Mặc dù không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đã sôi động khắp phố thị làng quê, người dân cả nước vẫn đặc biệt quan tâm theo dõi phiên tòa xét xử vụ án cán bộ Vietinbank Huỳnh Thị Huyền Như.
Thật khó có thể tưởng tượng người phụ nữ bé nhỏ đứng khép mình trước vành móng ngựa những ngày qua, chỉ trong một thời gian ngắn lại có thể chiếm đoạt được số tiền “khủng” đến mức có thể mua được cỡ nửa triệu con bò hay khoảng 800.000 tấn lúa. So sánh với sản lượng nông phẩm mà hàng triệu nông dân phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có thể làm ra như thế, sẽ dễ dàng nhận ra mức độ nghiêm trọng của vụ án này.
“Sự thật còn sốc hơn nhiều nếu mọi người dân đều biết rằng không chỉ những địa phương thuần nông, nghèo khó mà toàn quốc còn có đến 42/63 tỉnh, thành có tổng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2014 thấp hơn số tiền 4.000 tỉ đồng” |
Ở góc độ khác, dù không liên quan trực tiếp đến ngân sách nhà nước nhưng để thấy rõ hơn hậu quả cực lớn của vụ lừa đảo ấy, người viết bài này thử đặt con số 4.000 tỉ đồng lên một bàn cân khác. Trên bàn cân này, ở đĩa cân bên kia là tổng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các địa phương năm 2014 vừa được Quốc hội, Chính phủ giao.
So sánh với tổng dự toán thu ngân sách năm 2014 của ba tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng là lớn nhất nước (trên dưới 4 triệu tấn/tỉnh): Kiên Giang là 3.468 tỉ đồng, Đồng Tháp 3.920 tỉ đồng và An Giang 3.160 tỉ đồng, rõ ràng đều thua số tiền Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt. Ở phía Bắc, Thái Bình là tỉnh nông nghiệp có năng suất lúa cao nhất cũng chỉ có số thu vỏn vẹn 2.840 tỉ đồng, tức còn thua xa hơn nữa con số 4.000 tỉ đồng ấy.
Còn ở Tây nguyên, tỉnh được coi là thủ đô cà phê, vốn được coi là cây đặc sản – hiệu quả cao là Đắk Lắk thì số thu cũng không qua mức 3.408 tỉ đồng, còn kém số tiền Huyền Như chiếm đoạt gần 600 tỉ đồng. Đau xót nhức nhối hơn, với tám tỉnh nghèo nhất nước, dự toán thu ngân sách trên địa bàn chỉ xấp xỉ bằng từ 1/9-1/4 con số 4.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt đó: Bắc Cạn chỉ 433 tỉ đồng, Lai Châu 512 tỉ đồng, Điện Biên 586 tỉ đồng, Hậu Giang 910 tỉ đồng…
Cho nên dù tại phiên tòa việc tranh cãi gay gắt về vai trò của Vietinbank giữa Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và các luật sư có đi đến đâu, thì sự thật con số “khủng” 4.000 tỉ đồng đã là sự nhức nhối cho những ai quan tâm đến đời sống kinh tế, luật pháp nước nhà nói chung và cuộc chiến chống tham nhũng nói riêng. Đó là cú sốc với người dân của một đất nước đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn của suy thoái kinh tế, của nguy cơ tụt hậu so với khu vực, của nợ xấu, nợ công … Đó cũng là cú sốc với hàng triệu người lao động đang phải oằn mình lo toan cuộc sống cơm áo hằng ngày trong khốn khó, thậm chí không ít người tết này còn bị nợ lương, không có thưởng.
Vậy mà sự bê bối của ngành ngân hàng với chức năng quản lý, kinh doanh tiền tệ đâu chỉ có mỗi vụ án Huỳnh Thị Huyền Như này. Đã có những vụ như bầu Kiên lũng đoạn nhiều ngân hàng, vụ bảy ngân hàng cùng để một doanh nghiệp xỏ mũi đến nỗi tranh chấp nhau kho cà phê thấp xa số lượng thế chấp tại Bình Dương. Rồi mới đây nhất, khi vụ án “siêu lừa” Huyền Như chuẩn bị xét xử lại xuất hiện chuyện nhân viên kho quỹ ngân hàng Hồ Thị Thu Hương ở Bình Định chỉ lợi dụng đổ rác mỗi ngày cũng dễ dàng biển thủ hơn 30 tỉ đồng. Hay vụ ba cán bộ Agribank huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tham ô 25 tỉ đồng đem cá độ bóng đá… Tất cả đã cho thấy những lỗ hổng chết người trong quản lý, giám sát lĩnh vực kinh tế quan trọng và nhạy cảm này ở nước ta.
Vấn đề đặt ra là tại sao lừa đảo, chiếm đoạt tiền ở Việt Nam lại xảy ra nhiều và dễ dàng, đơn giản đến khó tin như vậy? Hơn bao giờ hết nhân dân đang cần câu trả lời: ai, cấp ngành nào phải chịu trách nhiệm về việc tạo ra, để tồn tại những kẽ hở “khủng” đến mức cả nửa triệu con bò, gần 1 triệu tấn lúa vẫn chui lọt qua như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như?
Tuổi trẻ
2014-01-22 20:00:46
Nguồn: http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/soc-voi-con-so-4000-ti-dong-201401230959199731ca34.chn