Theo đó, các tuyến đường sắt này phải được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, an toàn, tiết kiệm diện tích đất; đồng thời nhà ga phải tích hợp với các loại hình phương tiện vận chuyển khác.
Đặc biệt, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM phải được quy hoạch đồng bộ, đi qua các địa bàn giao thông trọng điểm, đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển hành khách và tiết kiệm chi phí đến mức thấp nhất.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 và điều chỉnh quy hoạch cục bộ hệ thống đường sắt đô thị đã được UBND TP phê duyệt, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM bao gồm 7 tuyến tàu điện ngầm, 3 tuyến xe điện mặt đất (monorail) với tổng chiều dài khoảng 160 km.
Được biết, hiện thành phố đã triển khai xây dựng 2 tuyến, đó là tuyến số 1 và số 2 trong tổng số 7 tuyến đường sắt này.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, hiện thành phố đang gặp hai khó khăn trước mắt, đó là: thứ nhất, chi phí đầu tư quá lớn nên không thể chủ động trong công tác triển khai; thứ hai là quy định của các nhà tài trợ và quy định của Việt Nam chưa được hài hòa.
Để tháo gỡ các khó khăn này, thành phố đang xây dựng các tiêu chí, điều kiện để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thật sự.