dân muốn đặt vấn đề chụp ảnh thì lại không được. Người Triều Tiên là vậy đấy” – anh Trung chia sẻ.
Theo lời anh Trung, để hiểu rõ hơn về con người, văn hóa của đất nước Triều Tiên, tôi nên thưởng thức các món ăn ở đây một lần, hơn nữa, với cương vị khách hàng tôi sẽ được thoải mái trò chuyện và quay phim chụp ảnh. Nghe lời anh Trung, tôi rời khỏi Bình Nhưỡng Quán và hẹn ngày hôm sau sẽ quay lại…
Những người Triều Tiên bí ẩn
Trở lại Bình Nhưỡng Quán vào ngày hôm sau, tôi được những cô gái Triều Tiên xinh đẹp cúi rạp người chào đón bằng vài câu tiếng Việt ngay từ ngoài cửa, kèm những nụ cười không thể rạng rỡ hơn.
Tại Bình Nhưỡng Quán, khách hàng ngồi chật kín các bàn ăn (Ảnh Duyên Duyên) |
Quán ăn đông khách hơn tôi tưởng khi hầu như các bàn đã kín chỗ. Tất cả khách hàng đều nói tiếng Hàn Quốc và dường như tôi trở nên lẻ loi khi là vị khách Việt Nam duy nhất. Một cô gái tiến về phía tôi, cầm theo quyển thực đơn và hướng dẫn chỗ ngồi, rồi giới thiệu một loạt món ăn bằng tiếng Việt một cách đầy khó khăn.
Sau khi chọn một vài món không khác mấy món ăn Hàn Quốc, tôi quay sang hỏi chuyện cô nhân viên. Cô gái có tên Triều Tiên là Park-su-ha và tên Việt Nam là Thu Hường khuôn mặt trái xoan, đôi mắt một mí, làn da trắng ngần nở nụ cười tươi rói nói từng câu tiếng Việt bập bẹ:
“Em sinh năm 1988, em sang Việt Nam được 2 năm rồi. Ở Việt Nam thích lắm, nhưng ở Bình Nhưỡng vẫn thích hơn. Việt Nam nóng quá, nhưng người Việt Nam rất đẹp và thân thiện…” khiến tôi chợt bật cười trước những câu nói có vẻ thật thà và vô cùng hồn nhiên của cô.
Cô gái có tên Triều Tiên là Park-su-ha và tên Việt Nam là Thu Hường (Ảnh Duyên Duyên) |
Hường kể, học tiếng Việt rất khó, nhưng qua quá trình tiếp khách tại Bình Nhưỡng Quán cũng dần quen hơn. Từ ngày sang Việt Nam, Hường và các nhân viên trong quán chưa có thời gian đi chơi nhiều, chỉ mới được đến vịnh Hạ Long và thăm quan Hồ Hoàn Kiếm.
“Em làm việc ở đây được quản lý rất nghiêm. Đi đâu, làm gì cũng phải được phép của cô quản lý. Công việc hàng ngày của bọn em là phục vụ ở quán ăn và ca hát vào các buổi tối cho khách nghe. Thông thường, chương trình ca nhạc của quán em bắt đầu từ lúc 19h30 và kết thúc lúc 20h” – Hường cho biết.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Hường chỉ nhanh chóng diễn ra trong vòng 1 phút. Khi tôi vừa quay sang hỏi một số vấn đề liên quan đến đất nước, con người Triều Tiên nhưng cô tế nhị khước từ và lấy lý do không thể nói chuyện được lâu vì bận tiếp khách để cáo lui…
Tiết mục biểu diễn của các cô gái Triều Tiên tại Bình Nhưỡng Quán (Ảnh Duyên Duyên) |
19h30, tiếng trống, tiếng nhạc vang lên rộn rã. Các cô gái vừa là nhân viên phục vụ vẫn mặc nguyên bộ quần áo đồng phục bỗng bước lên sân khấu. Họ chia làm 2 tốp luân phiên nhau, một tốp phục vụ khách, một tốp lên đứng trên bục ca hát.
Sau khi hát xong một bài họ lại đổi chỗ cho nhau, người lên hát và người lại tiếp tục phục vụ. Những bài hát Triều Tiên được thể hiện bằng ngôn ngữ Hàn Quốc khá rộn ràng, vui vẻ khiến nhiều vị khách người Hàn Quốc bị thu hút theo.
Họ rời khỏi bàn ăn, tiến lại phía sân khấu để quay phim, chụp ảnh và vỗ tay tán đồng. Một vài người đàn ông hướng mắt về phía sân khấu rồi khẽ gật gù theo từng cử chỉ của các cô gái. Một cô vừa hát, vừa bước xuống sân khấu để giao lưu cùng khán giả với ánh mắt lúng liếng, hút hồn. Trong một gian phòng chỉ chừng 30m2 nhưng dường như đất nước Triều Tiên rộng lớn đã hiện lên rõ nét…
Rất nhiều người Hàn Quốc rời khỏi bàn ăn, hướng về phía sân khấu để quay phim, chụp ảnh và vỗ tay tán thưởng (Ảnh Duyên Duyên) |
Chỉ có khoảng 5 – 7 cô gái nhưng kiêm nhiệm đủ việc, vừa đánh đàn, vừa đánh trống, vừa bưng bê, vừa dọn dẹp lại vừa tiếp khách. Mặc dù đi đứng, nhảy múa liên tục nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười. Họ lại cùng tỏ ra tự nhiên nhưng rất chuyên nghiệp mỗi khi ống kính máy ảnh chĩa về phía mình…
Theo Motthegioi.vn